Nhiều trường mất khá nhiều thời gian cho việc tập trung xếp hàng, xử lý học sinh (HS) đi trễ; nặng nề về báo cáo thi đua, xếp hạng; về nhận xét, kiểm điểm tình hình HS vi phạm kỷ luật. Có trường tuần nào cũng thế, dành hơn cả nửa thời gian để tập hát Quốc ca cho HS chỉ vì HS hát hơi nhỏ, không đều. Điều này khiến HS không mặn mà với việc chào cờ đầu tuần, vì cảm thấy đơn điệu, nhàm chán. Nhiều em cảm thấy xấu hổ vì bị nêu tên trước tập thể, nhiều tập thể lớp không có niềm vui học tập đầu tuần vì việc hơn thua xếp hạng. Vì vậy việc HS trốn tiết chào cờ, hoặc đi trễ là điều khó tránh khỏi.
Vậy làm sao để tiết sinh hoạt dưới cờ phát huy hết tác dụng tích cực của nó?
Không nên quá nặng nề về báo cáo, thi đua, xếp hạng vì việc này đã có tiết sinh hoạt chủ nhiệm. Nên tăng cường tuyên dương, khen ngợi hơn là phê bình, khiển trách. Chẳng hạn tuyên dương HS nhặt được của rơi trả lại người mất; tuyên dương lớp có thành tích tốt, tiến bộ; tuyên dương các cá nhân và tập thể đạt thành tích trong các phong trào văn thể mỹ. Nên dành tiết sinh hoạt dưới cờ này để giáo dục, tuyên tuyền, báo cáo các chuyên đề; hoặc làm lễ kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm cho HS. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của tổ bộ môn, nên định kỳ tổ chức các tiết ngoại khóa về chuyên đề học tập, nhằm tạo niềm vui, hứng thú trong học tập cho các em. Quan trọng nhất là nhà trường nên tận dụng tiết sinh hoạt này để trang bị, giáo dục kỹ năng sống cho HS. Muốn thực hiện được việc này, lãnh đạo trường và Đoàn thanh niên phải xây dựng kế hoạch tổng thể từ đầu mỗi năm học. Liên hệ với các chuyên gia, các trung tâm, cơ quan ban ngành về trường kết hợp báo cáo, thực hiện.
Có trường đã thực hiện rất nhiều tiết giáo dục kỹ năng sống cho HS trong giờ sinh hoạt dưới cờ, như: kỹ năng sử dụng mạng xã hội, truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nạn bắt nạt trực tuyến… Chẳng hạn tiết sinh hoạt dưới cờ ngày 21.10 vừa qua tại Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) là phiên tòa giả định xét xử vụ án về trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Phiên tòa này có sự kết hợp của Hội đồng phổ biến pháp luật Q.Tân Phú, UBND P.Tây Thạnh (Q,Tân Phú), các ông bà thuộc Phòng Tư pháp (Q.Tân Phú), Hội Luật gia. Phiên tòa giả định đã đem đến nhiều kiến thức bổ ích cho HS về luật Nghĩa vụ quân sự.
Bình luận (0)