Đề xuất của các nhà chuyên trách quản lý tệ nạn xã hội tại Hội nghị giao ban công tác phòng chống tệ nạn xã hội năm 2015 hôm 21.8 vừa rồi về việc lập “phố nhạy cảm” thật ra không có gì mới. Chỉ có vẻ là mới ở một từ: “phố nhạy cảm”.
Ở VN, từ “nhạy cảm” như một loại thuốc giúp giảm các triệu chứng của căn bệnh tâm lý ngại đối mặt với vấn đề. Hễ gặp một vấn đề gì đó khó xử, khó giải quyết, gây ra nhiều rắc rối, nhiều tranh luận, đụng chạm đến nhiều nhóm lợi ích xã hội, đặc biệt là đụng chạm đến chính trị, thì ngay lập tức người ta đẩy vấn đề ấy vào phạm trù “nhạy cảm”. Thế là xong, là miễn bàn tiếp, là tạm chấp nhận bỏ qua, dẫu thừa biết vấn đề vẫn cứ còn nguyên vẹn đấy, đời này qua kiếp nọ không được tháo gỡ. Và chính vì thế, việc sử dụng loại thuốc này lâu ngày sẽ khiến căn bệnh ngại đối mặt với vấn đề ngày càng trầm trọng hơn. Từ “nhạy cảm” trở thành cái vỏ bọc cho thái độ tránh né, thiếu trách nhiệm.
Do vậy, đối mặt vẫn cứ phải là đối mặt, may chăng vấn đề mới có thể giải quyết hoặc ít nhất là được kiểm soát hợp lý. Tránh né thì chỉ đem lại cảm giác yên ổn tạm thời, nhưng gốc rễ của vấn đề bất cứ lúc nào cũng có thể vỡ bục ra.
Lập “phố nhạy cảm” - sẽ có không ít điều về luân lý, truyền thống, pháp lý, quản lý có thể đem ra luận bàn không ngớt liên quan đến đề xuất này. Nhưng thú thật, cả việc lập hay không lập phố nhạy cảm rồi cũng sẽ có chung một kết quả thực tiễn: chúng ta vẫn có những phố nhạy cảm, những khu nhạy cảm trá hình ở nhiều nơi. Chúng ta đã có nhiều năm rồi không cho phép cái gì tương tự như phố đèn đỏ hay phố nhạy cảm ở đất nước này, nhưng cũng ngần ấy năm rồi, chúng ta hiểu rõ là những phố nhạy cảm ấy vẫn cứ tồn tại trong thực tế. Chỉ là nó không chính thức treo bảng mà thôi.
Mà không treo bảng tức là không công khai, không công khai tức là khó kiểm soát, hoặc sẽ diễn ra tình trạng kiểm soát ngầm, kiểu như bảo kê chẳng hạn. Có ai đó dám mạnh dạn khẳng định rằng có thể loại trừ sự can dự của giới chức chính quyền địa phương vào việc kiểm soát ngầm này hay không?
Ai trong chúng ta mà chẳng mơ ước quê hương mình không có tệ nạn. Nhưng thử hỏi, cái mơ ước hoàn toàn đúng đắn và đứng đắn ấy có giúp kiểm soát 100% tệ nạn mại dâm xã hội hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Ngoài kia, dòng đời xô đẩy không ít những mảnh đời vào vòng xoáy khốc liệt của cạm bẫy, cám dỗ. Mà khi những cạm bẫy, cám dỗ ấy lại lẩn khuất đâu đó trong bóng tối, thì sự nguy hiểm của nó càng gia tăng gấp bội lần.
Vậy thì đừng tiếp tục huyễn hoặc nhau bằng cảm giác an toàn VN không có phố đèn đỏ. Đừng tiếp tục tránh né gai góc xã hội bằng trò chơi chữ nghĩa “nhạy cảm” nữa! Sao không đối mặt với những vấn đề nhạy cảm - gọi đúng tên chúng ra. Cách làm ấy, chắc chắn không thể không đau lòng, nhưng sẽ hiệu quả hơn để quản lý và kiểm soát các hệ lụy của nó.
Bình luận (0)