Nên sớm miễn học phí THCS

05/07/2022 08:05 GMT+7

Hôm qua (4.7), tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc kể từ năm học 2022 - 2023.

Thực hiện luật Giáo dục 2019, Chính phủ đã xây dựng lộ trình miễn học phí (HP) cho trẻ mầm non và học sinh (HS) phổ thông. Theo đó, từ năm học 2024 - 2025 trẻ mầm non 5 tuổi và từ năm học 2025 - 2026 HS THCS được miễn HP hoàn toàn. Trước tình hình khó khăn do đại dịch và tăng giá hiện nay, theo đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các địa phương có thể thực hiện lộ trình này sớm hơn nhằm không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên cả nước

Giáo dục bắt buộc, miễn học phí là xu hướng thế giới

Thu nhập của các nước trên thế giới ngày càng tăng, nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xu hướng giáo dục bắt buộc (GDBB), miễn HP ngày càng mở rộng. Tất cả các nước Âu - Mỹ đều thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm trở lên, nhiều nước như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Mỹ, Ba Lan... đã triển khai 12 năm và có quốc gia mở rộng miễn HP đại học.

Ở châu Á, Nhật Bản là nước đi đầu về GDBB. Tiếp theo Nhật Bản là các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia... thực hiện GDBB 9 năm trở lên.

Bộ GD-ĐT đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS từ năm học 2022 - 2023

ĐÀO NGỌC THẠCH

Miễn học phí THCS: Chậm so với thế giới

GDBB và miễn HP là chính sách ra đời rất sớm của nhà nước ta. Điều 15, Hiến pháp năm 1946 quy định: “Nền sơ học là cưỡng bách và không HP”. Hiến pháp năm 1959, năm 1980 đều quy định giáo dục phổ thông được miễn HP. Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa 11 đã khẳng định mục tiêu: “Nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập, thực hiện GDBB 9 năm sau năm 2020”.

Để luật hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành luật Giáo dục 2019. Điều 14 luật này quy định: Giáo dục tiểu học là GDBB. Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục THCS; Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện GDBB trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục; Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành GDBB; Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành GDBB. HS tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng HP và tất cả trẻ em mầm non 5 tuổi và HS THCS được miễn HP theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Chính sách GDBB, miễn HP là chính sách giáo dục nhân văn, xuyên suốt của nhà nước ta, nhưng đến nay chưa quy định GDBB cấp THCS là chậm so với thế giới.

Trước tình hình khó khăn do đại dịch và tăng giá hiện nay, các địa phương có thể thực hiện lộ trình miễn học phí cấp THCS sớm hơn

ngọc dương

Nhiều địa phương có tỷ lệ trẻ ngoài nhà trường cao

Mặc dù VN đã đạt được nhiều thành tựu về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, nhưng đến nay tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường, là số trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học trong tổng dân số của độ tuổi này, vẫn còn cao, chiếm 8,3%.

Kết quả điều tra dân số năm 2019 cho thấy, cấp học càng cao, tỷ lệ này càng tăng. Ở cấp tiểu học tỷ lệ này là 1,2%, cấp THCS là 6,6%, cấp THPT là 25,9%. Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường của khu vực nông thôn luôn cao hơn khu vực thành thị, khoảng cách thành thị - nông thôn tăng từ 0,4% ở cấp tiểu học lên 2,9% cấp THCS và 12,4% cấp THPT.

Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường ở đồng bằng sông Hồng thấp nhất cả nước (3,2%), trong khi vùng Tây nguyên và và ĐBSCL là hai vùng có tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường cao nhất cả nước (cùng mức 13,3%). Đáng chú ý, Đông Nam bộ là vùng có kinh tế - xã hội phát triển nhưng tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường khá cao (9,5%). Có tình trạng này là do vùng Đông Nam bộ kinh tế - xã hội phát triển, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất... nên có lượng lớn người lao động nhập cư, kéo theo trẻ em nhập cư tăng nhanh, nhiều trẻ khó khăn trong tiếp cận giáo dục.

Vì vậy, cần có những can thiệp tích cực hơn như miễn HP để giảm số trẻ em trong độ tuổi phải rời bỏ ghế nhà trường, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, giữa thành thị, nông thôn, đặc biệt là ở cấp học THCS và THPT.

Miễn học phí sớm hơn lộ trình của chính phủ

Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý HP đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Hơn nữa, dù Chính phủ đã quy định lộ trình miễn HP, nhưng địa phương có thể thực hiện lộ trình này sớm hơn, không trái với quy định của Chính phủ. Chẳng hạn, TP.Hải Phòng đã miễn HP với trẻ mầm non 5 tuổi và HS cấp THCS từ năm học 2020 - 2021 và cấp THPT từ năm học 2021 - 2022.

Kế đến, các địa phương như ở vùng núi phía bắc, Tây nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL, nơi có tỷ lệ HS ngoài nhà trường cao hơn bình quân của cả nước cần sớm thực hiện miễn hoặc hỗ trợ 100% HP cho trẻ mầm non 5 tuổi và HS phổ thông.

Tăng cường giáo dục hướng nghiệp và mục tiêu phân luồng HS, đến năm 2025 có 35% HS sau THCS đi học nghề, học nghề và liên thông lên cao đẳng, đại học, nhằm giảm áp lực đối với giáo dục phổ thông.

Bộ GD-ĐT đề xuất chưa áp dụng khung học phí mới với đại học

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, ngoài đề xuất miễn toàn bộ HP cho HS THCS từ năm học 2022 - 2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn còn kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với HP năm học 2022 - 2023, trong đó điều chỉnh một số nội dung của Nghị định 81/2021/NĐ-CP (nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm HP).

Cụ thể như sau: Đối với giáo dục đại học công lập: lùi khung HP quy định tại Nghị định 81 thêm 1 năm. Năm học 2022 - 2023, mức HP của cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng tối đa 15% (theo Nghị định 81 là 25%) so với năm học 2021 - 2022.

Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: xác định mức trần HP tối đa hệ số 2 lần so với cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81).

Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: được xác định mức trần HP tối đa hệ số 2,5 lần so với cơ sở tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81).

Ngoài ra, bộ này đang triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giá sách giáo khoa; tập trung chuẩn bị tốt nhất để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia những ngày tới bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, công bằng, khách quan; nghiên cứu, thiết kế môn lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT, bao gồm phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh HP phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và HS.

Chí Hiếu - Quý Hiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.