Nền kinh tế sắp có thêm 300.000 tỉ đồng

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu , các ngân hàng (chủ nợ) đều tỏ ra phấn khởi và cho biết, trong vòng 2 năm tới, 50% số nợ xấu, tương đương khoảng 300.000 tỉ đồng sẽ được xử lý, đưa vào nền kinh tế.

Ngân hàng đã có quyền "chủ nợ"
Đây là nghị quyết thí điểm mang tính đặc thù giải quyết khoản nợ xấu phát sinh trước ngày 15.8.2017. Trong đó, một số điểm mới như cho các ngân hàng (NH) và tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu bán nợ cùng tài sản bảo đảm công khai, minh bạch và bán theo giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, dù nghị quyết nêu rõ không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, Chính phủ phải trở thành đơn vị ứng trước tiền cho VAMC để mua lại nợ và xử lý thì mới giải quyết triệt để. Trong tương lai, cần luật hóa việc xử lý nợ phát sinh mới để mang tính thi hành vĩnh viễn sau khi nghị quyết hết hiệu lực.

Bên cạnh đó, tổ chức mua bán, xử lý nợ được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của NH, trừ tổ chức tín dụng liên doanh và NH 100% vốn nước ngoài; được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) VN. Đáng chú ý, nghị quyết cho phép các đơn vị được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân kể cả không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.
Theo số liệu do Thống đốc NHNN báo cáo lên Quốc hội, tính đến hết năm 2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng là trên 150.000 tỉ đồng và tổng nợ xấu mà Công ty mua bán nợ (VAMC) đã mua nhưng chưa xử lý được là trên 195.000 tỉ đồng. Như vậy, nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được hiện nay trên 345.000 tỉ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ. Còn nếu tính tổng cả nợ xấu nội bảng, nợ có nguy cơ tiềm ẩn và nợ bán cho VAMC chưa được xử lý thì tổng nợ xấu trong toàn hệ thống là 10,08% tổng dư nợ, tương đương khoảng 600.000 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) nhận xét, việc Quốc hội thông qua nghị quyết xử lý nợ xấu là một sự kiện đặc biệt lần đầu tiên có ở VN, ghi một dấu ấn về chính sách cứu nền kinh tế nói chung, cứu hệ thống NH nói riêng. Lần đầu tiên NH có được quyền đầy đủ của một chủ nợ. "Nghị quyết ra đời đúng thời điểm thị trường bất động sản có thanh khoản tốt. Hai năm tới, NH sẽ xử lý được khoảng 50% nợ xấu, đồng nghĩa khơi thông được 300.000 tỉ đồng phục vụ phát triển kinh tế. Trong 5 năm tới sẽ xử lý được khoảng 80%, còn khoảng 20% nợ xấu khó xử lý phải đợi thời gian", ông Hưởng nói, và nhận định nghị quyết đã rất chi tiết nhưng vẫn cần có những hướng dẫn chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, hướng dẫn nghiệp vụ của NHNN và các cơ quan ban ngành mới tạo được sự đồng bộ.
Đại diện NH Á Châu cho biết những quy định mới đó sẽ giúp NH xử lý được 50% số nợ xấu đang có hiện nay, với những khoản nợ xấu là bất động sản khả năng xử lý được lên đến 70%.
Với 80% nợ xấu liên quan đến bất động sản, phó chủ tịch HĐQT một NH cổ phần lớn tại TP.HCM cũng khẳng định, nghị quyết mới sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc đẩy nhanh tiến trình xử lý ì ạch hiện nay. Bởi trên thực tế, dù trong các hợp đồng vay nợ đều có quy định về việc xử lý tài sản khi khách hàng không trả nợ, nhưng các nhà băng không thể thực hiện nếu khách hàng không hợp tác. Vì vậy, việc giao quyền cho các tổ chức tín dụng xử lý tài sản đảm bảo nợ vay sẽ giải quyết được nút thắt đang làm các NH rơi vào khó khăn khi ôm đống tài sản nhưng vẫn thiếu vốn, kẹt vốn.
Thêm vốn cho nền kinh tế
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, đây chỉ mới là bước đầu trong quá trình giải quyết nợ xấu của VN. Quan trọng là những mắt xích còn tồn tại trong hoạt động này vẫn còn nguyên. Con số nợ xấu khoảng 600.000 tỉ đồng là rất lớn, cần có thêm các giải pháp khác. Ví dụ, cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra văn bản hướng dẫn thêm để khẳng định cho phép việc các nhà băng bán tài sản bảo đảm dưới giá trị khoản nợ. Bản thân các NH chấp nhận và xem đây như là rủi ro, khoản lỗ bình thường trong kinh doanh. Khi đó chắc chắn việc xử lý nợ sẽ được nhanh hơn.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cũng cho rằng, nghị quyết chỉ mở đường để xử lý nợ đã tồn tại. Nhưng trên thực tế, từ khi VAMC ra đời và mua lại các khoản nợ thì những “cục máu đông” này vẫn tiếp tục phát sinh. Do đó vấn đề quan trọng là phải có những giải pháp để hạn chế nợ mới ra đời. Đó là luật hóa quy trình quản lý rủi ro của các NH. Đồng thời cơ quan thanh tra giám sát phải đảm bảo tuân thủ quy định đó cũng như trách nhiệm rõ ràng của các cá nhân trong quy trình xử lý cho vay... “Quan trọng nhất là Chính phủ cần bổ sung hoặc sửa đổi các quy định về quản lý rủi ro cũng như các vấn đề liên quan trong luật Các tổ chức tín dụng, từ đó có cơ sở để kiểm soát nợ xấu có thể gia tăng trong hệ thống NH”, TS Lê Đạt Chí nói.
Giải quyết được nợ xấu, nền kinh tế có thêm được nguồn vốn bổ sung cho sản xuất và đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần giảm lãi suất, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.