Nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

18/06/2024 06:19 GMT+7

Bộ Công thương, cơ quan quản lý chính ngành xăng dầu, mới đây cũng thừa nhận Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bộc lộ nhiều bất cập và xem xét đề nghị bỏ quỹ này.

"Ông lớn" xăng dầu muốn bỏ quỹ

Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ cuối tháng 5 vừa qua, đại diện của Bộ Công thương thừa nhận, Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đề xuất, gửi Bộ Tài chính có cơ sở báo cáo lên Chính phủ xem xét. Việc này cũng phù hợp với quy định của luật Giá năm 2023 mới ban hành, có hiệu lực từ ngày 1.7 tới. Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay về việc giữ hay bỏ Quỹ BOG xăng dầu vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận, Bộ tiếp tục lấy ý kiến. 

Theo quan điểm của Bộ, nội dung trích lập quỹ hiện có một số vấn đề cần điều chỉnh và cụ thể hóa, đưa vào dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu. Bộ Công thương sẽ xem xét, đánh giá và kiến nghị việc giữ hay bỏ Quỹ BOG xăng dầu theo quy định của luật Giá 2023 tại dự thảo tờ trình và nghị định về kinh doanh xăng dầu mới (thay thế 3 nghị định 83, 95 và 80), trình Chính phủ trong tháng 6 này.

Nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu- Ảnh 1.

Doanh nghiệp đầu mối và chuyên gia đề xuất nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trước đó, góp ý cho dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, nhiều doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu lớn như Petrolimex, PVOil đã kiến nghị bỏ Quỹ BOG xăng dầu. Đại diện Petrolimex cho rằng cơ quan quản lý nên mạnh dạn bỏ Quỹ BOG vì thời gian qua, quỹ đã không trích, chi nhiều kỳ nhưng thị trường vẫn ổn định. Xăng dầu nay được điều hành giá 7 ngày/lần, giá xăng dầu trong nước đã bám sát giá thế giới, mức độ biến động giữa các lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn. 

Trong khi đó, để quản lý Quỹ BOG, DN đầu mối rất vất vả trong công tác kiểm kê sản lượng xuất bán, báo cáo, thanh kiểm tra… Cần có quy định cụ thể về trích lập, chi sử dụng quỹ để không ảnh hưởng đến vốn của DN, tránh tình trạng người dân hiểu nhầm Quỹ BOG là của DN… Vị này cho rằng, nếu mục đích phải duy trì quỹ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, DN kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp quản lý quỹ được không? Mục đích nhằm tránh được việc sử dụng Quỹ BOG xăng dầu sai mục đích như vụ Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức… trong thời gian qua.

Nhiều ý kiến muốn bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Tương tự, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVOil, phân tích hiện giá thị trường xăng dầu lên xuống khó lường nhưng mỗi kỳ điều hành giá, DN cứ phải hồi hộp đoán xem kỳ này quỹ sử dụng thế nào, trích ra sao… Bên cạnh đó, Quỹ BOG xăng dầu là nguồn lực của người dân đóng góp vào thì bản chất không phải là bình ổn. "Tôi kiến nghị nếu được thì bỏ Quỹ BOG xăng dầu. Nếu vì nhiều lý do mà chưa thể bỏ thì chỉ khi nào giá lên mức quá cao mới sử dụng quỹ. Như thế để DN bớt hồi hộp, không phải đoán định điều hành của nhà nước trước mỗi kỳ điều hành giá", ông Dương bày tỏ quan điểm.

Thực tế, bỏ Quỹ BOG xăng dầu không phải là đề xuất mới. Trước đó, tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt bất cập, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng của các DN đầu mối xăng dầu, trong đó có tình trạng DN đầu mối chiếm dụng quỹ từ hàng trăm đến hàng nghìn tỉ đồng. Theo số liệu được Bộ Tài chính công bố lần gần nhất, số dư Quỹ BOG xăng dầu hiện gần 6.700 tỉ đồng. 

Trong các kỳ điều hành từ đầu năm 2024 đến nay, liên bộ Tài chính - Công thương không chi sử dụng quỹ, một số kỳ có thực hiện trích lập quỹ đối với một số mặt hàng dầu. Quỹ BOG xăng dầu đang được trích lập và sử dụng theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2021. Theo đó, quỹ này chỉ được sử dụng khi chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ trước liền kề kỳ điều hành tăng từ 7% trở lên. Khi giá giảm hơn 5%, quỹ được trích thêm, ngoài 300 đồng/lít như quy định. Thực tế, nhiều kỳ điều chỉnh giá trước đây, việc trích lập quỹ khá tùy hứng, không tuân thủ đúng theo Thông tư 103.

Bỏ quỹ và lập sàn giao dịch xăng dầu

TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả và thị trường (Bộ Tài chính), nhấn mạnh: Cái gốc của vấn đề là phải tạo ra một thị trường xăng dầu cạnh tranh thực sự thì chúng ta chưa có. Nhà nước có thể điều tiết giá xăng dầu thông qua chính sách thuế, phí… và phải tạo ra thị trường xăng dầu để mọi thứ tự vận hành và điều tiết theo nguyên tắc cạnh tranh. Một thị trường xăng dầu cạnh tranh chỉ được tạo ra khi nhà nước giao chỉ tiêu tối thiểu nhập khẩu xăng dầu cho thương nhân đầu mối, không can thiệp vào giá nhập khẩu, khối lượng nhập khẩu bao nhiêu hay mua bao nhiêu từ các nhà máy trong nước. Việc đó là của các "anh" đầu mối, họ thấy giá thế nào đủ cạnh tranh giá tốt thì họ quyết.

"Quỹ BOG xăng dầu áp dụng từ năm 2009, đến thời điểm này duy trì nữa là không còn phù hợp, tác dụng can thiệp đến thị trường không đáng kể. Đó là chưa nói, hiện nay giá xăng dầu cập nhật theo giá thế giới hằng tuần, quỹ hầu như không được đụng đến, bỏ nguyên cục tiền thu trước của người tiêu dùng là sự hết sức vô lý. Theo tôi, nên bỏ hẳn quỹ đi", ông Vũ Đình Ánh nói.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú đề nghị thành lập sàn giao dịch xăng dầu, hoạt động giao dịch theo nguyên lý thị trường, thuận mua vừa bán, không ai ép ai cả, ở đâu rẻ và thuận tiện thì mua. Giá cả giao dịch bán buôn, bán lẻ do DN tự tính toán, lời ăn, lỗ chịu.

"Nên đoạn tuyệt luôn với BOG xăng dầu bằng tiền của dân vì nó không hiệu quả mà còn bị lợi dụng để trục lợi. Các nước cũng áp kinh doanh xăng dầu qua sàn giao dịch thế này, VN có các sàn giao dịch như cà phê, gạo, chứng khoán, hàng hóa... rất hiệu quả mà lại chống thất thu thuế. Vấn đề là nhà nước kiểm soát được giá cả và điều tiết được thị trường. Chất lượng, giá cả, giá bán, các đơn vị kinh doanh xăng dầu phải tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Chính những thương nhân biết phải tính toán lỗ lãi từng giọt xăng dầu của mình theo thị trường. Họ tự phải biết làm gì để khách hàng đến với họ. Nhà nước chỉ cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch cùng với áp dụng khoa học công nghệ kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm định các thiết bị đo. Còn lại để DN tự tính toán giá cả, cạnh tranh... Nếu DN nào làm sai, gian lận thương mại… phạt thật nặng hoặc rút giấy phép", ông Phú nói.

Muốn thị trường xăng dầu phát triển bền vững, không thể không có dự trữ quốc gia. Dự thảo nghị định mới đề cập đến dự trữ của DN đầu mối, chúng ta cần xây dựng chiến lược bài bản dự trữ quốc gia mới bảo đảm tính ổn định, bền vững cho ngành năng lượng được.

TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả

và thị trường (Bộ Tài chính)

Cần xây dựng kho dự trữ quốc gia theo nhà nước quy định. Lượng dự trữ phải đủ đáp ứng được từ 3 - 6 tháng.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.