Nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày?

17/05/2020 09:16 GMT+7

Nước có vai trò cực kỳ quan trọng với cơ thể, nhưng không phải uống nhiều nước lúc nào cũng tốt.

Thay đổi nhận thức về nước

Theo nhận định của Vincent Priessnitz, người sáng lập phương thức dùng nước chữa bệnh, con người ở đầu thế kỷ 19 hầu như chỉ uống nước khi họ cảm thấy quá mệt mỏi, thậm chí ở mức cận kề cái chết.
Tuy nhiên, mọi thứ đã dần thay đổi khi các nhà khoa học nhận thức được lợi ích của nước đối với cơ thể. Ghi nhận cho thấy người trưởng thành ở Anh và Mỹ đang sử dụng nước nhiều hơn so với những năm trước. Theo báo cáo từ Associated Press những năm gần đây, doanh số bán nước lọc ở Mỹ đã vượt qua doanh số bán soda.
Nước chiếm khoảng 2/3 trọng lượng cơ thể, mang chất dinh dưỡng và hỗ trợ đào thải chất độc, điều chỉnh thân nhiệt, “bôi trơn” khớp xương, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong các phản ứng trao đổi chất xảy ra bên trong cơ thể. Mọi người đã quen với thông điệp uống vài lít nước mỗi ngày sẽ giúp khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng, da dẻ mịn màng và tránh ung thư.
Chúng ta không ngừng mất nước qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu, vì thế đảm bảo cơ thể có đủ nước và tránh mất nước là điều quan trọng nên làm. Một nguyên tắc được nhiều người áp dụng là uống 8 ly nước mỗi ly 240 ml mỗi ngày. Tuy nhiên, nguyên tắc này chưa được chứng minh đủ căn cứ khoa học. Các tài liệu hướng dẫn chính thức của Anh và Liên minh châu Âu cũng không khuyến khích uống nhiều nước ở mức đó.

Khi nào nên uống nước?

"Một người ở nhiệt độ nóng nhất ngay giữa sa mạc có thể đổ tối đa 2 lít mồ hôi trong một giờ, song điều đó thực sự khó xảy ra trên thực tế, vì thế mang theo khoảng 500 ml nước cho hành trình 20 phút đi tàu điện ngầm là quá nhiều", Hugh Montgomery, Giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu sức khỏe, thể dục và thể thao ở London (Anh), nhận xét.
Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng không cần phải lo lắng về việc uống đủ một lượng nước nhất định mỗi ngày. Cơ thể sẽ lên tiếng báo hiệu khi chúng ta khát, tương tự khi đói hoặc mệt. "Nếu lắng nghe cơ thể của mình, nó sẽ nói cho bạn biết khi nào bạn khát", Courtney Kipps, giáo viên thể thao tại Đại học UCL (Anh), nói.
Tuy nhiên, Giáo sư dinh dưỡng, thực phẩm và thể dục thể thao Brenda Davy tại Đại học Bách khoa Virginia (Mỹ) cảnh báo, cơn khát của con người trở nên kém nhạy cảm dần từ 60 tuổi trở đi, vì thế người cao tuổi cần theo dõi kỹ lượng nước uống vào.

Bao nhiêu nước là đủ?

Nhu cầu về chất lỏng ở mỗi người là khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, chiều cao, cân nặng, giới tính, môi trường và mức độ hoạt động thể chất của người đó. Người thường xuyên vận động thể chất hoặc ngồi máy lạnh cả ngày thì cần tiêu thụ lượng nước nhiều hơn, hoặc mùa hè thì cần uống nhiều nước hơn mùa đông.
Năm 1974, tác giả cuốn sách Dinh dưỡng cho sức khỏe tốt từng khuyến nghị một người trưởng thành nên uống 6 - 8 ly nước mỗi ngày. Nhưng các chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý, định lượng này đã bao gồm cả trái cây và rau (có thể chứa đến 98% là nước), nước uống có caffeine và nước ngọt, thậm chí kể cả rượu, bia. Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia NHS của Anh cũng có lời khuyên tương tự, theo kênh BBC News.
Nước đương nhiên là lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe vì nó không sinh ra calorie. Các loại đồ uống khác cũng giúp cung cấp nước cho cơ thể, bao gồm trà, cà phê, rượu, bia... nhưng mang nhiều chất không tốt như cồn hoặc quá nhiều caffeine.
Mặt khác, các bác sĩ cũng không khuyến khích việc uống quá nhiều nước. Tiêu thụ quá nhiều chất lỏng gây ra sự pha loãng natri, kali trong máu, hoặc những ảnh hưởng xấu khi chất lỏng dịch chuyển để cố gắng cân bằng nồng độ natri trong máu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.