Hóa ra thời trai tráng hăm hở nhất của anh Thanh Thảo chính là cầm súng chiến đấu ở đất thép Củ Chi - ngay chỗ cái dự án này. Thú vị nữa là chị Trần Thị Tuyết Nga, chủ dự án, là đồng đội của anh - một phát thanh viên của Đài Phát thanh Giải Phóng. Hèn gì chị Nga đón vợ chồng anh Thảo rất trọng thị. Anh Thảo thì cứ nhắc đi nhắc lại mãi câu “em giỏi quá Nga ơi!”.
Khách tham quan thích thú với không gian Việt trong dự án của HTX Một thoáng Việt Nam |
lương minh khôi |
Củ Chi từng được chính quyền Ngô Ðình Diệm gọi là "vùng đất thánh" của cộng sản nên bom đạn dội xuống đây ác liệt. Nhưng dân Củ Chi kiên trì bám trụ, nhờ đó mà quân giải phóng có nơi hoạt động. Cái tên “Củ Chi Đất Thép” cũng là từ đó mà ra.
Cái thời ác liệt nhất của vùng đất thép ấy, anh Thảo nhớ rõ là Đài Phát thanh Giải Phóng được đặt trong một căn hầm, trên hầm bom đạn vãi như mưa suốt ngày, người chết cả ta cả địch có bữa đếm không xuể.
Giải phóng xong thì cả vùng đất này chi chít hố bom, đụng đâu cũng gặp hài cốt nên lạnh lẽo quá, riết rồi không ai dám ở, hoang hóa dần.
“Giải phóng rồi thì ai về quê nấy. Tôi cũng về quê Quảng Ngãi. Chỉ có cô Nga là dân nội đô Sài Gòn mà lại không về mà chọn chính nơi này để ở lại. Quả là người phụ nữ rất đặc biệt”, nhà thơ Thanh Thảo tấm tắc.
Người phụ nữ mà nhà thơ Thanh Thảo nhắc với một sự trân trọng vô cùng ấy, hôm đầu gặp là tôi đã bất ngờ. Hóa ra chị rất dung dị, khiêm nhường, mái tóc pha sương toát lên sự từng trải, rắn rỏi.
Chị kể, lúc trước thấy đồng đội chết nhiều quá, nên khi giải phóng thì cứ đau đáu chuyện phải làm gì đó ngay trên chính mảnh đất này để không quên những người đã hy sinh. Nghĩ mãi, rồi chị quyết định đầu tư làm một khu vừa như là bảo tàng để lưu giữ những gì thuộc về lịch sử hùng tráng, vừa làm nơi bảo tồn những giá trị nước Việt các kiểu.
Điều chị mong muốn là làm sao để các thế hệ học sinh sau này, nhất là học sinh của chính Củ Chi, có thể đến đây nhìn ngắm và nghe kể là cũng đủ hiểu một phần những gì gọi là đất Việt.
Khu trưng bày nghề nghiệp nông ngư |
lương minh khôi |
Là nói thế chứ mọi việc không hề dễ, vì quan trọng là tiền thì chị không có. Có những vị chức sắc từng là đồng đội cũ, nói thẳng chị đừng khùng thế, cứ về nội thành mà sống, có chế độ chính sách đủ hưởng chứ không việc gì phải neo mình giữa nơi đồng hoang ấy.
Chị không nản. Vẫn kiên trì với ý tưởng của mình.
“Nhiều người thương hỏi tôi tại sao khổ thế cứ theo hoài, có mỗi cái nhà cũng đem bán bỏ tiền vào đây? Tôi nói cứ coi như đi tu. Tu là làm người một cách đúng nghĩa nhất, sống có ích cho xung quanh chứ không chỉ cho mình. Có lẽ do vậy mà mình không thấy khổ”, chị kể, rồi tiếp: “Khi tự tay mình được rửa một trong những chiếc cọc mà Ngô Quyền cho đóng trên sông Bạch Đằng để chống quân Nam Hán trong trận đánh năm 938, cũng như khi tự tay đem từng nắm đất, mẫu nước của từng vùng miền khắp cả nước mang về đây, cảm giác thiêng liêng trào dâng. Lạ lắm, tôi thấy mình thỏa nguyện vô cùng”.
Rồi dần dần gia đình, bạn bè có người hiểu chị. Nhờ vậy mà chị dần dần thực hiện được ước mơ của mình. Cần mẫn và bền bỉ. Ao hồ đầm lầy hoang hóa quanh đó ai bán là chị xoay xở gom mua để cải tạo thành vườn, thành hồ để rồi rau quả trên đất ấy đâm chồi nảy lộc. Sản xuất rồi chăn nuôi, lấy nó nuôi nó để dần dần thực hiện ý tưởng của mình.
Bây giờ thì tôi đã có dịp để thảnh thơi đi trong khu sinh thái rộng đến 22 ha, với cái tên là lạ: Hợp tác xã Một Thoáng Việt Nam. Những con đường đất đỏ uốn mình giữa tre trúc mơn man gió. Cá thi nhau đớp mồi làm những cánh hoa sen, hoa súng chao nghiêng trên mặt hồ. Bạt ngàn xanh khiến tôi cố tưởng tượng cũng không thể hình dung nổi đó từng là cái túi hứng bom đạn của Củ Chi Đất Thép ngày nào.
Tôi chụp mấy kiểu ảnh ở khu trình diễn không gian Việt. Ở đó, có những mô hình của không gian nhà Việt, đủ các kiểu Bắc, Trung Nam, miền ngược miền xuôi.
Kế đó là nơi có những bộ sưu tập nghề nông đếm không hết chủng loại. Là cây, là con, là kỹ thuật gieo trồng, chế biến, bảo quản… của nông dân Việt được thể hiện qua hiện vật, hình ảnh, mô hình. Có thứ sẳn luôn để nếm, để thử, tỉ như cái mô hình trình diễn các kiểu mắm mặn hay chua ngọt của ngư dân khắp nước.
Ở giữa hai khu này là cái bản đồ Việt Nam dài cả trăm mét, rộng vài chục mét, đắp nổi trên một cái sân rộng. Thú vị nhất ở đây là khu vực thuộc địa danh của tỉnh thành nào, đảo nào là được đắp bằng chính đất, đá, cát sỏi từ địa phương ấy mang về. Chỉ nghe kể thôi cũng đã thấy công phu đến nhường nào.
Chị Nga kể: "Khi Đàn Xã Tắc tại Hà Nội được khai quật, chúng tôi đã mang đất đào được tại vùng đất thiêng đó về, hợp cùng các mẫu đất và nước của nhiều vùng miền từ Lũng Cú đến mũi Cà Mau, với tro lấy từ lư hương ở nghĩa trang Trường Sơn và chùa Hoa Yến, Yên Tử làm thành một khối thống nhất, tượng trưng cho đất nước Việt Nam. Lịch sử, văn hóa Việt Nam được tái hiện đơn sơ và trọn vẹn ở đây”.
Đường tre trong bộ sưu tập 120 giống tre của khắp thế giới |
lương minh khôi |
Quanh khu vực có cái bản đồ ấy là bộ sưu tập tre với 120 giống của khắp thế giới. Nhưng bất ngờ nhất là cái hôm cùng một cán bộ chủ chốt của HTX là anh Đặng Hoàng Nam vào thăm khu công nghệ cao của HTX. Hóa ra ở đây có cả một khu sản xuất ra hàng loạt thứ nấm thuốc, tỏi đen, nano nghệ, thuốc trị bỏng… Nhiều sản phẩm từ công nghệ nanô được ứng dụng vào sản xuất mà tôi lần đầu tiên mới biết.
Chị Nga nói khi đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất những thứ này, chị chỉ có một mong muốn duy nhất là biến nơi đây thành không gian khoa học để học sinh đến học vào những ngày cuối tuần. Tại sao nước ngoài làm được mà dân Việt Nam mình không làm được, phải chứng minh trí tuệ Việt bằng những sản phẩm cụ thể.
Hôm tôi vào sâu trong khu vực dành riêng cho việc nghiên cứu khoa học, gặp anh em làm việc ở đây, mới biết hóa ra rất nhiều nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu đã tình nguyện về đây với chị Nga. Có người tranh thủ ngày nghỉ để đến tham gia, có người làm luôn ở đây đã chục năm trời.
Lạ là có người học hàm học vị hẳn hoi nhưng chẳng có lương phạn gì, chỉ đến làm vì cảm cái sự trân trọng của chị và cũng muốn chia sẻ khát vọng “trí tuệ Việt” mà chị đã truyền cảm hứng cho họ. Những năm khó khăn, có người còn mang cơm nhà theo để đến đây nghiên cứu.
Bây giờ thì tôi không thể kể hết các sản phẩm từ cái phòng nghiên cứu khoa học này. Có thứ đã thành hàng hóa bán trong các siêu thị. Có thứ ở đây độc quyền cung cấp cho các khu công nghiệp. HTX dần vượt qua khó khăn về đồng vốn, mà lương thưởng anh em cũng từ đó mà có.
Ở lại vùng đất thép này khi tóc còn xanh, giờ đã bạc trắng, chị Nga đã làm nên một kỳ tích trên “vùng đất chết”. Có đài truyền hình đã ngỏ lời bỏ cả trăm tỉ đồng để mua lại không gian này làm phim trường, có đại gia năn nỉ mua để làm khu du lịch sinh thái. Chị chỉ cảm ơn, dứt khoát không bán, giá nào cũng không.
Hôm chúng tôi dùng bữa cơm thân mật với chị, có nhà báo hỏi sau này nguyện vọng chị là để lại tài sản tâm huyết này cho ai? Chị Nga trả lời ngay: “Tài sản này không cho ai cả mà sẽ thuộc về những người đã và đang bỏ công sức lâu nay cống hiến ở đây và của chính con em của Củ Chi này”.
Tôi thì cứ nghĩ mãi về chị bằng một sự ngưỡng mộ. Đất thép sinh ra những người anh hùng, và rồi chính họ đã cho tôi nhìn thấy một thế hệ anh hùng trong thời bình.
Bình luận (0)