Nên nói về TPP gồm cả cơ hội và thách thức

08/10/2015 06:34 GMT+7

Đánh giá cao sự kiện VN tham gia, kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương ( TPP ), nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại song phương VN - Mỹ (BTA) - ông Nguyễn Đình Lương , đã chia sẻ với Thanh Niên góc nhìn khác về cách tuyên truyền xung quanh sự kiện này.

Đánh giá cao sự kiện VN tham gia, kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại song phương VN - Mỹ (BTA) - ông Nguyễn Đình Lương, đã chia sẻ với Thanh Niên góc nhìn khác về cách tuyên truyền xung quanh sự kiện này.

Ngành gia công giày dép XK phải thực hiện nguyên tắc về nhập nguyên liệu - Ảnh: D.Đ.MNgành gia công giày dép XK phải thực hiện nguyên tắc về nhập nguyên liệu - Ảnh: D.Đ.M
*  Ông nhận định thế nào về ý nghĩa của sự kiện hoàn tất đàm phán gia nhập TPP đối với VN?
- Sau WTO thì đây là một hiệp định rất có giá trị với VN. Trong thời đại ngày nay, thường thì đầu tư đi với xuất khẩu. Người ta đầu tư để sản xuất hàng xuất khẩu. TPP sẽ góp phần tăng trưởng cả đầu tư và xuất khẩu của VN. Ngày nay, kinh tế hội nhập là kinh tế kết nối, lợi ích quan trọng và bền vững mà TPP mang đến cho VN có thể là kinh tế VN sẽ kết nối sâu hơn, chặt hơn với các nền kinh tế thành viên TPP phát triển như Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Úc…
Ông Nguyễn Đình Lương - Ảnh: Hà Hoàng
Tôi có cảm giác rằng quá trình kết nối đó đã được khởi động, trước hết là từ Nhật Bản và Singapore. Các hiệp định thương mại trước đây đã và đang tác động sâu vào nền kinh tế VN nhưng có lẽ TPP sẽ tác động sâu hơn nữa. VN cần chủ động hơn, tích cực hơn để khai thác các yếu tố tích cực và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực.
Gia nhập TPP cũng tạo nên những sức ép mạnh mẽ để thay đổi về cơ chế của VN từ bên trong, để các doanh nghiệp thực sự cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật. Với WTO trước đây, tuy cơ bản họ cũng có những cam kết bắt buộc nhưng thực tế là có những việc anh thực hiện thế nào cũng được. Nhưng lần này thì khác, chỉ trong 12 nước đã ký hiệp định, nếu anh làm không đúng như cam kết thì họ sẽ kiện ngay.
* Bước đầu, ông thấy cách thức thông tin, tuyên truyền về kết quả đàm phán TPP thế nào?
- Tôi cho là cách tuyên truyền hiện nay đang như là “đếm cua trong lỗ”, chỉ nói đến cái được, đến tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu. Nhưng cái đó có được hay không thì là do sự phấn đấu của mình. Theo tôi, phải cụ thể hóa ra, chúng ta cam kết với các nước cái gì, những thách thức đặt ra, cơ hội thế nào, những cái gì sẽ khó khăn cần nói rõ cho người dân, doanh nghiệp biết để họ còn tính toán, có hướng xử lý.
* Theo ông, thực hiện cam kết TPP này chúng ta phải lưu ý những gì?
- Vào TPP khác hẳn với WTO. Các cơ chế, quy định bắt buộc thực hiện cam kết của TPP chặt chẽ hơn nhiều. Họ có chế tài để buộc các thành viên đã tham gia ký kết phải thực hiện. Nếu chính sách, quyết định của anh trái với cam kết thì doanh nghiệp nước ngoài họ sẽ kiện chính phủ, kể cả chính phủ của anh không đồng ý nội dung kiện thì họ vẫn kiện.
Không chỉ nói đến cái được, đến tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu... theo tôi, phải cụ thể hóa ra, chúng ta cam kết với các nước cái gì, những thách thức đặt ra, cơ hội thế nào, những cái gì sẽ khó khăn cần nói rõ cho người dân, doanh nghiệp biết để họ còn tính toán, có hướng xử lý
Nếu anh ban hành các văn bản luật mà gây thiệt hại là họ có quyền kiện, cái này chúng ta phải rất lưu ý. Vì chúng ta đã thấy, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp mỗi năm phát hiện hàng ngàn văn bản ban hành trái luật. Khi vào TPP rồi, nên nhanh chóng khắc phục việc này. VN có trình độ phát triển chưa bằng nhiều nước thành viên khác tham gia Hiệp định TPP.
* Liệu với khoảng cách như vậy, VN có những thua thiệt gì không, thưa ông?
- Sự chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển của các thành viên TPP chắc chắn sẽ đẻ ra sự phân chia lợi ích không đồng đều.
Cho dù ngày nay, trong các tổ chức kinh tế quốc tế cũng như khu vực, đều có đưa ra nguyên tắc "phát triển đồng đều", nhưng thường những nguyên tắc đó chỉ là khẩu hiệu. Quốc gia nào cũng vậy, chủ yếu chăm lo phấn đấu cho lợi ích của mình, sao cho cái được càng nhiều càng tốt. Những thành viên kém phát triển hơn trong đó, như VN, nếu không tự xoay xở, tự lo liệu, không chịu học hỏi ở những nước phát triển, ở những người giỏi hơn, thì dễ nhận được phần thua thiệt. Dù rằng cái thua thiệt, được mất ở đây không phải lúc nào cũng tính được bằng cân, bằng lạng, không phải ở đâu cũng quy ra được bằng đồng, bằng USD...
Ý kiến chuyên gia
Cơ hội thụ hưởng hàng tốt giá rẻ
Lấy những ràng buộc khi VN tham gia vào WTO thì TPP mang tính chất chặt chẽ và tạo cơ hội cải tổ mạnh mẽ hơn từ doanh nghiệp đến chính phủ. Chẳng hạn, với các quy định về người lao động, hiệp định này có những nguyên tắc nhất định nhằm bảo vệ và xác định quyền lợi của người lao động rõ ràng hơn trong mọi môi trường làm việc. Cơ hội tham gia vào môi trường làm việc có năng suất cao sẽ rất lớn. Các điều kiện nhập khẩu hàng hóa sẽ bớt khắt khe hơn, cơ hội nhập nhiều hàng tốt, giá rẻ như nông sản từ Mỹ, Úc, Canada... sẽ nhiều hơn. Hay các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp nặng như điện tử, ô tô từ Mỹ, Nhật chắc chắn sẽ có giá tốt hơn, cạnh tranh hơn. Như vậy, cơ hội thụ hưởng hàng tốt giá rẻ cho người Việt rất cao.
TS Nguyễn Đức Thành,
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Ngành mía đường với thử thách mới
Việc tham gia TPP cũng như các hiệp định thương mại khác bắt buộc VN phải mở cửa ngành hàng mía đường, đặc biệt tháo các hạn ngạch nhập khẩu. Như vậy, dự báo ngành mía đường trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì từ trước đến nay chi phí sản xuất đường trong nước luôn cao hơn các nước trong khu vực. Đặc biệt, trong 12 quốc gia tham gia TPP, Úc là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu mía đường. Hiện chi phí sản xuất đường tại Úc khoảng 20 USD/tấn trong khi chi phí sản xuất đường tại VN cao gấp 3 lần nên giá thành đường VN từ lâu khó cạnh tranh với các nước trong khu vực. Với chi phí sản xuất cao, giá thành đường VN khó “địch” nổi với đường Úc sau TPP.
GS-TS Võ Tòng Xuân
Doanh nghiệp dệt may và bài toán nguyên tắc
Về dệt may, nguyên tắc xuất xứ được các chuyên gia nhận định là “chìa khóa vàng” của TPP. Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác đều phải có xuất xứ nội khối mới được hưởng được các chính sách ưu đãi thuế suất 0% như cam kết. TPP giới hạn thêm hàm lượng giá trị khu vực, tức là sản phẩm phải đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 55% tổng giá trị sản phẩm trở lên. Như vậy, doanh nghiệp Việt làm gia công hàng giày dép, áo quần xuất khẩu được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu các quốc gia ngoài khối, kể cả chi phí gia công. Và hiện theo tôi được biết, chỉ khoảng hơn 50% đã đáp ứng được nguyên tắc này.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần
Ngành dược dễ bị tổn thương
Việc tham gia TPP sẽ giúp tăng doanh số nhập khẩu thuốc của VN bởi theo hiệp định, thuế suất nhập khẩu sẽ giảm từ mức trung bình hiện nay khoảng 2,5% về 0%. Tuy nhiên, các quy định trong TPP cũng giúp kéo dài thời gian bảo hộ đối với các mặt hàng thuốc có bản quyền. Từ đó, tạo ra nhiều hạn chế cho khả năng tiếp cận và sản xuất các loại thuốc mới của doanh nghiệp nội. Về cơ bản, dược sẽ là một trong những ngành hàng dễ bị tổn thương. TPP cũng sẽ tạo những rào cản cho việc phát triển khoa học, kỹ thuật cho ngành dược tại các nước nhỏ như VN. Chẳng hạn, với các quốc gia lớn như Mỹ, để bảo vệ sản phẩm của nước mình, họ sẽ ngăn chặn tối đa việc vi phạm bản quyền (patents). Các nghiên cứu ở VN sẽ bị thêm nhiều rào cản và hình phạt đền bù trước tòa án quốc tế nếu vô tình hay cố ý đụng chạm đến patents của các đại công ty của các quốc gia trong nhóm tham gia TPP.
TS dược Nguyễn Đức Thái, (Việt kiều Mỹ)
Nguyên Nga (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.