Netflix muốn quảng bá điện ảnh Việt ra toàn cầu

16/10/2019 11:54 GMT+7

Hôm nay 16.10, Netflix chính thức ra mắt giao diện tiếng Việt tại thị trường Việt Nam. Nhân sự kiện này, đại diện Netflix đã dành riêng cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn.

Sẽ có thêm nhiều phim Việt trên Netflix

*Trước khi chính thức ra mắt giao diện tiếng Việt, được biết Netflix đã phát hành phim Hai Phượng (vừa được chọn đại diện điện ảnh Việt tham dự Oscar 2020 - NV) hồi tháng 5 qua. Netflix có thể chia sẻ việc khán giả toàn cầu đón nhận Hai Phượng và một số phim Việt từng phát hành như thế nào?
- Bà Nguyễn Phương Anh (phụ trách phát triển kinh doanh): Chúng tôi vẫn còn khá mới với thị trường, do vậy đội ngũ Netflix đang trong quá trình học hỏi, nghiên cứu thêm về thói quen xem phim, giải trí của người dùng. Chúng tôi bất ngờ khi nhận ra rằng người Việt yêu thích đa dạng nội dung đến từ khắp nơi trên thế giới. Đó là lý do chính để đội ngũ Netflix mang đến cho người xem tại đây một kho nội dung phong phú cả về số lượng và chất lượng.
Vừa qua, chúng tôi đã mua bản quyền của một số bộ phim Việt để chiếu trên nền tảng như: Hai Phượng,Yêu, Để mai tính... Trong thời gian tới, hy vọng phim Việt sẽ xuất hiện nhiều hơn trên nền tảng giải trí của chúng tôi.
Chúng tôi rất hứng thú khi biết rằng cứ 1 người xem phim Hai Phượng trên Netflix tại Đông Nam Á, thì có 7 người xem bộ phim này tại Nam Mỹ. Đây cũng là minh chứng cho thấy những câu chuyện hay sẽ có sức lan tỏa, dù nó bắt nguồn từ ngôn ngữ nào đi nữa.

Ngoài 'Hai Phượng', các phim Việt như 'Trúng số' (JackPot), 'Để mai tính' (Fool for Love)... cũng được  Netflix phát hành trên hệ thống 

ẢNH: NETFLIX

* Sắp tới Netflix sẽ dựa theo các tiêu chí nào để chọn phát hành những phim Việt khác trên hệ thống?
- Bà Erika North (phụ trách nội dung và các tác phẩm quốc tế): Chúng tôi vẫn đang trong quá trình tìm hiểu, nắm bắt sở thích của người xem để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, chúng tôi thường tìm kiếm dựa theo những chủ điểm sau:
Yếu tố địa phương nhưng câu chuyện mang tính phổ biến. Đơn cử với phim Hai Phượng, người xem có thể tìm thấy những cảnh đậm chất thôn quê Việt Nam làm nền cho câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng. Yếu tố địa phương ở đây là vùng quê Việt và câu chuyện phổ biến ở đây là tình mẫu tử, câu chuyện người mẹ quyết tâm bảo vệ con gái của mình - điều mà bất kỳ ai ở quốc gia nào cũng có thể cảm nhận được.
Kế đến là chất lượng sản xuất. Chúng tôi muốn nói đến khía cạnh kỹ thuật, làm sao để đảm bảo nội dung có thể phát sóng trên Netflix với chất lượng HD và UHD/4K. Cuối cùng là sự sáng tạo, độc đáo và tính nghệ thuật.
Tuy nhiên chúng tôi không theo một bảng nguyên tắc cứng nhắc để kiểm tra từng mục nội dung khi chọn phim, vì sự sáng tạo là tự do cũng như việc chọn nội dung trên Netflix cũng tùy vào thị hiếu của người dùng.
 

Diễn viên - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân của 'Hai Phượng' và bà Erika North (bìa phải) trò chuyện tại sự kiện Netflix chính thức ra mắt giao diện tiếng Việt ngày 16.10

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

‘Bản địa hóa’ và tạo khác biệt nhờ công nghệ

* Với việc chính thức ra mắt giao diện tiếng Việt, liệu đây có phải nằm trong chiến lược 'bản địa hoá' các sản phẩm của Netflix trên toàn cầu? Chiến lược này sẽ được thực hiện cụ thể ở thị trường Việt Nam ra sao?
- Bà Nguyễn Phương Anh: Dịch vụ của Netflix đã có mặt trên toàn thế giới và ra mắt tại Việt Nam vào năm 2016, nhưng chúng tôi đang muốn tiếp tục hoàn thiện thêm hệ thống để mang đến trải nghiệm Netflix với nhiều ngôn ngữ địa phương. Chúng tôi đang thực hiện việc này tại các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Indonesia, Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan…
Hiện nay, người dùng Netflix đã có thể dùng dịch vụ của chúng tôi bằng tiếng Việt. Giao diện tiếng Việt với kho nội dung phong phú sẽ mang đến các chương trình thiếu nhi, truyền hình, phim ảnh có gắn phụ đề và lồng tiếng bản ngữ cho người dùng.

Bà Erika North (bìa trái) và bà Nguyễn Phương Anh (áo đỏ) chia sẻ về chiến lược tại thị trường Việt Nam khi Netflix chính thức ra mắt giao diện tiếng Việt

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

* Ngoài việc ‘Việt hóa’ các bộ phim và chương trình, thời gian tới Netflix có định đầu tư sản xuất các phim/series (Netflix original) với các đối tác Viêt Nam như đã từng đầu tư tại một số thị trường châu Á khác như Ấn Độ?
- Bà Erika North: Việt Nam là một thị trường tương đối mới với Netflix và chúng tôi vẫn không ngừng tìm hiểu về thị hiếu người dùng. Do vậy tại thị trường Việt, chúng tôi không ngừng tìm kiếm những câu chuyện, những tác phẩm hay và ý nghĩa. Ví dụ như Hai Phượng, đây là một bộ phim được sản xuất trong nước và đại diện cho nội dung Việt chất lượng trên nền tảng Netflix.
Hiện tại chúng tôi chưa thể công bố cụ thể, nhưng rất hào hứng để tìm kiếm thêm những nội dung hay ở địa phương. Chúng tôi luôn cho rằng “những câu chuyện hay có thể xuất phát từ mọi nơi”.

Bà Erika North chia sẻ Netflix luôn tìm những nội dung hay ở địa phương

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

* Mọi người nghĩ Netflix là công ty xuất phát từ công nghệ nhưng lại là công ty giải trí, vậy công nghệ giúp các sản phẩm của Netflix khác biệt ra sao so với các ứng dụng xem phim trực tuyến khác tại Việt Nam?
- Bà Nguyễn Phương Anh: Đầu tiên cần khẳng định chúng tôi là một công ty giải trí. Chúng tôi tin rằng những trải nghiệm tốt sẽ mang đến những nội dung tuyệt vời. Do đó, chúng tôi mang đến cho người xem những trải nghiệm tốt nhất với sự hỗ trợ của công nghệ.
Chúng tôi đầu tư vào công nghệ để đem đến những câu chuyện hay, những tác phẩm tốt; cho phép người dùng có thể tận hưởng nội dung phong phú với trải nghiệm đồng nhất và tốt nhất có thể.
Điểm đặc trưng của Netflix là luôn đặt trải nghiệm người dùng lên đầu: không quảng cáo, quy trình dừng trả phí không phức tạp, quản lý mã PIN giúp các gia đình có thể đưa ra quyết định nội dung mà trẻ em có thể xem, chức năng tải xuống trên điện thoại… Đồng thời hỗ trợ những tính năng hữu ích như: tải xuống thông minh (smart downloads), xem trực tuyến thích ứng (adaptive streaming).

Bà Nguyễn Phương Anh trình bày về những 'cột mốc' quan trọng của Netflix

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

* Ngoài việc mang trải nghiệm giải trí khác biệt cho khán giả, dường như Netflix còn muốn làm “sứ giả” văn hóa khi từng có chương trình giúp quảng bá du lịch, văn hóa như ở thị trường Thái Lan. Điều này sẽ tiếp tục ra sao ở thị trường Việt Nam?
- Bà Nguyễn Phương Anh: Việt Nam là một thị trường tương đối mới và chúng tôi vẫn đang tìm hiểu về thị hiếu người dùng tại đây để có hướng phát triển tiếp.
Netflix muốn mang những câu chuyện hay tại các quốc gia đến mọi nơi trên thế giới. Một trong những tác dụng của việc lồng ghép những câu chuyện đẹp vào giải trí chính là nhằm tạo nên nhu cầu trải nghiệm điểm đến và nền văn hóa mới cho khán giả toàn cầu.
Netflix được thành lập tại Mỹ vào năm 1997 để cung cấp dịch vụ thuê DVD qua thư điện tử. Năm 2007, công ty bắt đầu dịch vụ phát sóng trực tuyến (streaming). Đến năm 2008, Netflix có những bước đi đầu tiên vươn ra thế giới bằng việc giới thiệu dịch vụ của mình tại Canada. Sau đó dần dần mở rộng dịch vụ tại Mỹ Latin (LATAM) và châu Âu. Năm 2013 là cột mốc khi ra mắt series do Netflix sản xuất Ván bài chính trị (House of Cards). Từ 2016, Netflix có mặt tại 190 quốc gia, bao gồm Việt Nam. Hiện nay, Netflix sở hữu 151 triệu thuê bao trên toàn thế giới và ngày 16.10 chính thức ra mắt giao diện tiếng Việt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.