Việc tranh luận này lẽ ra là quyết sách thuần túy của cơ quan chuyên môn, nhưng từ năm 2019, năm nào cũng diễn ra trên các diễn đàn của phụ huynh. Điều này phải chăng là do những lúng túng và thiếu thuyết phục khi xây dựng phương án thi của ngành giáo dục một địa phương?
Từ năm 2018 trở về trước, việc tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội ổn định cả chục năm với 2 môn thi là văn, toán (điểm thi hệ số 2), kết hợp tính điểm xếp loại hạnh kiểm và học lực 4 năm ở cấp THCS. Tuy nhiên, phương án này bộc lộ tiêu cực cuộc đua "chạy" học bạ đẹp để có điểm xét tuyển cao. Từ bất cập ấy, năm 2019 Hà Nội quyết định bỏ kết hợp xét tuyển học bạ THCS để tuyển vào lớp 10, thay vào đó sẽ thi 4 môn. Trong đó có 3 môn bắt buộc là văn, toán, ngoại ngữ; môn thứ tư sẽ chọn ngẫu nhiên trong 6 môn: sử, địa, giáo dục công dân, vật lý, hóa, sinh, được bốc thăm và công bố vào tháng 3. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, việc này để tránh tình trạng học sinh và các nhà trường có thể chỉ tập trung vào các môn thi dẫn tới học lệch, học tủ.
Từ năm 2019 đến nay, năm nào học sinh và phụ huynh có con thi vào lớp 10 cũng trong tâm trạng "hồi hộp đến nghẹt thở" về việc thi môn nào hoặc thi mấy môn. Cũng chỉ có 2/4 năm tổ chức được việc thi 4 môn vì 2 năm 2020, 2021 có dịch Covid-19 nên Hà Nội bỏ thi môn thứ tư. Tuy nhiên, dù tình hình dịch bệnh căng thẳng từ đầu năm học nhưng quyết định bỏ thi môn thứ tư cũng chỉ đưa ra vào thời điểm lẽ ra phải công bố môn thi ấy là gì; quyết định cũng chỉ đưa ra sau rất nhiều ý kiến phản đối của dư luận, trong đó mạnh mẽ nhất vẫn là phụ huynh học sinh.
Mùa tuyển sinh năm 2023, không ít chuyên gia giáo dục có uy tín đã nhẹ nhàng đặt vấn đề: ở cấp THPT từ năm 2022, học sinh đã được học theo hướng tự chọn ngoài 6 môn bắt buộc, nên việc thi môn thứ tư với lựa chọn ngẫu nhiên từ Sở GD-ĐT là không còn phù hợp.
Tuy nhiên, chỉ đến khi phụ huynh, với "thế mạnh" đám đông và sức ảnh hưởng của mạng xã hội, lên tiếng phản đối với lý do rất… ngoài chuyên môn như: con mệt mỏi vì học thêm quá nhiều, bố mẹ phải đưa đón con "chạy sô" học ngày 3 - 4 ca… thì Sở GD-ĐT Hà Nội mới trấn an là sẽ xem xét và lấy ý kiến trước khi công bố chính thức.
Phương án thi cử thiếu tính ổn định, thiếu những lý lẽ thuyết phục mang tính khoa học về đánh giá giáo dục dẫn tới việc phải thay đổi hằng năm, thay đổi theo dư luận xã hội là việc mà cơ quan chức năng cần nghiêm túc nhìn nhận lại. Dù thế nào, để học sinh học toàn diện chắc chắn không phải bằng cách tổ chức thi cử kiểu "ú tim".
Bình luận (0)