Nên nhìn thẳng thắn vào thực trạng bạo lực học đường

21/04/2023 16:34 GMT+7

Những xích mích, hờn giận, mâu thuẫn vụn vặt có thể bùng phát thành bạo lực học đường. Giờ đây, học sinh còn lao vào đánh hội đồng bạn, quay clip rồi tung clip lên mạng để 'khoe chiến tích'.


Vụ nữ sinh lớp 10 tự tử: Học sinh giữa những khoảng trống tâm lý mênh mông

Không thể dung túng bạo lực học đường

Trong một số vụ bạo lực học đường, dư luận sững sờ khi biết lý do đánh bạn thốt ra từ miệng mấy nữ sinh "chị đại": "Thích đánh là đánh!". Vì sao học sinh nỡ nhẫn tâm ra tay đánh bạn, lột đồ, quay clip và tung lên mạng như thế?

Chưa bao giờ dư luận liên tục chứng kiến hành vi bạo lực trong màu áo tuổi học trò diễn ra với tần suất dày đặc và hậu quả nghiêm trọng như thế này. Hình ảnh học sinh ra tay bạo hành dã man, lột đồ tàn nhẫn người khác khiến nhiều người phẫn nộ.

Do đó, chúng ta nên nhìn nhận một cách thẳng thắn vào thực trạng bạo lực học đường đáng báo động để có cách xử lý thích đáng, nghiêm khắc, không thể dung túng cho hành vi bạo lực học đường. Có như thế, chúng ta mới tạo ra sự răn đe cần thiết trong cộng đồng và thức tỉnh những hành xử sai lệch, phản cảm, tiêu cực trong giới trẻ.

Nghiêm khắc hơn với bạo lực học đường! - Ảnh 1.

Nhóm học sinh lớp 6 đánh hội đồng bạn ngay tại lớp ở Vĩnh Long hồi tháng 3

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Vì sao học sinh có xu hướng bạo lực?

Thẳng thắn nhìn nhận vào thực tại, chúng ta thấy rõ ràng nhà trường, gia đình chưa quan tâm đúng mức đến việc giáo dục học sinh ứng xử văn hóa trên không gian mạng.

Nhà trường cũng chưa làm hết mình trong việc định hướng giá trị, giáo dục lý tưởng sống và trao cho học sinh bộ kỹ năng ứng xử văn hóa trên không gian mạng.

Về phía gia đình, một bộ phận không nhỏ phụ huynh vẫn vô tư phó mặc con trẻ giữa vô vàn cạm bẫy của mạng xã hội. Không ít người bàng quan đến mức thờ ơ rồi giật nảy mình khi phát hiện "bộ mặt khác" của con cái trên không gian mạng, có thể là người hở tí là văng tục, hở chút là đòi vây đánh hội đồng…

Vì thế, tôi nghĩ rằng học sinh đang "khát" những chuyên đề, buổi tập huấn về cách ứng xử trên mạng xã hội để tự biết cách bảo vệ mình trên không gian mạng, kết nối một cách văn minh và triệt tiêu mầm mống mâu thuẫn từ trong trứng nước.

Vụ nữ sinh ở Nghệ An tự tử: ‘Quy định cứng nhưng tình người là mềm’

Tuy nhiên, học sinh vẫn đang bị "thả nổi", mặc sức bơi giữa vô vàn "luồng khói độc" trên mạng xã hội. Khi điều tốt ít được chia sẻ, cái xấu lại nhân lên theo từng lượt thích, chia sẻ, bình luận thì việc tiêm nhiễm những thói hư tật xấu là hệ quả tất yếu.

Bên cạnh đó, học sinh đang yếu và thiếu kỹ năng tư duy, phản biện và quản lý cảm xúc. Có những em lầm tưởng về danh xưng "anh đại", "chị đại" rồi nói năng ngông cuồng, hành xử phản cảm.

Vấn đề cấp thiết là người lớn cần quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng chương trình giáo dục về văn hóa ứng xử trên không gian mạng, đặc biệt là kỹ năng thể hiện quan điểm cá nhân trước các vấn đề xã hội, kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng tìm kiếm sự trợ giúp và địa chỉ tin cậy để giải tỏa tâm lý, cởi trói áp lực...

Nghiêm khắc hơn với bạo lực học đường! - Ảnh 2.

Nữ sinh ở Hà Nội bị các bạn đánh hội đồng, quay video phát lên mạng xã hộI

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Gia đình và nhà trường nên làm gì?

Gia đình và nhà trường nên quan tâm nhiều hơn đến việc học sinh "sống" như thế nào trên mạng để kịp thời nhắc nhở, uốn nắn thì cái xấu đã không có cơ hội nảy sinh… Mỗi ngày, gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến lời nói, hành động của con trẻ để định hướng điều tốt, ngăn chặn mầm mống bạo lực từ lúc mới manh nha.

Nhiệm vụ giáo dục học sinh trong bối cảnh công nghệ số hiện nay thật sự gian nan. Dù vậy, tôi nghĩ rằng mỗi hình thức kỷ luật học sinh đều thể hiện được tính giáo dục, nhân văn song hành cùng sự nghiêm khắc, răn đe cần thiết để phòng chống bạo lực học đường.

Tư vấn học đường cần thực tế và thân thiện hơn

Vụ việc nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên ĐH Vinh (Nghệ An) tự tử tại nhà riêng mà theo gia đình là xuất phát từ bạo lực học đường phần nào cho thấy nhà trường cần đổi mới công tác tư vấn học đường.

Nhà trường cần phải mạnh dạn đổi mới công tác tư vấn học đường thích hợp với tình hình thực tế, quan trọng nhất là gần gũi với học sinh. Dưới góc nhìn sư phạm, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Bên cạnh tổ tư vấn bao gồm cán bộ, giáo viên có tâm huyết và năng lực, nhà trường, các đoàn thể nên hỗ trợ tổ tư vấn những tài liệu, phim ảnh, sách báo tạo điều kiện để họ được tập huấn thường xuyên

Ở góc độ thẩm mỹ, học sinh thường cảm thấy thân thiện và bày tỏ ý kiến khi giáo viên tư vấn với trang phục tươi tắn, nụ cười duyên dáng, giọng nói lôi cuốn cùng những câu hỏi gợi mở để các em tự tin thổ lộ tâm sự của chính mình. Ở góc độ cảnh quan sư phạm, văn phòng tư vấn nên được bố trí thế nào để học sinh cảm thấy thân thiện và tự tin khi chia sẻ những điều khó nói của mình. Đôi khi, một góc nhỏ nào đó trong sân trường là nơi thích hợp cho những người làm công tác tư vấn chuyện trò cùng các em.

Còn phụ huynh có thể tham gia với vai trò cộng tác viên của văn phòng tư vấn học đường để giải tỏa những vấn đề tâm lý liên quan đến con em mình và bạn bè trang lứa.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.