Nêu góp ý cho báo cáo giám sát về Nghị quyết 43 phục hồi kinh tế tại phiên họp Quốc hội sáng 25.5, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đánh giá nếu chỉ có Covid-19 thì gói chính sách của Nghị quyết 43 "không cần thiết".
Do thực tế năm 2022 nền kinh tế đang thừa vốn, lãi suất rất thấp, nên các gói hỗ trợ cũng không có tác dụng kích thích tăng trưởng.
Tuy nhiên, giai đoạn 2022 - 2023 có thêm một số tác động bên ngoài như chiến tranh, kinh tế toàn cầu biến động, vỡ bong bóng tài sản, "nên cuối cùng gói hỗ trợ này lại phần nào phát huy được hiệu quả".
Đáng chú ý, "chính việc chậm triển khai Nghị quyết 43 khiến nó mang lại hiệu quả". Lý do, theo ông Đồng, nếu triển khai mạnh vào đầu 2022 khi mới ban hành thì Nghị quyết 43 sẽ bơm thêm vào bong bóng tài sản lúc đó đang phình to.
"Nhưng vì việc triển khai Nghị quyết 43 chậm, vào lúc bong bóng đã qua đỉnh và bắt đầu quá trình hạ cánh, nên có tác dụng giúp Việt Nam "hạ cánh mềm", thay vì "hạ cánh cứng" như nhiều nước khác", đại biểu Hà Sỹ Đồng nhìn nhận.
Cạnh đó, sự thất bại của gói lãi suất 2% (chỉ giải ngân được 3,05%), nhìn ở khía cạnh nào đó cũng chưa hẳn là thất bại. Bởi, nếu gói này hoạt động tốt, thì chắc chắn việc đối phó với lạm phát trong năm 2022 của Việt Nam khó khăn hơn rất nhiều. Như giai đoạn gói kích cầu 2009 đã gây lạm phát cho năm 2011.
Những yếu tố trên khiến Việt Nam đã không lâm vào lạm phát cao như nhiều nước phát triển như Mỹ và EU. Theo đại biểu đoàn Quảng Trị, Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng khá, dù thấp hơn chỉ tiêu của Quốc hội "nhưng vẫn được coi là ổn".
Đánh giá các chính sách cụ thể, ông Đồng cho rằng, Chính phủ có nhiều giải pháp điều hành khác mang lại hiệu quả cũng rất tốt. Như việc giảm thuế xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới tăng; gia hạn nộp thuế...
Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, bài học rút ra là tính khả thi khi xây dựng chính sách. Đơn cử gói hỗ trợ lãi suất 2% không thực hiện được do không khả thi. Trong khi đó, các gói giảm VAT phát huy hiệu quả cao, do biện pháp này dựa trên các thủ tục thuế có sẵn.
Đặc biệt, ông cho rằng, "2022 - 2023 là 2 năm toát mồ hôi của chính sách tiền tệ. Thời điểm đó mà điều hành được như những gì đã diễn ra có thể được coi là thành công".
Về lâu dài, cần tiến tới sử dụng các công cụ lãi suất để điều hành tín dụng hơn là công cụ về hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng). Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang kiên trì quan điểm chưa thể bỏ công cụ room tín dụng. Do đó, ông Đồng đề nghị NHNN sớm có tổng kết đánh giá chính sách room tín dụng và tiến tới luật hóa vấn đề này.
Nhiều ngành như ô tô "tát nước theo mưa"
Đáng chú ý, có tình trạng tát nước theo mưa, nhân việc Quốc hội và Chính phủ đang có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà có ngành "xin thêm". Ví dụ như ô tô xin gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ, khiến năm 2022 là năm ngành ô tô có doanh số kỷ lục.
Việc triển khai chính sách cho thấy sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội là đặc biệt quan trọng. Ví dụ như việc giảm thuế xăng dầu, chính sách giảm thuế VAT 2% đáng lý ra có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả mặt hàng từ 10% xuống 8% thì lại quá cứng nhắc, phụ thuộc theo Nghị quyết 43.
Cạnh đó, chính sách giãn nộp thuế nhiều ý kiến đề nghị giãn thêm vài tháng sang năm sau, vì đây là "thời điểm giáp hạt đối với doanh nghiệp". Song, điều này lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chính phủ ngại điều chỉnh dự toán ngân sách nên đã không trình.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, nếu trong tương lai lại có các chương trình, gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô, phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm đưa chính sách vào cuộc sống. Nghị quyết 43 cho thời hạn thực hiện 2 năm, nhưng rất nhiều thứ đã khác.
"Nếu gặp tình huống cần chính sách hỗ trợ, thứ đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế. Thậm chí giảm thuế mức lớn và cần tập trung vào một ngành rất cụ thể. Ví dụ, vào thời điểm mới bắt đầu hết giãn cách, khôi phục các đường bay thì thậm chí nên tính đến việc giảm VAT hàng không về 0% hoặc giảm các loại phí, lệ phí sân bay. Điều này có thể giúp hàng không phục hồi nhanh hơn", ông Đồng nêu.
Bình luận (0)