Nền tảng cho nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước

19/06/2022 06:34 GMT+7

Nếu như vắc xin cụ thể cho Covid-19 lần này chưa thành công thì chúng ta vẫn có thể có nền tảng cho nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước.

Đánh giá về vắc xin Covid-19 do VN nghiên cứu sản xuất, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục KHCN và ĐT (Bộ Y tế), cho rằng đã có những thành công qua vụ dịch vừa rồi, vì có những công nghệ như mRNA thì Vingroup đã được chuyển giao từ Arcturus Therapeutics (Mỹ)... và đang xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin trên Láng Hòa Lạc (Hà Nội).

Công nghệ đó không chỉ sản xuất vắc xin phòng Covid-19 mà sau này có thể sản xuất sản phẩm khác, theo công nghệ đó. Đó cũng là thành công về việc làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi.

Với Công ty Nanogen cũng vậy, tuy sản phẩm vắc xin hiện chưa được cấp số đăng ký và chưa ra thị trường nhưng ít nhất họ cũng làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin. Và trên cơ sở làm chủ công nghệ, họ có thể sản xuất các chế phẩm sinh học khác phục vụ cho điều trị, phòng chống dịch trong tương lai, ví dụ như kháng thể đơn dòng, chứ không phải họ thất bại. Sản phẩm cụ thể chưa ra nhưng công nghệ lõi họ đã làm chủ thì họ tiếp cận những chế phẩm sinh học khác.

Cùng quan điểm trên, một chuyên gia cho rằng tất nhiên đầu tư chưa thu được lợi nhuận là thiệt thòi nhưng cái đó là phải chấp nhận. Trước hết rất biểu dương vì họ đã chung tay cùng xã hội, cùng ngành y tế trong phòng chống dịch. Có thể chưa thành công trong đầu tư lần này nhưng thành công là thương hiệu.

Theo chuyên gia, vắc xin là một sản phẩm rất nhạy cảm, vì cần sử dụng trên diện rất rộng. Vắc xin là để phòng bệnh, nhất là đối với vắc xin trong thời gian đại dịch càng cần minh chứng tính an toàn và hiệu lực bảo vệ. Vì nếu như không đủ minh chứng đó mà dịch bùng phát, mọi người cứ nghĩ đã được tiêm vắc xin rồi, thì còn nguy hiểm hơn. Cho nên, với các nhà khoa học, với cơ quan quản lý thì cực kỳ quan tâm đến dữ liệu về tính khoa học, tính an toàn và hiệu lực bảo vệ của vắc xin. Để minh chứng các dữ liệu đó, thì phải có đủ số lượng nghiên cứu tình nguyện, có thời gian theo dõi. Với vắc xin thì yêu cầu phải có thời gian, có dữ liệu, khoa học, bằng chứng, còn với dịch bệnh thì phòng chống dịch rất nhanh.

Theo chuyên gia, có thể đầu tư chưa thành công về thương mại với sản phẩm vắc xin, với một số đơn vị nhưng họ đã được làm chủ công nghệ, làm chủ các quy trình sản xuất, tạo dựng uy tín, thương hiệu. Trên cơ sở đó, nếu như vắc xin cụ thể cho Covid-19 lần này chưa thành công thì chúng ta vẫn có thể có nền tảng cho nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.