Đa dạng các lớp kỹ năng
Theo ông Phạm Ngọc Tuyền, Giám đốc Nhà thiếu nhi TP.HCM, các lớp học kỹ năng hè dành cho học sinh lứa tuổi từ 4 - 14 sẽ bắt đầu khai giảng từ ngày 18.7 với nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện cho thiếu nhi dễ dàng chọn lựa để phát triển năng khiếu, sở trường của mình.
Ở lĩnh vực thể dục thể thao có các lớp võ thuật, cờ vua, cờ tướng, cờ vây, bóng đá, bóng bàn, bóng rổ, thể dục nhịp điệu. Còn mỹ thuật - nghệ thuật thì có các lớp thanh nhạc, đàn organ, guitar, múa hiện đại, hội họa, rèn chữ, robot…
Theo anh Nguyễn Minh Khánh, Giám đốc Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam, các chương trình học kỳ quân đội và kỹ năng hè diễn ra từ ngày 14.7 - 24.8 dành cho học sinh từ 7 - 18 tuổi với nhiều nội dung phù hợp để phụ huynh lựa chọn cho con em mình. Chẳng hạn từ 7 - 11 tuổi có chương trình Chiến sĩ tí hon, từ 12 - 18 có chương trình Học kỳ quân đội.
Anh Khánh cho biết: “Chúng tôi xây dựng các chuỗi chương trình chủ yếu tương ứng với từng môi trường trải nghiệm và rèn luyện cho thanh thiếu nhi. Khi tham gia những lớp học trải nghiệm này, các em có sự thay đổi về nhận thức và hành động theo hướng tích cực”.
|
Trong khi đó, anh Nguyễn Tiến Danh, Phó giám đốc Trung tâm hoạt động và giao lưu thanh thiếu niên Việt Nam, thông tin: “Trung tâm có các khóa học kỹ năng và hoạt động trải nghiệm cho thanh thiếu niên từ 7 đến 15 tuổi trong dịp hè này. Cụ thể trong thời gian từ ngày 20.7 đến 14.8, trung tâm có các lớp dạy năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao, bên cạnh đó còn có các khóa học như đánh thực tiềm năng với mong muốn rèn luyện cho bạn trẻ về các kỹ năng, tư duy, thái độ, tình cảm…".
Đừng quên kỹ năng sinh tồn
Anh Nguyễn Đặng Hoàng Khương, huấn luyện viên kỹ năng cấp 1 Quốc gia (T.Ư Hội LHTN Việt Nam), cho biết: “Kỹ năng nào cũng quan trọng và cần thiết với con người cả, nhưng theo tôi kỹ năng sinh tồn là tối quan trọng. Chính vì vậy, thông thường trong các chương trình huấn luyện kỹ năng tôi thường trang bị cho các bạn trẻ những kỹ năng cần thiết và rất cụ thể”.
Anh Khương hướng dẫn: Chẳng hạn, khi bị lạc trong rừng, điều đầu tiên là không được hoảng loạn mà phải thật bình tĩnh, tự trấn an bản thân và luôn nghĩ mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Kế đến là xác định vị trí nơi mình bị lạc thông qua các dấu vết, dùng các cách để xác định phương hướng như: la bàn (nếu có), bóng nắng mặt trời, thân cây, tìm vị trí cao để quan sát hướng...
|
Trong khi đó, anh Nguyễn Tiến Danh, người từng dẫn học sinh trải nghiệm ở các dịp hè thông qua chương trình học kỳ quân đội, truyền đạt kỹ năng khi gặp nạn: “Trong quá trình di chuyển trong đường rừng, nếu chẳng may bạn bị một vật sắc đâm vào chân và bị rơi lại ở phía sau, hãy giữ vật đó cố định. Đừng vội kéo vật sắc ra khỏi cơ thể vì điều đó sẽ làm bạn mất máu rất nhanh. Thay vào đó, hãy cố gắng băng vết thương và làm bất cứ điều gì để ngăn chảy máu cho đến khi bạn tìm thấy có người để kêu cứu”.
Bình luận (0)