Nền tảng cần chuẩn bị

05/05/2012 03:00 GMT+7

Nhiều phụ huynh phản biện nếu trẻ không biết chữ và không biết làm toán thì làm sao theo kịp các bé đã học trước?

 Đơn giản hóa việc trẻ vào lớp 1
Trẻ vừa chơi vừa học chữ số trong trường mầm non - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trẻ vẫn sẽ học tốt nếu phụ huynh chuẩn bị cho bé tâm thế sẵn sàng vào lớp 1. Điều này không thể một sớm một chiều hay chỉ với một vài tác động tâm lý đơn thuần mà là quá trình lâu dài, liên tục, xuyên suốt những năm trẻ học ở trường mầm non.  

Làm quen với chữ cái, con số

Không dạy trước nhưng như đã nói, phụ huynh phải chuẩn bị những nền tảng căn bản cho trẻ về đọc và làm toán trước khi vào lớp 1. Sự chuẩn bị này có tính chất giúp trẻ làm quen, thích nghi và xây dựng nên những hứng thú tích cực với môn học. Việc chuẩn bị cho trẻ những kiến thức về đọc và làm toán cần dựa trên nguyên tắc là cung cấp những biểu tượng ban đầu trong lĩnh vực học tập, góp phần hình thành nên tâm thế “sẵn sàng đi học” nơi trẻ.

Chẳng hạn với kỹ năng đọc, phụ huynh có thể cho trẻ làm quen với chữ cái, biết gọi tên, tô và tập viết các chữ cái. Giúp trẻ làm quen cách đọc các từ, câu đơn giản như hướng dẫn trẻ đọc tên mình trong bảng danh sách lớp, gọi tên một số đồ vật được ghi trên những đồ dùng cá nhân, bảng chữ ghi tên đồ vật thường dùng (như bút chì, giấy, góc sách...), nhận biết và viết tên của bản thân. Cũng có thể dùng gỗ để xếp chữ, dùng đất nặn hay sợi dây dài để tạo hình chữ cái... Phụ huynh nên đọc sách cho trẻ nghe thường xuyên, cần lựa chọn những sách có hình ảnh sinh động ngoài bìa nhằm gây hứng thú cho trẻ đối với sách. Trẻ nhận ra các từ mới trong truyện, mong muốn được đọc truyện. Thông qua việc đọc sách trẻ sẽ khám phá các ký hiệu và mẫu chữ khác nhau, kích thích sự tò mò tìm hiểu các từ và chữ…

Với việc làm quen chữ số, chỉ dừng ở mức cho trẻ nhận ra biểu tượng số bằng cách xếp tương ứng với nhóm số lượng, cho trẻ hiểu biến mất nghĩa là bớt đi... Khả năng hiểu các biểu tượng về các con số chứ không phải là khả năng tính toán  

Những kỹ năng cần thiết

Ngoài ra, cần quan tâm đến việc chuẩn bị một số kỹ năng cần thiết cho hoạt động học tập như sắp xếp bàn ghế, cách cầm bút, cầm sách, mở sách, tư thế ngồi đúng… Giúp trẻ thích ứng với hoạt động mới, hướng dẫn trẻ làm quen với các đồ dùng học tập ở trường tiểu học. Thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với sách, truyện, bút, thước. Giúp trẻ biết cách điều khiển, vận động bàn tay nhỏ bé của mình để thực hiện một cách gọn gàng, dẻo dai các thao tác vận động trong học tập.

Điều quan trọng nhất là chuẩn bị cho trẻ tâm lý thích đến trường, có các kỹ năng: giao tiếp với bạn, đặt câu hỏi, tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn, giải quyết vấn đề, điều chỉnh nhận thức, hành vi… Đây là những kỹ năng giúp trẻ thành công học đường.

Chị Huỳnh Oanh - biên tập viên của một kênh truyền hình kể lại kinh nghiệm: Chị không cho con học trước chữ, cũng không dạy làm toán nhưng chị thường chơi đọc sách với con, chơi ô chữ, thẻ từ, dùng đất nặn để lăn dài sau đó uống thành chữ. Chị cũng chơi nhiều trò chơi dân gia như: tập tầm vông, cái gì biến mất, đi chợ mua hàng để cho con làm quen với toán... Dẫu con chỉ nằm ở những thứ hạng đầu trong lớp nhưng chị nhận ra rằng con chị vẫn không hề thua kém bạn bè về khoản học toán hay chữ. Thậm chí cháu còn thoải mái, tự tin và năng động...  

Tận dụng những ngày hè

Những trẻ đã đủ tuổi đi học lớp 1 nhưng chưa hình thành những kỹ năng tiền học đường, như khả năng quan sát, tập trung chú ý trong một thời gian, khả năng kiên trì thực hiện những nhiệm vụ học tập được giao… có nguy cơ bị thất bại học đường.

Việc hình thành những kỹ năng này vào mùa hè quan trọng hơn rất nhiều so với việc bắt bé học chữ, học tính toán. Thay vì cứ ép con trẻ lao vào các “lò luyện” chuẩn bị vào lớp 1 thì phụ huynh nên kết hợp việc vừa tổ chức cho trẻ vui chơi, vui học, để trẻ mạnh dạn, tự tin hơn, thỉnh thoảng đưa trẻ đến trường tiểu học để làm quen với môi trường mới.

Ngoài ra, phụ huynh có thể kể cho con nghe về thời tiểu học của mình, dẫn trẻ đi nhà sách mua dụng cụ học tập, cùng trẻ trang trí góc học tập, cho trẻ thấy niềm vui và niềm vinh dự của việc mình sắp được vào lớp 1. Điều quan trọng, đó là tạo cho trẻ một tâm lý hết sức thoải mái, tự tin đón chào một hành trình mới chứ không phải sự e ngại, sợ sệt trước những áp lực mà trẻ nghĩ đang chờ mình phía trước…

TS Huỳnh Văn Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.