Nên có quy định về lợi nhuận khi xã hội hóa sách giáo khoa?

04/11/2022 06:05 GMT+7

Chuyên gia về thẩm định giá cho rằng Bộ GD-ĐT nên có quy định về lợi nhuận sách giáo khoa, đây cũng là một yếu tố để kiểm soát giá sách không bị quá cao so với mức chi tiêu của người dân giống như xăng dầu.

Đây là một trong những nội dung đặt ra tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Sách giáo khoa (SGK) và câu chuyện xã hội hóa giáo dục” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 3.11.

Mỗi bộ SGK cần chi phí khoảng 400 tỉ đồng

Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định xã hội hóa SGK là cần thiết, đồng thời nêu lên những kết quả đã đạt được của chủ trương này. Trong đó, việc xã hội hóa giảm bớt gánh nặng trong đầu tư công của nhà nước về lĩnh vực này. “Bởi vì tính riêng về biên soạn SGK ước tính cần đến hơn 300 tỉ đồng, chưa tính các chi phí tập huấn, giáo viên, chi phí khác khoảng 400 tỉ đồng/bộ, nếu có khoảng 3 bộ thì đã rơi vào hơn 1.000 tỉ đồng”, ông Thưởng thông tin.

Ông Thưởng cho rằng lần đầu thực hiện xã hội hóa SGK sẽ không thể tránh bất cập, cũng như không tránh khỏi còn sạn trong sách, vấn đề là lắng nghe, tiếp thu, có giải pháp để cuối cùng là hướng tới học sinh (HS), hướng tới chất lượng giáo dục.

Bộ GD-ĐT sẽ phải tham mưu với nhà nước có căn cứ quy định tiêu chuẩn định mức, định giá trần sách giáo khoa

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, cho biết các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã bỏ chính sách độc quyền SGK từ rất lâu và thực hiện các chính sách một chương trình nhiều bộ SGK. Chính sách này có 4 đặc trưng cơ bản: thứ nhất, nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân kể cả thành phần tư nhân nếu có đủ khả năng, điều kiện được phép tham gia biên soạn và phát hành SGK. Đây là phương pháp để thu hút các thành phần kinh tế đa dạng tham gia vào công tác sản xuất, biên soạn loại hàng hóa đặc biệt này. Thứ hai, nhà nước sẽ đưa ra khung cơ bản của chương trình quốc gia, các nhà biên soạn sẽ dựa vào đó để biên soạn các bộ sách, mỗi môn học sẽ có nhiều SGK của nhiều nhóm tác giả khác nhau. Thứ ba, mỗi quốc gia có nhiều nhà xuất bản cạnh tranh với nhau, họ tự biên soạn, tự lựa chọn người tham gia biên soạn, chủ động kinh phí và làm chủ các công đoạn sản xuất. Thứ tư, giá SGK sẽ do các nhà xuất bản quy định theo cơ chế thị trường, nhà nước sẽ có trách nhiệm thẩm định giá và có những hỗ trợ nhất định để từ đó có sự kiểm soát và định giá để cho những HS nghèo cũng có thể sử dụng sách.

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định xã hội hóa SGK là cần thiết

THÔNG NGUYỄN

Theo ông Thỏa, ở VN, quản lý nhà nước thể hiện ở việc cần đưa các nhà xuất bản này vào hành lang pháp lý riêng. Cụ thể, Bộ GD-ĐT cần ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất SGK để các nhà biên soạn căn cứ vào đó sản xuất. Ví dụ đơn giản như một cuốn sách sẽ hết bao nhiêu giấy, giấy loại gì... và các đơn vị xuất bản cần phải tuân thủ. Thứ hai, Bộ cũng cần ban hành quy chế giá riêng cho SGK ngoài quy định chung do Bộ Tài chính ban hành. Quy chế này cần quy định những chi phí nào nhà sản xuất được phép tính vào giá thành, chi phí nào không được phép. “Bộ cũng nên có quy định về lợi nhuận, đây cũng là một yếu tố để kiểm soát giá sách không bị quá cao so với mức chi tiêu của người dân giống như xăng dầu chúng ta quy định lợi nhuận là 300 đồng/lít”, ông Thỏa nói.

Bộ GD-ĐT lý giải về đề nghị định giá SGK

Trả lời câu hỏi về việc Bộ GD-ĐT dựa trên căn cứ nào để đề nghị đưa SGK vào danh mục mặt hàng được nhà nước định giá, ông Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, theo luật Giá, SGK là mặt hàng kê khai giá. Doanh nghiệp, các nhà xuất bản kê khai giá, Bộ Tài chính thẩm định, Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Tài chính để đưa ra quan điểm của mình. Tuy nhiên, dù là kê khai giá thì đều là thực hiện hình thức quản lý nhà nước gián tiếp hay trực tiếp. Hiện nay, chúng ta có khoảng 17,5 triệu HS là đối tượng sử dụng trực tiếp mặt hàng hết sức đặc biệt này. Qua nghiên cứu, GD-ĐT phối hợp Bộ Tài chính tham mưu đề xuất với Chính phủ nghiên cứu đưa mặt hàng SGK do nhà nước định giá. Bộ Tài chính đã trình dự thảo dự án sửa đổi này.

Ông Thưởng cho rằng sau đây Bộ GD-ĐT sẽ phải tham mưu với nhà nước có căn cứ quy định tiêu chuẩn định mức, định giá trần, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các nhà xuất bản mục tiêu cao nhất là hướng đến HS. Các nhà xuất bản không lấy mục tiêu lợi nhuận nhưng chúng ta vẫn tạo điều kiện các nhà xuất bản tham gia, bảo đảm tính cạnh tranh để hạ giá thành sách và bảo đảm chất lượng. Sắp tới, chúng tôi vẫn hướng tới có những bộ sách đặc thù. Làm sao có định giá nhưng không làm mất đi động lực của các nhà xuất bản trong biên soạn, phát hành SGK. Trong tiêu chuẩn, định mức hiện nay chúng ta đưa ra, làm sao tới đây Bộ GD-ĐT tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách để hoàn thành mục tiêu đề ra.

“Định giá quan trọng là những nguyên tắc, phương pháp định giá, mà quan trọng nhất là làm sao vẫn tạo động lực cho các nhà xuất bản, huy động tối đa nguồn lực của các nhà khoa học tham gia. Tôi nghĩ rằng các nhà xuất bản nên yên tâm về chủ trương của nhà nước”, ông Thưởng nói.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, đề nghị: “Bộ cũng nên có quy định về lợi nhuận, đây cũng là một yếu tố để kiểm soát giá sách không bị quá cao so với mức chi tiêu của người dân giống như xăng dầu chúng ta quy định lợi nhuận là 300 đồng/lít”

thông nguyễn

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng hiện nay chúng ta để cho các nhà xuất bản quy định giá theo cơ chế thị trường nhưng không thể để các doanh nghiệp muốn định giá ra sao cũng được. Chúng ta có những quy định, hành lang pháp lý mà các nhà xuất bản phải tuân thủ khi định giá. Trước hết phải tuân theo quy định về chi phí và dựa vào phương pháp định giá chung do Bộ Tài chính ban hành. Còn nguyên tắc định giá phải tuân theo các hạng mục cụ thể trong sản xuất mà các nhà xuất bản phải chi ra và có mức lợi nhuận phù hợp để tái đầu tư theo quy định của điều 20, luật Giá hiện hành. Căn cứ định giá là giá thành toàn bộ, chất lượng của SGK và lợi nhuận, bao gồm các yếu tố cấu thành giá như sau: chi phí nguyên vật liệu, tiền công thiết kế, xây dựng bản thảo, biên tập, chi phí khấu hao tài sản cố định, maketing, phát hành, in ấn… Đây là những khoản mà các công ty sản xuất sách được phép tính vào giá thành.

“Nhà nước có 2 cách kiểm soát, một là kiểm soát trực tiếp, hai là gián tiếp nhưng chỉ áp dụng với sản phẩm độc quyền, còn với sản phẩm xã hội hóa cần có thêm các cơ chế khác để phù hợp”, ông Thỏa nói.

Nghiên cứu điều chỉnh thông tư về chọn SGK

Liên quan việc lựa chọn SGK, một số ý kiến cho rằng việc giao cho UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK dẫn tới những bất cập là có một số địa phương chỉ chọn 1 bộ SGK khiến các trường không thể chọn SGK khác. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng: "Trong lựa chọn về sách, vấn đề làm sao tránh bất cập, những can thiệp không xuất phát từ cơ sở. Tới đây cũng có những kết luận để tránh tác động tiêu cực; cũng như nghiên cứu để điều chỉnh Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT trên tinh thần phải tôn trọng từ cơ sở, giáo viên, HS, nhà trường chứ không phải từ cơ quan quản lý cấp trên".

Vẫn chưa chốt phương án mua SGK cho HS mượn

Ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết, theo Nghị định 81/CP, nhà nước đã có hỗ trợ chi phí học tập thực tế cho HS vùng khó khăn theo định mức 150.000 đồng/HS/năm học, tổng năm học có 9 tháng là mỗi HS được hỗ trợ 1,35 triệu đồng để mua SGK, mua đồ dùng học tập khác. Tại các thông tư khác của Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT cũng quy định các nhà trường xây dựng tủ sách dùng chung để mỗi HS có bộ sách tương ứng, và hằng năm bổ sung 10%.

Nói về việc mua SGK cho HS mượn, đến thời điểm này, ông Thưởng vẫn đưa ra các phương án và chưa nói chọn phương án nào. Ông Thưởng cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với Bộ Tài chính để có đề xuất với Chính phủ phương thức: một là mua đủ 100% bổ sung cho thư viện nhưng đây không phải phương án lựa chọn vì có thể gây lãng phí; hai là phương án mua từ 50 - 70% gửi vào thư viện. Với mức mua này, tổng ngân sách ước chi khoảng 3.000 tỉ, mỗi năm bổ sung hao mòn, thất thoát khoảng 15 - 20%; phương án thứ ba như hiện nay là chỉ hỗ trợ với HS vùng khó khăn. Thực tiễn áp dụng phụ thuộc vào ngân sách, điều này cũng xin ý kiến các bộ ngành, để nghiên cứu, rà soát có được phương thức lâu dài cho những năm học tới đây”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.