'Nếm' hòa bình ở khu phi quân sự Hàn Quốc

26/05/2019 10:00 GMT+7

Đó là hòa bình, đúng hơn là mong ước hòa bình ở khu phi quân sự DMZ tại Hàn Quốc.

Những tấm thẻ kim loại trắng lạnh ghi mã số binh sĩ, những dải lụa đủ màu chép trên đó nguyện ước sum họp gia đình, những tấm hình người đàn ông bật khóc như trẻ con, cái bắt tay lịch sử của hai miền trên bán đảo Triều Tiên... Đó là hòa bình, đúng hơn là mong ước hòa bình ở khu phi quân sự DMZ tại Hàn Quốc.

Cây cầu chia cắt

“Các bạn có thể thấy đầu tàu cũ này. Nó đã ở đó từ khi đường ray này không còn hoạt động nữa vì chia cắt hai miền ở bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi vẫn giữ nó ở đó”, Christina, hướng dẫn viên du lịch người Hàn Quốc, nói.
DMZ được thiết lập sau khi Hiệp định đình chiến ký kết ngày 27.7.1953. Khu vực này chạy qua nhiều tỉnh, TP mà trước đó nằm trên trận tuyến của cuộc chiến Nam - Bắc Triều Tiên (1950 - 1953). Chính vì thế, dù đường sắt không còn hoạt động, nhưng cây cầu không cô đơn. Người Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn có thể đến đây, cùng tham gia các hoạt động để bày tỏ mong ước một ngày nào đó hai miền Triều Tiên sẽ có những chuyến tàu chạy qua chạy lại. Ít nhất, họ có thể lên toa tàu được phục dựng lại như khi nó chạy chuyến cuối cùng. Từng ô cửa sổ, từng phiến ghế gỗ, chiếc va li da trên tầng hành lý đã được xếp y nguyên. Màn hình led lắp trên cửa sổ cũng tạo cảm giác về những hàng cây xanh đang được lướt qua và lùi lại phía sau lưng. Một hiệu ứng hiện đại.
Hình ảnh người đàn ông khóc vì chia cắt tại khu DMZ ẢNH: TRINH NGUYỄN
 
Nhưng những câu chuyện bên cầu được kể lại thì buồn nhớ và da diết. Trên hàng rào bên đường lên cầu, hàng loạt dải lụa đã được kết lên. Ở đó có ghi bao điều ước mà phần lớn là ước nguyện về hòa bình. Xa hơn là những tấm hình, trong đó chụp những công dân Hàn Quốc đã tới đây, đã khóc và mong chờ đoàn tụ với họ hàng của mình ở Triều Tiên. Có tấm hình ghi lại một người đàn ông chừng ngoài 70 tuổi, ngồi bệt xuống đất, lưng còng nhưng dáng ngồi như một đứa trẻ, khóc như trẻ thơ. Một người khác cũng với mái tóc bạc trắng, lại đang chống gậy và mắt cứ nhìn mãi về phía bên kia, nơi ông không thể tới. “Tôi nghĩ, nhiều người thế hệ cha mẹ chúng tôi vẫn đang mong nhớ người thân như vậy”, Christina chia sẻ.

Di sản tư liệu thế giới và điều ước dưới sàn nhà

Ở DMZ, có một khu nhà lớn như thể một tổ hợp với khu triển lãm, khu phục vụ đồ lưu niệm, nhà hàng, quán cà phê. “Tôi đã đến khu nhà này nhiều năm với tư cách nhà báo. Tuy nhiên, bây giờ nó đã mở cho nhiều người hơn, khác xa với lần đầu tôi đến, rộng và bề thế hơn nhiều”, ông Malovic Dorian, phóng viên của tờ La Croix (Pháp), nói. Điều đó cũng cho thấy phần nào chủ trương cởi mở thông tin về khu vực này với thế giới của Hàn Quốc.
Cũng tại khu vực này, có phòng trưng bày riêng những tư liệu về bán đảo Triều Tiên. Đó là những tư liệu đã được ghi danh trong chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Tại đó, có những hình tư liệu đen trắng rất xưa từ khi bán đảo Triều Tiên còn chưa có tranh chấp, tới khi nó bị chia cắt. Cũng có cả tư liệu về những chặng đường hàn gắn, đối thoại các bên trên bán đảo này. Những tư liệu này cũng được dựng thành phim và người tham quan có thể lặng đi vì cảm giác về chiến tranh - hòa bình trong từng khuôn hình từ quá khứ.
Bên cạnh tư liệu đen trắng của những năm 50 thế kỷ trước, có cả tư liệu màu của những năm gần đây. Trong đó, bức hình Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp gỡ hồi năm 2018. Kể từ năm 1953, đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên đặt chân tới Hàn Quốc. Ở đó, họ cùng bắt tay nhau tươi cười trước ống kính phóng viên. Có nhiều pano với những hình ảnh của cuộc gặp thượng đỉnh này trong phòng giới thiệu di sản tư liệu thế giới tại DMZ.
Những thông điệp về mong muốn hòa bình trên bán đảo Triều Tiên không chỉ thể hiện trong phòng Ký ức thế giới, trên cây cầu với đường ray đã ngưng hoạt động. Nó còn nằm trên sàn của tòa nhà. Người dân Hàn Quốc nhiều lứa tuổi đã cùng nhau vẽ, ghi những mong muốn của mình ở đó. Nó cũng có mặt trong một trưng bày tư liệu khác được đặt dưới hầm ngầm chiến đấu. Công chúng đi trong hầm ngầm mà lối lên xuống rất dốc, để hiểu được nếu có chiến tranh, cuộc sống sẽ chủ yếu diễn ra dưới đó sẽ như thế nào.

Ở doanh trại của những hậu duệ mặt trời

Tại DMZ, có một địa điểm khá ít người được trải nghiệm. Đó là trại quân sự của quân đội Mỹ - Camp Greaves. Địa điểm này từng là nơi đóng quân của binh sĩ Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua, từ khi xảy ra chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Có thời kỳ số quân nhân đóng tại Camp Greaves lên tới 700 người. Lán trại đặc trưng của quân đội Mỹ vẫn còn nguyên song đã đổi màu thời gian bên cạnh những hàng rào thép gai. Tuy nhiên, địa điểm này cũng có thêm một lớp thời gian mới óng ánh khi được sử dụng làm phim trường của bộ phim nổi tiếng Hậu duệ mặt trời. Đây cũng là khu vực người trẻ Hàn Quốc tới sống để trải nghiệm đời sống nghiêm ngặt của quân đội, để nhớ về quá khứ và rèn luyện mình. “Các bạn là những người may mắn, không phải ai cũng có thể tới đây, ngủ qua đêm và trải nghiệm đời sống của một binh sĩ”, Christina nói với đoàn phóng viên quốc tế. Nhiều phóng viên quốc tế đã đến những điểm DMZ khác cũng đồng ý như vậy.
Trại Greaves quả thực rất đặc biệt. Ở đó, có những trải nghiệm riêng của đời sống binh sĩ. Những bữa ăn hoàn toàn theo thể thức quân đội, tự phục vụ trong một khay nhôm. Khu vực nhà tắm tập thể cũng khiến nhiều người hơi e ngại. Khu phòng ngủ với chăn màn đệm màu xanh của lính. Khách cũng có thể chui vào một chiếc lều dã chiến giống hệt trong phim Hậu duệ mặt trời. Họ có thể được tự khắc tên mình trên chiếc dây chuyền và lắc tay kim loại. “Nghe tiếng khắc è è như bác sĩ chữa răng nhỉ”, phóng viên kỳ cựu người Pháp, ông Malovic Dorian, khẽ cười và nói. Nhưng cũng không hẳn đó là một niềm vui. Chiếc dây chuyền và lắc này được các binh sĩ đeo khi làm nhiệm vụ để nếu họ bị thương hoặc tử nạn, người ta sẽ căn cứ vào mã số mà tìm ra địa chỉ người thân. Và ngay ở trải nghiệm dường như ít mũi tên hòn đạn nhất này, ngành du lịch Hàn Quốc cũng có thể chia sẻ cảm xúc về đời sống lịch sử của họ.
“Chúng tôi muốn quảng bá du lịch tại khu vực phi quân sự của Hàn Quốc”, ông Ahn Young-bae, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hàn Quốc, chia sẻ. Hồi 2018, chiến dịch mang tên #LoveforDMZ (www.lovefordmz.com) đã được phát động và chỉ sau 2 tuần đã thu hút hơn 20.000 người từ 137 quốc gia trên thế giới tham gia. Họ đã cùng nhau "thả tim" trên mạng xã hội như Instagram và Facebook với những hình ảnh của khu DMZ - vùng đất gần như không thay đổi trong suốt nửa thế kỷ qua.
Nhưng có lẽ, những hình ảnh trên mạng khó lòng mô tả hết được không khí ở DMZ. Ở đó, có sự nghiêm cẩn trong tổ chức của một đất nước đã vươn từ nghèo đói nhất châu Á thành nền kinh tế thứ 11 trên thế giới. Nó cũng có nỗi đau của những người đã xa cách họ hàng trong suốt nhiều năm mà chưa biết bao giờ gặp lại. Nó cũng có sự bay bổng và quan tâm đến cảm xúc của công nghiệp điện ảnh ghi dấu sang du lịch… Tất cả những điều đó gợi ra cảm xúc về một nền hòa bình mà mọi người đều ao ước được thụ hưởng.

Đường hầm thứ ba

Tác phẩm điêu khắc về sự chia cắt tại khu DMZ Ảnh: Trinh Nguyễn
Đường hầm thứ ba dường như là điểm tham quan ai cũng muốn đến và không ai có ảnh trong lòng đất khi trở về. Đây là khu vực mỗi khách đến thăm phải tuân theo hướng dẫn triệt để về việc không mang theo thiết bị ghi âm, ghi hình. Điều duy nhất có thể là chụp ảnh ở khu vực sân trước khi xuống hầm. Tại đó, có cụm tượng về sự chia cắt thế giới cũng như tên của khu vực này.
Đường hầm tuy đã được chiếu sáng nhưng khá ẩm. Nó được phát hiện vào năm 1978, khi quân đội miền Bắc đào. Đường hầm dài hơn 1.600 m, cao và rộng 2 m. Ước tính hơn 30.000 binh sĩ có thể đi qua đường hầm chỉ trong 1 giờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.