Nên đầu tư cho kỳ thi tốt nghiệp hay đánh giá năng lực?

28/01/2024 05:32 GMT+7

Sáng 27.1, chương trình Tư vấn mùa thi lần thứ 26 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức diễn ra tại Trường ĐH Đồng Nai, thu hút khoảng 9.000 học sinh lớp 12 của nhiều trường THPT tham dự trực tiếp.

Tại đây, đại diện Bộ GD-ĐT và chuyên gia tuyển sinh các trường chia sẻ nhiều lưu ý quan trọng tới thí sinh (TS).

Chương trình được truyền hình trực tuyến trên kênh thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.

NẾU RỚT TỐT NGHIỆP NĂM NAY, NĂM 2025 THI THẾ NÀO ?

Thông tin tại chương trình, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ đã ban hành dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT. Dự thảo này không thay đổi nhiều so với năm ngoái, chỉ cập nhật thêm một số chứng chỉ ngoại ngữ để thuận lợi hơn cho học sinh (HS). "Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Bộ sẽ ban hành quy chế thống nhất với tinh thần giữ ổn định không ảnh hưởng đến HS năm nay", Vụ trưởng Thu Thủy thông tin thêm.

Nên đầu tư cho kỳ thi tốt nghiệp hay đánh giá năng lực?- Ảnh 1.

Học sinh Đồng Nai nhận được nhiều thông tin mới, quan trọng trong ngày hội Tư vấn mùa thi 2024

NGỌC LONG

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết kỳ thi đánh giá năng lực năm nay được giữ ổn định về cấu trúc bài thi, chỉ có những thay đổi nhỏ giúp TS thuận lợi hơn trong dự thi (đợt 1 ngày 7.4, đợt 2 ngày 2.6). Ở đợt 2 sẽ mở rộng nhiều điểm thi hơn, trong đó Đồng Nai là địa phương có tổ chức cả 2 đợt thi.

Tại chương trình, Cẩm Tú (HS Trường THPT Lê Hồng Phong, Đồng Nai) hỏi: "Năm nay thi tốt nghiệp chẳng may bị rớt, năm sau thi lại cùng với HS thi tốt nghiệp Chương trình GDPT mới, thì có nhất thiết phải học lại hết kiến thức 3 năm không?". Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nêu ý kiến: "Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, HS đã có sự chuẩn bị 3 năm, nếu trượt là lỗi của mình quá lớn. Đầu tiên là không để đặt ra tình huống mình trượt kỳ thi này".

PGS Thủy nói thêm: "Chưa kể đến năm 2025, HS của chương trình GDPT mới bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, sẽ không có điều kiện riêng biệt cho các bạn trong kỳ thi năm sau. Tuy nhiên, có thể cách đo lường khác nhau nhưng kiến thức nền tảng như nhau. Nếu học đúng bản chất thì dù đánh giá bằng cách nào, kết quả nào cũng không chênh lệch. Một HS có học lực giỏi thì không kỳ thi nào có thể làm khó mình".

Không được đặt ra tình huống mình thi trượt!

TỐT NGHIỆP THPT LÀ ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ĐỂ HỌC LÊN CAO

Quan tâm tới việc xét tuyển ĐH, Mạnh Đạt (HS Trường THPT Lê Quý Đôn, Đồng Nai) hỏi: "Hiện xu hướng các kỳ thi đánh giá năng lực dần trở nên phổ biến và được nhiều trường sử dụng để xét tuyển. HS có nên đầu tư cho kỳ thi đánh giá năng lực nhiều hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT không?".

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy cho rằng HS cần phải tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì việc được công nhận xét tốt nghiệp chính là điều kiện tiên quyết trước khi vào bậc học cao hơn. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp cũng là cơ hội để xét tuyển vào nhiều trường rất tốt trong toàn quốc. Do đó, ngoài kỳ thi chung, nếu muốn HS nên lựa chọn thêm 1 - 2 kỳ thi riêng của các trường nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm với sự lựa chọn rõ ràng.

Tuy nhiên, PGS Thủy lưu ý thêm, năm nay TS xét tuyển bằng phương thức nào vẫn cần đăng ký trên hệ thống chung của Bộ. Khi có đầy đủ dữ liệu xét tuyển của TS, hệ thống này sẽ tự lọc và sắp xếp các nguyện vọng trúng tuyển của TS theo thứ tự ưu tiên. "Đây chính là tính ưu việt của hệ thống xét tuyển chung nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất của TS. Các em cứ yên tâm, khi có kết quả học tập tốt nhất định sẽ đỗ vào ngành, trường yêu thích nhất", bà Thủy nói thêm.

Nên đầu tư cho kỳ thi tốt nghiệp hay đánh giá năng lực?- Ảnh 2.

Khoảng 9.000 học sinh tham gia khai mạc chương trình Tư vấn mùa thi 2024 diễn ra tại Đồng Nai sáng qua

ĐÀO NGỌC THẠCH

Đồng quan điểm, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng TS cần đặt mục tiêu hàng đầu cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vì dù có xét tuyển bằng phương thức nào vẫn cần phải tốt nghiệp.

Liên quan vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính nói: "Kỳ thi nào cũng đánh giá năng lực học tập nên TS học tập tốt sẽ đạt được điểm cao. Mỗi kỳ thi có cách đánh giá người học khác nhau, nhưng đều có sự tương đồng với kiến thức mà HS đã học. Do đó, HS không nhất thiết phải luyện thi cụ thể cho 1 kỳ thi riêng nào mà cách chuẩn bị tốt nhất là học tốt chương trình phổ thông. Tuy nhiên, HS cần tìm hiểu đặc trưng riêng từng kỳ thi để có sự chuẩn bị cho tốt".

Định hướng cho HS chọn ngành, chọn nghề phù hợp

Năm 2024, chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên bước vào năm thứ 26, luôn là chiếc cầu nối hiệu quả giúp HS không chỉ liên lạc, trao đổi, giải đáp thắc mắc với các trường mà còn là một kênh cung cấp thông tin mới về thi cử, định hướng cho HS chọn ngành, chọn nghề phù hợp.

Chương trình Tư vấn mùa thi là một minh chứng sống động nhất cho phương châm Hào hiệp - Tử tế - Nhân văn - Tin cậy mà Báo Thanh Niên luôn theo đuổi. Một chương trình bền bỉ qua nhiều năm, luôn cải tiến để gần gũi với TS trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, xã hội, gắn với sự phát triển của công nghệ, phù hợp với giới trẻ năng động, thông minh, thành thạo công nghệ…

Nên đầu tư cho kỳ thi tốt nghiệp hay đánh giá năng lực?- Ảnh 3.

ĐÀO NGỌC THẠCH

Chương trình Tư vấn mùa thi năm 2024 mong muốn thật sự bổ ích về mặt thông tin, có ý nghĩa trong hành trình học tập của mỗi TS và giúp các em tự tin lựa chọn ngành học phù hợp, có được tương lai vững chắc mai sau.

Ông LÂM HIẾU DŨNG (Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên)

Đem lại hiệu ứng xã hội

Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên là một trong những chương trình được đánh giá đem lại hiệu ứng xã hội cũng như hiệu quả rất thiết thực, góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ HS và đặc biệt là HS về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS phổ thông. Ngoài ra, chương trình còn cung cấp thông tin về dự báo nguồn nhân lực, những yêu cầu về tuyển dụng trang bị cho HS những kỹ năng tiếp cận, phát hiện, khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp bản thân phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện kinh tế gia đình…

Ông Đỗ Đăng Bảo Linh (Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai)

Nên đầu tư cho kỳ thi tốt nghiệp hay đánh giá năng lực?- Ảnh 4.

ĐÀO NGỌC THẠCH


Ngành công nghệ thông tin vẫn duy trì được sức nóng lâu dài

Tại chương trình tư vấn, ông Nguyễn Sơn Lâm, chuyên gia tuyển dụng và thu hút nhân tài của Navigos Search, cho biết: "Công nghệ thông tin thay đổi từng ngày trên thế giới và tại VN, về lâu dài ngành này vẫn duy trì được sức nóng để phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi số của nước ta. Tuy nhiên, thị trường lao động ngành công nghệ thông tin ở VN vẫn thiếu một lượng lớn nhân sự chất lượng, đặc biệt trong các lĩnh vực đang nhận được nhiều sự quan tâm như AI, dữ liệu, Cyber Security (an ninh mạng) với các vị trí như chuyên gia AI, kỹ sư fintech, kỹ sư robot".

Theo ông Lâm, ngành thứ 2 có thể nhắc đến là bán dẫn. "Trong thời gian sắp tới, nhu cầu nhân lực cho ngành bán dẫn là vô cùng lớn.Theo dự báo của Chính phủ, đến năm 2030, ngành bán dẫn cần 50.000 - 100.000 nhân sự trong ngành này", ông Lâm thông tin thêm.

Mỹ Quyên

cảm ơn

Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ chương trình: Tập đoàn Vingroup, Công ty Phú Gia Hưng, Hệ thống giáo dục ABC Edu. Cảm ơn Công ty TNHH vận tải và dịch vụ Phương Trang đã hỗ trợ đưa đón ban tổ chức; các trường ĐH đã trao học bổng Nguyễn Thái Bình gồm: Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM 5 suất, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn 5 suất, Trường ĐH Văn Lang 5 suất.

Nên đầu tư cho kỳ thi tốt nghiệp hay đánh giá năng lực?- Ảnh 5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.