Như Thanh Niên đã thông tin, đêm 9.3, Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Bình Thuận đưa tin nhanh về vụ cháy xảy ra bên trong trụ sở Công an H.Tánh Linh vào chiều cùng ngày. Theo Công an tỉnh Bình Thuận, ngọn lửa bùng phát từ kho bãi chứa xe mô tô tang vật vi phạm hành chính của công an huyện này. Ngay khi phát hiện vụ cháy, Công an H.Tánh Linh đã huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ và người dân gần đó tham gia chữa cháy; đồng thời báo cáo ngay cho Công an tỉnh Bình Thuận để điều động cán bộ, chiến sĩ và phương tiện của Đội Cảnh sát PCCC-CNCH khu vực Đức Linh đến hiện trường tập trung dập lửa. Công an tỉnh Bình Thuận còn điều động xe chữa cháy và cán bộ chiến sĩ từ Đội chữa cháy Trung tâm Phan Thiết lên hỗ trợ. Ngay sau khi nhận tin, đại tá Lê Thanh Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, đã đến hiện trường để chỉ đạo công tác chữa cháy.
Theo Công an tỉnh Bình Thuận, đến 18 giờ 45 cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt. Bước đầu xác định khoảng 200 xe mô tô là tang vật vi phạm hành chính bị cháy hoàn toàn, không có thiệt hại về người.
Lãng phí, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Không chỉ đối diện với nguy cơ cháy nổ mà hàng ngàn phương tiện vi phạm giao thông phải phơi mưa phơi nắng ở các bãi tạm giữ trên cả nước, dẫn đến tình trạng hư hỏng, cũng như gây lãng phí rất lớn. "Thực tế cho thấy những bãi giữ xe vi phạm vừa tốn diện tích, vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao nếu không có biện pháp phòng cháy chữa cháy. Đó là lý do tình trạng này cần phải giải quyết ngay thay vì kéo dài", bạn đọc (BĐ) Mạnh Hùng ý kiến.
Cùng quan điểm, BĐ Lê Tín cho rằng: "Câu chuyện về những tồn tại ở các bãi giữ xe vi phạm đã được nói rất nhiều lần, nhưng dường như chưa có phương án giải quyết triệt để. Chúng ta đâu thể để lãng phí sân bãi, khối tài sản khổng lồ, vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ như thế này. Cá nhân tôi thấy đây là phương pháp xử lý xe vi phạm giao thông không còn phù hợp, cần sớm thay đổi".
Còn BĐ Hải Đăng viết: "Tôi tự hỏi những trường hợp này tại sao không phạt nặng hơn để làm gương hoặc răn đe mà lại dùng biện pháp vừa không quá an toàn, vừa gây nguy hiểm như vậy? Nhiều người dân có tâm lý khi bị giam xe sẽ chấp nhận bỏ luôn. Sao không xung những xe vi phạm này vào công quỹ, vừa tiết kiệm sân bãi, vừa tránh lãng phí".
Tinh gọn thủ tục xử lý
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến thẳng thắn đề nghị cơ quan chức năng nên nghiên cứu thay đổi hình thức xử lý hành vi vi phạm giao thông.
"Cơ quan chức năng có thể phân loại các lỗi vi phạm, chỉ nên giam giữ xe với các lỗi vi phạm nặng, nghiêm trọng, còn lại thì để người dân tự bảo quản xe của họ ở nhà. Chỉ cần giữ giấy đăng ký, nếu phát hiện xe vi phạm đang trong quá trình họ tự bảo quản mà chạy ngoài đường thì nâng mức phạt lên gấp nhiều lần", BĐ Quang Đức đề nghị.
Tương tự, BĐ Xuân Hiếu cho rằng nên bỏ quy định về tạm giữ xe vi phạm, đồng thời rút ngắn thời gian đưa ra đấu giá xe vi phạm nếu chủ xe không đến giải quyết. "Cần tinh gọn và đẩy nhanh hơn nữa các thủ tục xử lý xe vi phạm hành chính", BĐ này ý kiến thêm.
"Nên giam giữ xe có thời hạn nhất định, thí dụ sau thời gian 30 ngày xe vi phạm sẽ bị thanh lý. Lệ phí giam giữ xe sẽ tăng 100% sau 7 ngày người vi phạm không đến làm việc. Các xe vi phạm không đóng phạt sẽ không được cấp giấy phép lưu hành", BĐ Thanh Hiep ý kiến.
BĐ Phuoc Tam đề nghị: "Nên bỏ hình thức tạm giam phương tiện giao thông vì nó gây ra sự lãng phí, tốn kém rất lớn cho người dân và cũng gây ra sự bất tiện cho cơ quan chức năng. Chỉ giam phương tiện khi nó không đủ điều kiện tham gia giao thông hoặc phương tiện dùng để gây án, phương tiện phải bị tịch thu. Thay vào đó tăng hình phạt, chuyển sự việc về địa phương theo dõi, cho thời gian đóng phạt nhiều lần, nếu hết thời gian mà không chấp hành đề nghị tòa án khởi tố phạt tù...".
Bình luận (0)