(TNO) Để giảm thiểu rủi ro cho thị trường tài chính trong 10 năm tới, một số chuyên gia kinh tế kiến nghị nên tăng quyền cho Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia theo hướng có nhiều quyền lực hơn trong giám sát vĩ mô, xử lý vi phạm tại chỗ với tất cả các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.
Đây là một trong những kiến nghị đáng chú ý mà nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đưa ra tại hội thảo công bố nghiên cứu về “Các chỉ tiêu giám sát tài chính” thuộc dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì diễn ra hôm nay 19.12 tại Hà Nội.
Đại diện cho nhóm nghiên cứu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành đã chỉ ra bất cập hiện nay trong việc giám sát thị trường tài chính (TTTC) là hiện vẫn chưa có một cơ quan giám sát tài chính vĩ mô có đủ thẩm quyền và năng lực bộ máy để có thể cảnh báo, ngăn ngừa và xử lý hữu hiệu các loại rủi ro của hệ thống tài chính đất nước.
“Bản thân vị thế pháp lý yếu kém của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) cũng là một tác nhân gây ra sự phối kết hợp thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, giám sát và hiệu quả giám sát toàn bộ TTTC. Ngoài ra, các lỗ hổng pháp lý trong giám sát hoạt động tài chính (vốn ngày càng gia tăng, đan xen lẫn nhau của các định chế tài chính và các tập đoàn kinh tế, tài chính) cũng có xu hướng tăng và hầu như không được xử lý hữu hiệu”, ông Thành nhìn nhận.
Ngoài ra, việc thực hiện giám sát TTTC ở Việt Nam hiện nay vẫn còn thiên về giám sát tuân thủ mà đang yếu kém về giám sát trên cơ sở rủi ro về an toàn vĩ mô.
Kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra các thành tựu cũng như những yếu kém, hạn chế trong công tác giám sát, thanh tra TTTC, từ thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán đến thị trường bảo hiểm, thị trường bất động sản.
Đơn cử thị trường bất động sản, nhóm nghiên cứu chỉ ra thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam hiện đang tương đối non yếu, thiếu công khai minh bạch, khung pháp lý còn chưa đầy đủ, nhất là khung pháp lý giám sát hoạt động, các rủi ro của thị trường, các luồng vốn và cơ chế tài trợ cho việc phát triển và đầu tư - đầu cơ BĐS.
“Cùng với tâm lý đám đông tương đối thịnh hành, đây là một trong những nguyên nhân chính tạo nên tình trạng giá BĐS rất cao (có thể coi là bong bóng) ở Việt Nam hiện nay”, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh, đồng thời cho biết, dự kiến Bộ Xây dựng sẽ công bố chỉ tiêu về thị trường BĐS.
Nên trao nhiều quyền hơn cho UBGSTCQG trong giám sát vĩ mô
Từ các phân tích, đánh giá về thực trạng giám sát TTTC hiện nay, các chuyên gia này khuyến nghị năm giải pháp để đổi mới hệ thống giám sát và áp dụng hệ thống chỉ tiêu giám sát tài chính ở Việt Nam, như tăng cường hiệu lực giám sát tuân thủ, đồng thời chuyển dần sang giám sát dựa trên rủi ro thông qua việc thu hẹp các chuẩn mực trong nước với quốc tế và xây dựng, áp dụng các chỉ tiêu giám sát cũng như ngưỡng cảnh báo an toàn vĩ mô, các mô hình định lượng và các quy chuẩn, chỉ tiêu giám sát các tập đoàn tài chính. Thông qua đó để giảm thiểu các rủi ro toàn hệ thống và nâng cao hiệu quả giám sát TTTC trong bối cảnh động trong dài hạn.
Đồng thời với đó, từng bước nâng cao hiệu quả và hiệu lực giám sát chuyên ngành (theo định chế); tăng cường giám sát tài chính vĩ mô của toàn bộ hệ thống tài chính cũng như các tập đoàn tài chính thông qua “củng cố vị thế pháp lý, bổ sung nguồn lực cho UBGSTCQG và xây dựng các chế định, tiêu chí giám sát tập đoàn. Tuy nhiên, “cần bảo đảm nguyên tắc cơ bản là thực hiện giám sát chặt chẽ song không bóp nghẹt tính năng động, sáng tạo của TTTC”, nhóm chuyên gia lưu ý.
Vấn đề cơ bản hơn cả, theo ông Thành, là sắp tới cần nỗ lực hoàn thiện mô hình giám sát hiện nay, “lấp kín” các lỗ hổng pháp lý trong giám sát từng lĩnh vực tài chính và giữa các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm; phát hiện và ngăn chặn, xử lý hữu hiệu các hành vi đánh tráo quản lý, nhất là đối với hoạt động của các tập đoàn tài chính.
Để làm tốt yêu cầu trên, trong 5 - 10 năm tới, Ngân hàng Nhà nước cần có mức độ độc lập hơn trong xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ - ngân hàng cùng với việc “củng cố, nâng cao vị trí pháp lý (tăng nhiều chức năng hơn) cho UBGSTCQG nhằm bảo đảm toàn hệ thống tài chính vĩ mô”.
Ủy ban này, theo ông Thành, không chỉ đảm bảo trao đổi thông tin minh bạch giữa các cơ quan quản lý, kịp thời xử lý các vướng mắc ngắn hạn trên TTTC - tiền tệ, xây dựng chiến lược phát triển TTTC, tự do hóa tài chính và cán cân thanh toán, quản lý nợ và ngăn ngừa rủi ro khủng hoảng tài chính - tiền tệ, mà còn có nhiều quyền lực hơn trong giám sát vĩ mô (thực thi giám sát từ xa - tại chỗ) và xử lý vi phạm đối với tất cả các lĩnh vực ngân hàng - chứng khoán, bảo hiểm.
Tại hội thảo, một số chuyên gia cho rằng, nên phân tích sâu vấn đề sở hữu chồng chéo và tình trạng nợ xấu. Bởi khi rủi ro xảy ra có thể gây ra tác động dây chuyền trên thị trường.
Theo TS Lê Đăng Doanh, “vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tài chính hiện nay về lâu dài sẽ là một bất ổn cho nền kinh tế".
Ông Doanh chỉ ra thực trạng, có ngân hàng đầu tư sang ngân hàng khác với 3% cổ phần, nhưng bản thân công ty con (công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng đó) lại đầu tư tới 5%. Nếu cộng lại thì tổng mức đầu tư chéo đó là rất lớn. Và những rủi ro cũng phát sinh từ các đầu tư chéo này, cần phải được giám sát chặt chẽ.
Chủ trì hội thảo này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho biết, các công trình nghiên cứu và ý kiến tại hội thảo sẽ được tập hợp gửi tới cơ quan hoạch định chính sách và các đại biểu quốc hội.
Bảo Cầm
Bình luận (0)