Tuy nhiên, Trung Quốc mới tăng thuế nhập khẩu mặt hàng gạo nếp từ 5% lên 50% khiến gạo nếp VN gặp rất nhiều khó khăn ở thị trường này.
Dựng hàng rào thuế
|
Trước đây, Trung Quốc áp dụng hạn ngạch (quota) đối với sản phẩm gạo nếp; gạo xuất khẩu vào Trung Quốc phải mua quota với giá 20 USD/tấn và thêm 1% thuế lương thực. Tuy nhiên, năm nay Trung Quốc tăng giá bán quota lên tới 120 USD/tấn. Nếu doanh nghiệp (DN) không mua quota sẽ phải chịu mức thế nhập khẩu 50%, trước đây mức thuế này là 5%. Việc áp thuế bắt từ đầu tháng 7.2018.
Động thái đánh thuế của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gạo nếp của VN. “DN cũng tìm cách xoay xở bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo nếp sang các thị trường khác, cụ thể như Indonesia. Nhờ vậy, gần đây giá gạo nếp đã tăng trở lại khoảng 300 - 400 đồng/kg. Nhưng Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn, nếu gặp khó ở đây sẽ rất khó cho sản phẩm gạo nếp của VN”, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho hay.
Theo các chuyên gia, những năm trước tăng trưởng xuất khẩu gạo nếp vào Trung Quốc rất tốt, giá cao. Thế nhưng, sau khi nhập một lượng sản phẩm đủ lớn, nước này dựng lên rào cản để giảm sức cạnh tranh của gạo nếp VN. DN muốn tiếp tục xuất khẩu phải “đè” giá xuống mới có lời. Mà đè giá thì thiệt thòi thuộc về nông dân. Đây là chiêu thức quen thuộc của Trung Quốc. Cộng thêm hiện nay nhiều nước đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào Trung Quốc làm cho nước này càng có cơ hội gây khó cho lúa gạo VN.
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, nhận xét: Trung Quốc đánh thuế lên gạo nếp của VN một cách vô lý và mức rất cao. Đây là vấn đề cấp Bộ và Chính phủ, cần liên hệ với phía Trung Quốc để làm rõ nguyên nhân cũng như cơ sở nào để ra những quy định, rào cản như vậy. Vì khi đã là thành viên của WTO chúng ta phải tuân thủ luật chơi chung và tận dụng những quy định của tổ chức để bảo vệ lợi ích của mình. Ngay cả việc Mỹ đánh thuế vô lý đối với cá tra VN chúng ta cũng đã tiến hành kiện họ.
“Sắp tới chúng tôi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng sẽ kiến nghị với các cơ quan T.Ư tiếp tục đấu tranh ngoại giao với phía Trung Quốc về vấn đề này”, ông Thư nói.
Chủ động điều tiết
An Giang là tỉnh trồng lúa nếp lớn nhất ĐBSCL với 2 vùng chuyên canh lúa nếp rất lớn là Phú Tân khoảng 25.000 ha và Châu Phú 10.000 ha, sản lượng vào khoảng 800.000 - 1 triệu tấn/năm. Vào lúc cao điểm giá lúa nếp lên tới 7.500 đồng/kg. Người dân một số tỉnh như: Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang lấy giống về trồng dẫn đến sản lượng tăng mạnh. Ông Trần Anh Thư cho biết: Ý thức được rủi ro này tỉnh An Giang đã tiến hành xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm lúa nếp của địa phương. Bộ NN-PTNT cũng làm việc với các địa phương về vấn đề này để tránh rủi ro về dài hạn. Trước nguy cơ dư cung, từ năm ngoái An Giang đã chủ động “co” phần diện tích sản xuất lúa nếp lại. Chỉ sản xuất ở vùng chuyên canh Phú Tân, còn Châu Phú chuyển sang trồng lúa Nhật. Trong vụ thu đông này, vùng chuyên canh Phú Tân cũng chủ động giảm diện tích và tiến hành xả lũ. “Chúng tôi đang cố gắng giảm thiểu các rủi ro thị trường đến mức thấp nhất”, ông Thư cho biết.
Mặc dù vậy, đó chỉ là giải pháp tình thế. Bởi thị trường Trung Quốc chiếm dung lượng quá lớn nên gặp khó ở đây, dù chuyển hướng các thị trường khác cũng khó lòng hấp thụ hết được. Một số chuyên gia cho rằng, một lượng rất lớn gạo nếp nhập từ VN được Trung Quốc chế biến thành bột nếp. Chính vì vậy về lâu dài các DN cần nghiên cứu chế biến bột nếp để đa dạng hóa sản phẩm và giảm thiểu rủi ro.
DN Trung Quốc sang VN tìm mua gạo
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ, cho biết: Ngày 8.8, một đoàn DN chuyên kinh doanh lương thực của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đến tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh mặt hàng gạo. Phía các DN Trung Quốc cho biết nhu cầu thị trường rất lớn và mong muốn đẩy mạnh hợp tác thương mại giữa hai bên. “Điều này cho thấy dù gây khó khăn nhưng thực tế họ vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo của VN. Điều quan trọng là chúng ta phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng và chuyển hướng làm ăn chính ngạch với họ để giảm thiểu rủi ro”, ông Toại nói.
|
Bình luận (0)