Nên có thêm hội đồng thẩm định sách giáo khoa riêng cho giáo viên

28/10/2020 08:20 GMT+7

Nên lấy ý kiến rộng rãi của giáo viên trước khi phê duyệt sách giáo khoa (SGK) và nên thành lập một hội đồng thẩm định riêng cho giáo viên.

Đây là những ý kiến chủ đạo của các giáo viên (GV) khi Bộ GD-ĐT bắt đầu tiến hành việc thẩm định và lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 cho năm học sau.
Một GV ngữ văn bậc THCS tại Q.Tân Bình, TP.HCM cho rằng sách dành cho học sinh thì ý kiến nhận định của GV khá quan trọng. Phải có ý kiến của GV trước khi phê duyệt, có thể thực hiện trên mạng. Trên cơ sở đó, hội đồng thẩm định và tác giả nghiên cứu để chỉnh sửa cho phù hợp.
Tương tự, tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng cần có 2 hội đồng thẩm định: một là chuyên gia, các nhà quản lý và hội đồng còn lại là các GV tiểu học.
Lấy ý kiến bằng cách cho GV tiếp cận với sách sớm, trên diện rộng, đa dạng các tỉnh thành, vùng miền. Các GV tự gửi ý kiến nhận định, nhận xét về SGK. Đây là khâu tạo kết quả tốt nhất vì chính GV, người trực tiếp giảng dạy biết vấn đề gì nên, vấn đề gì cần thiết cho cuốn SGK phù hợp với học sinh.
Bà Vũ Thu Hương cũng đặt câu hỏi tại sao hội đồng thẩm định cũ chưa hiệu quả dù 1/3 số thành viên là GV tiểu học. Bởi GV trong hội đồng đó có thể là nhân viên, học trò của các thành viên nên chưa đưa ra tiếng nói xác thực, bị thuyết phục bởi những lập luận chủ quan từ các chuyên gia.
Về vấn đề thực nghiệm SGK, nhiều ý kiến cho rằng những “bùng nhùng” xảy ra trong thời gian vừa qua vì không cho dạy thử nghiệm một cách đàng hoàng, đúng cách của thử nghiệm. Tiến sĩ Hương cho rằng các bộ sách được các nhóm tác giả tổ chức thực nghiệm là một hạn chế. Có thể nhóm tác giả chọn một số bài học có tính chất tiêu biểu, hay nhất để thực hiện.
Tiến sĩ Hương đề xuất bên cạnh để nhóm tác giả tổ chức thực nghiệm thì Bộ GD-ĐT cần tiến hành độc lập trên diện phổ quát, ở các vùng miền khác nhau. Ngoài ra, ít nhất mỗi bộ sách cần thử nghiệm 2/3 nội dung”.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói rằng nếu các mẫu thực nghiệm không đủ lớn thì việc đánh giá không có giá trị. Thực nghiệm cần đảm bảo quy mô về địa lý và thời gian. Đặc biệt, đơn vị tổ chức và GV tham gia thực nghiệm cần thể hiện trách nhiệm với xã hội. Đồng thời, cần thành lập một hội đồng phản biện độc lập, tránh tình trạng chủ quan, rà soát trước khi phê duyệt, ban hành. Hội đồng thẩm định, ngoài trình độ, năng lực thì cần thể hiện trách nhiệm, quyết liệt trong việc đưa ra ý kiến. Các hội đồng phải độc lập, thành phần cơ cấu đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.