Đó là đánh giá từ các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp trong ngành hàng sản xuất lúa gạo, hồ tiêu, cà phê tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tăng cường vai trò phụ nữ trong một số chuỗi nông sản, do Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (PSAV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức ngày 25.10 vừa qua, tại Đắk Lắk.
1 vườn cà phê cho 3 nguồn thu nhập
Bà Mai Thị Nhung, trú tại xã Ea Tiêu (H.Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), trưởng nhóm nông dân thuộc dự án NESCAFÉ Plan, cho biết ở thời điểm trước năm 2015, vườn cà phê rộng 2 ha được chăm sóc bằng kinh nghiệm sản xuất truyền thống, năng suất cao nhất 2,5 tấn/ha. Khi tham gia dự án NESCAFÉ Plan, bà Nhung được hướng dẫn áp dụng canh tác theo hướng nông nghiệp tái sinh, đồng thời tham quan nhiều vườn cà phê trồng xen canh nên đã thuyết phục gia đình trồng cà phê giống mới xen lẫn hồ tiêu, sầu riêng. "Vườn cà phê hiện nay cho năng suất cao gấp 1,5 lần và có thêm nguồn thu từ hồ tiêu, sầu riêng, tổng thu nhập hơn 700 triệu đồng, gấp 3 lần so với trước đây", bà Nhung nói.
Cũng theo bà Nhung, không chỉ lợi ích phát triển kinh tế, chương trình NESCAFÉ Plan với mô hình canh tác theo hướng nông nghiệp tái sinh đã hướng dẫn quản lý cỏ dại bằng phương pháp làm cỏ bằng thủ công hoặc bằng máy cắt cỏ, sau đó tận dụng cỏ dại, vỏ cà phê ủ phân hữu cơ, phân vi sinh tăng độ mùn, giữ ẩm cho đất. Bằng cách này, vườn cà phê tiết kiệm được 50% nước tưới, giảm 20 - 30% lượng phân bón vô cơ, không cần sử dụng thuốc trừ cỏ. Chương trình cũng hướng dẫn nông dân sử dụng nhật ký nông hộ cài đặt trên điện thoại dễ dàng theo dõi toàn bộ chi phí đầu tư, lợi nhuận. "Trước đây chúng tôi ghi chép bằng sổ sách, cộng trừ tính toán thủ công nhưng nay chỉ bấm điện thoại, nhập thông tin số lượng mua bán, giá cả là phần mềm tự tính toán ra bảng kê chi tiết từng loại cây trồng, mùa vụ", bà Nhung nói.
Chương trình NESCAFÉ Plan không chỉ giúp bà Nhung được nâng cao năng lực, trình độ canh tác mà mở ra cơ hội phát triển, khẳng định giá trị bản thân, giúp đỡ cho nhiều hộ khác. Khởi đầu là một thành viên, sau gần 4 năm tham gia chương trình, bà Nhung được nông dân trong nhóm tín nhiệm bầu làm Trưởng nhóm và đang quản lý, hướng dẫn kỹ thuật canh tác nông nghiệp bền vững cho 72 hộ, trong đó 42% thành viên là phụ nữ, đồng bào tại địa phương.
Truyền cảm hứng sản xuất nông nghiệp bền vững
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Giám đốc Văn phòng PSAV, cho hay theo thống kê lao động nữ trong nông nghiệp chiếm 47%. Nhưng ở hợp tác xã, tổ hợp tác lao động nữ chiếm 80%. Theo đó, phụ nữ có vai trò quan trọng trong chuỗi từ câu chuyện đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm đến những câu chuyện mới hiện nay là ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, điểm nổi bật nhất từ những chia sẻ tại hội thảo là các lớp tập huấn đã có sự tham gia đông đảo của phụ nữ. Doanh nghiệp trong các chuỗi có những công nghệ mới, thông minh hơn hỗ trợ phụ nữ làm giảm thời gian dành cho sản xuất nông nghiệp để có thêm thời gian chăm sóc gia đình, bản thân và tham gia hoạt động xã hội.
Bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý Đối ngoại cấp cao Nestlé Việt Nam, khẳng định nâng cao quyền năng phụ nữ, bình đẳng giới qua các chuỗi nông sản là cam kết trọng tâm của Nestlé bên cạnh thu mua có trách nhiệm, bao bì bền vững, bảo vệ nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, chương trình NESCAFÉ Plan đã hỗ trợ nông dân trồng cà phê về kỹ thuật canh tác, tiếp cận phương thức sản xuất phát triển bền vững với mô hình nông nghiệp tái sinh, phát triển giống cà phê chất lượng cao, có thể kháng sâu bệnh, chống hạn... góp phần tái canh cây cà phê của Việt Nam. Đến nay, chương trình đã hỗ trợ 63,5 triệu cây giống; thực hiện tập huấn kỹ thuật cho 330.000 lượt nông dân; liên kết 21.000 nông hộ có cán bộ nông nghiệp hỗ trợ trực tiếp.
"Đặc biệt, trong chương trình NESCAFÉ Plan, chúng tôi cam kết nâng cao quyền năng phụ nữ thông qua phát triển nữ trưởng nhóm nông dân. Trong 21.000 nông hộ, chúng tôi thành lập 271 nhóm nông dân, trong đó hơn 30% phụ nữ đang làm trưởng nhóm. Mỗi nhóm quản lý 20 - 100 nông hộ. Những nữ trưởng nhóm này đang là giảng viên truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng nông dân cùng thực hành sản xuất nông nghiệp bền vững. Các hoạt động này không chỉ giúp chị em phụ nữ nâng cao kỹ năng, năng lực sản xuất mà còn có tiếng nói quan trọng, khẳng định vai trò, vị thế trong cộng đồng", bà Thương nói.
Bình luận (0)