Lăng kính bạn đọc:

Nên cho chọn rút BHXH một lần toàn bộ hay 50%

03/06/2023 06:02 GMT+7

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng xuống còn 15 năm, đồng thời đưa ra 2 phương án quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhận được sự quan tâm của dư luận.

Như Thanh Niên thông tin, Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự án luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ LĐ-TB-XH chủ trì soạn thảo. Nội dung đáng chú ý là Bộ LĐ-TB-XH đưa ra 2 phương án về hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

Phương án 1: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Nên cho chọn rút BHXH một lần toàn bộ hay 50% - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục BHXH tại BHXH TP.HCM

Ngọc Dương

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động (NLĐ) có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Theo tổng hợp của Bộ LĐ-TB-XH, có 2 luồng quan điểm về vấn đề trên, một bên chọn phương án 1, bên còn lại chọn phương án 2.

Sao không dùng cả 2 phương án ?

Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Ngo Vu cho biết bản thân đang là NLĐ làm cho một công ty. "Vì vậy tôi chỉ đồng ý với phương án 1. Khi hết làm công ty rồi thì tôi hay nhiều NLĐ khác cũng muốn có một số vốn đầu tư làm ăn nuôi gia đình, bây giờ đề nghị rút 50%, còn 50% để sau này làm gì, có nuôi nổi họ không, chưa kể cả gia đình...", BĐ này lý giải.

Cùng quan điểm, BĐ Van Co ý kiến: "Tôi đề nghị phương án 1 đề xuất 20 năm lãnh 100% số tiền của NLĐ đóng, vì khi làm ở doanh nghiệp lâu năm có người bị công ty cắt giảm ép nghỉ do lớn tuổi, để tuyển người trẻ hơn. Mong cơ quan bảo hiểm lắng nghe ý kiến NLĐ, tiền họ đóng để họ tự quyết định".

Trong khi đó, BĐ Loan Nguyen thì chọn phương án 2 vì "NLĐ sức khỏe không đủ để làm công nhân, làm đến 45 tuổi là doanh nghiệp giảm biên chế rồi. Sau 45 tuổi xin vào làm công ty khó lắm".

Cho rằng cả 2 phương án đều có những ưu khuyết riêng, vì vậy nhiều ý kiến đề nghị nên để NLĐ tự lựa chọn phương án phù hợp với hoàn cảnh của mình. "Khi rút bảo hiểm thì cho NLĐ 2 quyền lựa chọn: phương án 1 hoặc 2. Chọn phương án nào thì để NLĐ quyết định, như vậy là tốt nhất", BĐ L.A ý kiến.

"Nên cho luôn 2 tùy chọn và để cho NLĐ tự chọn lựa mức rút khi có nhu cầu. BHXH chỉ cần tính toán sao cho công bằng đối với mỗi phương án", BĐ Hung đề nghị.

Cải tiến chế độ BHXH để giữ NLĐ

Ngoài việc hài hòa giữa nhu cầu trước mắt và lợi ích lâu dài của NLĐ, nhiều ý kiến còn đề nghị BHXH cần cải tiến để giữ chân NLĐ. "Vấn đề không phải là thời gian 20 năm hay 15 năm mà nằm ở chỗ đến 60 tuổi mới được nhận lương hưu và BHXH không mang tính kế thừa. Cần quy định thêm đối tượng được hưởng lương hưu xuống 55 tuổi với nam và 50 tuổi với nữ trong nhiều ngành đặc thù. Và cần xây dựng quy định nếu NLĐ có chết khi đang hưởng lương hưu thì sẽ có tính kế thừa cho người thân trong vài năm sau khi mất", BĐ Nguyễn Vũ góp ý.

Vậy những người đóng trên 20 năm, nhưng họ bị thất nghiệp, không việc làm, mà không cho hưởng, đợi đến tuổi thì lấy gì họ sống? 

Khoa Phạm

NLĐ không quan trọng số năm đóng là bao nhiêu, 10 - 15 - 20 năm điều được, quan trọng là tuổi để nhận được lương hưu kìa. Các bác cứ so sánh với những nước phát triển mà không nhìn lại bình quân tuổi thọ người VN là bao nhiêu. 

Hoang Huan

NLĐ làm việc có tham gia BHXH thì dù tiền đóng là của cá nhân hay doanh nghiệp thì đó đều là tiền của NLĐ, nên khi rút BHXH thì nên cho họ có quyền lựa chọn rút 50% hay 100%. Vì tùy theo nhu cầu của từng NLĐ, có thể họ muốn rút 1 lần để số tiền đó có thể làm thay đổi nguồn thu nhập của họ. 

Quốc Thanh

Đề xuất chưa đủ năm đóng cho NLĐ rút BHXH 1 lần 100% để NLĐ có tí vốn mưu sinh. Chứ rút 50% chẳng làm được gì khi số tiền quá ít. Còn 50% xin hỏi khi nào NLĐ mới lấy được? Đóng tiếp không thể đóng vì các doanh nghiệp không sử dụng lao động lớn tuổi, thì 50% đó có được hưởng lương hưu đâu. 

Tran Vinh

Để lại 50% làm gì, trong khi những người không rút để nguyên 100% thì lương có đủ sống đâu? 50% thấm vào đâu? Rồi nếu NLĐ chết khi chưa tới tuổi hưu thì tử tuất có được bằng 100% của khoản 50% để lại hay theo quy định 10 tháng lương cơ bản? Tiền của NLĐ đóng vào, họ muốn giữ lại thì giữ, họ muốn rút thì phải trả hết, của họ thì họ tự quyết định.

Thang Tin

Tương tự, BĐ Van Hoi ý kiến: "Tốt nhất cho NLĐ tự chọn 1 trong 2 phương án mà Bộ LĐ-TB-XH đề xuất. Ngoài ra nên giảm tuổi nghỉ hưu, giảm năm đóng là tốt nhất".

"Muốn NLĐ không rút BHXH một lần thì giảm tuổi hưu đi, đóng nhiều hưởng nhiều đóng ít hưởng ít. Ngoài ra, nếu NLĐ đóng bảo hiểm liên tục nhưng chưa từng hưởng bất cứ chính sách nào như nghỉ đau ốm, thai sản... thì tỷ lệ hưởng lương hưu phải cao hơn người đã từng hưởng lợi các chế độ này", BĐ Minh Trực góp ý.

BĐ Mai Hương đề nghị: "BHXH nên xây dựng đa dạng các gói bảo hiểm để NLĐ chọn lựa, phù hợp với khả năng của mình thay vì chốt cứng bảo hiểm bắt buộc như hiện nay".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.