"Tăng thêm ngày nghỉ lễ cũng quý rồi"
Chị Hoàng Thị Thư, 38 tuổi, đã trải qua 9 năm xa quê làm công nhân tại Công ty TNHH Glonics Việt Nam. Những dịp nghỉ lễ, tết hay cuối tuần không phải tăng ca là khoảng thời gian quý giá để chị trở về H.Đại Từ, Thái Nguyên thăm chồng con. Việc tăng ngày nghỉ lễ có thể giúp chị Thư và những lao động xa quê khác có thêm thời gian bên gia đình. Đây là nỗi niềm chung của nhiều công nhân đang tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Khi nghe tin công đoàn đề xuất cho người lao động được nghỉ thêm 2 ngày lễ vào dịp 2.9, chị Thư rất vui, bởi gần 10 năm nay, hầu như chị chưa một lần đưa 2 con đi khai giảng. "Những dịp quan trọng đối với bọn trẻ như trung thu, khai giảng… tôi đều không được dự. Với những công nhân xa nhà, thêm được 1 ngày nghỉ lễ tết là vô cùng quý giá, được nghỉ vào dịp đưa con đi khai giảng thì không có gì tuyệt vời hơn", chị Thư bộc bạch.
Khi Tổng LĐLĐ Việt Nam đi thực tế để sửa đổi bộ luật Lao động, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết: "Có những công nhân chảy nước mắt khi nói với chúng tôi, ước mong của họ là được đưa con đến trường ngày khai giảng. Với công nhân làm ca kíp, dây chuyền, nếu không phải là ngày nghỉ thì việc này chỉ là ước mơ. Chia sẻ của người lao động rất giản dị nhưng cô vùng xúc động".
Thấu hiểu nguyện vọng của người lao động, tháng 12.2023, tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất tăng thêm 2 ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh 2.9. Ngày 8.10, chia sẻ với báo chí, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam một lần nữa tiếp tục bày tỏ mong muốn cho người lao động được nghỉ tết, nghỉ Quốc khánh dài hơn.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho hay: "Cơ sở pháp lý để Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng ngày nghỉ lễ, nghỉ tết là vì mức bình quân ngày nghỉ trong năm của các nước Đông Nam Á khoảng 16 - 17 ngày/năm, trong khi Việt Nam mới có 11 ngày. Tôi vẫn muốn tăng thêm ngày nghỉ dịp 2.9".
Doanh nghiệp lo bị ảnh hưởng
Trước đề xuất trên của Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Đoàn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty CP May Hà Nam, cho biết đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhất là lao động giản đơn như dệt may, da giày, gỗ… việc tăng thêm số ngày nghỉ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các đơn hàng xuất khẩu.
Dù vậy, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng ủng hộ xu hướng chung của thế giới và tiến bộ xã hội là cần phải cân bằng giữa lao động và nghỉ ngơi. "Với chúng tôi thêm ngày nghỉ lễ vào dịp tết hay Quốc khánh cũng không quá quan trọng, tuy nhiên, chỉ nên thêm 1 ngày nghỉ, không nên tăng thêm nhiều ngày và tăng liên tục. Một vài năm nữa, khi kinh tế ổn định, chúng ta có thể tăng tiếp số ngày nghỉ. Việc này cũng cần lấy ý kiến thêm của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội".
Bên cạnh lo ngại trên, doanh nghiệp còn lo chi phí trả lương sẽ tăng thêm. "Người lao được nghỉ thêm ngày nào chúng tôi vẫn phải trả nguyên lương ngày đó. Với những doanh nghiệp sử dụng tới hàng nghìn, hàng vạn lao động thì số tiền lương trả ngày lễ là không nhỏ. Chưa kể, nếu kỳ nghỉ trúng vào dịp nhiều đơn hàng xuất khẩu, người lao động phải làm thêm trong ngày nghỉ lễ, số tiền lương sẽ tăng thêm 300%", đại diện một doanh nghiệp tại Hà Nội bày tỏ.
Kiên trì theo đuổi đề xuất cho lao động nghỉ lễ dài hơn
Mặc dù đề xuất tăng ngày nghỉ lễ, tết của Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa được chấp thuận, song đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình từ các địa phương và chuyên gia.
Mới đây, gửi kiến nghị đến Bộ LĐ-TB-XH, cử tri các tỉnh Bắc Kạn, Hải Dương, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận đã đề nghị nghiên cứu tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh (nghỉ từ ngày 2 - 5.9)
PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - lao động - xã hội, chia sẻ: "Tôi ủng hộ việc cần phải tăng thêm số ngày nghỉ cho người lao động, bởi số ngày nghỉ lễ chính thức trong năm của chúng ta còn quá ít. Đề xuất thêm 2 ngày nghỉ của Tổng LĐLĐ Việt Nam là hợp lý, người lao động sẽ có thêm kỳ nghỉ dài thuận tiện cho việc đi lại, về quê, du lịch hay đi chơi xa".
Đối với dịp tết, bà Hương nêu cụ thể 9 ngày. "Tôi thấy mỗi năm Bộ LĐ-TB-XH đưa xin ý kiến ngày nghỉ tết, nghỉ lễ rất mất thời gian. Thay vì tranh cãi nhau các phương án, nên quy định nghỉ tết 9 ngày (từ 27 đến hết 5 tết ). Nếu rơi vào ngày nghỉ cuối tuần thì không phải làm bù, còn không thì phải làm bù".
Theo bà Hương, việc tăng thêm ngày nghỉ cho người lao động ít nhiều doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, song so với các nước, Việt Nam vẫn còn quá ít ngày nghỉ, vì vậy doanh nghiệp cũng nên ủng hộ và khắc phục để người lao động có thời gian tái tạo sức lao động.
Có cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động, phân tích: "Khi kinh tế phát triển, cuộc sống tốt hơn, thì cường độ làm việc của người lao động cũng cao hơn, áp lực hơn. Việc tăng thêm số ngày nghỉ là nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của người lao động".
Theo ông Nguyễn Anh Thơ, hiện số ngày nghỉ tết Nguyên đán và dịp lễ 30.4 - 1.5 là phù hợp. Vì vậy, nên tăng thêm ngày nghỉ vào dịp 2.9 để người lao động có 3 chu kỳ nghỉ dài trong năm. "Thời điểm này đề xuất tăng thêm 1 ngày nghỉ là hợp lý. Về lâu dài, chúng ta nên bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ nữa là Ngày gia đình Việt Nam", ông Thơ nêu ý kiến.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, trên thực tế không phải khi nào làm việc cật lực cũng cải thiện được thu nhập. Trong bối cảnh hiện nay, cần nâng cao trình độ tay nghề lao động, ứng dụng công nghệ thông tin, quản trị doanh nghiệp tốt hơn… không nên chuyển hết năng suất, kết quả lao động lên vai người lao động.
Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định cơ quan này sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất về việc tăng số ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2.9.
Bộ LĐ-TB-XH sẽ nghiên cứu, đánh giá tác động khi sửa luật
Phản hồi các kiến nghị tăng thêm ngày nghỉ lễ, tết, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, thời gian nghỉ lễ, tết cho người lao động được nghiên cứu, đề xuất còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác như tôn giáo, phong tục, tập quán, ý nghĩa của ngày nghỉ và tác động kinh tế - xã hội.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, việc bổ sung ngày nghỉ hưởng nguyên lương cũng sẽ tạo áp lực cho người sử dụng lao động, do đó, bộ này sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động kinh tế - xã hội trong quá trình sửa đổi, bổ sung bộ luật Lao động.
Bình luận (0)