Sau khi đọc bài Hà Nội nên tạm dừng đổi giờ trên Báo Thanh Niên ngày 8.2, nhiều bạn đọc cho rằng chính quyền cần phải xem xét hiệu quả của việc đổi giờ học, giờ làm.
>> Hà Nội nên tạm dừng đổi giờ
Phải tính đến các yếu tố khác
Việc đổi giờ học, giờ làm cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo cách làm của các nước khác để cuối cùng có một sự điều chỉnh hợp lý nhất. Tôi thấy ở Nhật Bản, buổi sáng các công ty, xí nghiệp, cơ quan, trường học bắt đầu từ 8 giờ 30 - 9 giờ và kết thúc lúc 18 giờ - 19 giờ. Tuy nhiên, để làm được điều này, họ có các phương tiện giao thông công cộng khác nhau như xe điện, tàu điện ngầm, xe buýt... Ở Việt Nam không thể kết thúc buổi học lúc 19 giờ là do các em còn đi học thêm buổi tối, về nhà làm bài tập và quan trọng là các em không tự đi học được mà phải có cha mẹ đưa đón. Những việc này ở Nhật không có. Như vậy ở ta muốn đổi giờ học phải tính đến các yếu tố khác như giáo dục, kinh tế... chứ không phải chỉ có giao thông là đủ.
Song An ([email protected])
Thay đổi giờ học, giờ làm phải phù hợp
Việc đổi giờ học, giờ làm đã có những ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Thiết nghĩ, trước khi áp dụng giờ học, giờ làm mới, Bộ GTVT phải hỏi ý kiến của ngành giáo dục rằng còn tình trạng dạy thêm, học thêm không, còn học trái tuyến xa nhà không? Theo tôi, sinh viên và học sinh trung học phổ thông, đã đủ lớn để có thể di chuyển một mình an toàn, không cần cha mẹ đưa rước thì có thể đi học sớm và kết thúc sớm. Đối với dịch vụ, thương mại thì bắt đầu trễ và kết thúc trễ. Học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở thì áp dụng giờ bình thường, không thay đổi để cha mẹ vừa đi làm vừa tiện đưa đón.
Ngọc Linh ([email protected])
Nên cầu thị
Tôi tuy không thuộc đối tượng điều chỉnh giờ làm nhưng thấy rất nhiều bất cập. Nếu các em phải ra đường sớm từ 5 giờ thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều hiểm nguy như cướp giật, bắt cóc..., nhất là đối với các em gái. Còn về muộn thì chắc sẽ có thêm nhiều em bị cận vì đâu phải cơ sở nào cũng đáp ứng đủ ánh sáng, và đoạn đường nào cũng sáng sủa đâu. Tôi thấy ý kiến của TS Nguyễn Xuân Thủy rất xác đáng, chính quyền Hà Nội cầu thị điều chỉnh sớm ngày nào học sinh và phụ huynh đỡ vất vả ngày đó.
Minh Nguyên ([email protected])
Hiện đại hóa giao thông
Việc đổi giờ học, giờ làm mà đường vẫn tắc, dân kêu khổ thì thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên dũng cảm thay đổi, tìm giải pháp khác chứ đừng để học sinh cũng như phụ huynh phải chịu ảnh hưởng không tốt. Ngành giao thông đang làm ảnh hưởng đến quá nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác, ảnh hưởng đời sống nhân dân. Tôi nghĩ thay vì đổi giờ học, giờ làm thì nên nhanh chóng đầu tư xe điện, xe điện ngầm... hiện đại, tiện lợi để người dân không còn muốn đi xe máy nữa. Chỉ có như vậy mới giảm kẹt xe, ùn tắc.
Thanh Hằng ([email protected])
Đường thông, hè thoáng
Tôi thấy đổi giờ học, giờ làm có quá nhiều ý kiến không đồng tình của phụ huynh lẫn giáo viên. Rõ ràng cơ quan chức năng đưa ra một giải pháp chưa được khoa học, hiệu quả. Theo tôi, còn nhiều giải pháp khác. Hiện nay, trước các cổng bệnh viện, trường học, siêu thị... bao giờ cũng đông đúc, chen lấn nào là xe đẩy, gánh hàng rong, xe ôm chèo kéo... Trên vỉa hè thì hàng quán thi nhau chiếm dụng. Nếu giải quyết triệt để được tình trạng này thì thành phố sẽ văn minh, sạch đẹp, xe cộ dễ lưu thông hơn nhiều.
Trung Hưng ([email protected])
Thiên Long (tổng hợp)
Bình luận (0)