Nếu ai cũng sợ F0 thì ai là người chống dịch

28/10/2021 15:38 GMT+7

Nếu ai cũng sợ F0 thì ai sẽ là người chống dịch? Đó là lời tâm sự của bác sĩ Lê Quang Mỹ, khi được hỏi về lý do tình nguyện công tác ở Bệnh viện dã chiến thu dung số 11 thuộc P.An Khánh, TP.Thủ Đức (TP.HCM).

Với 3.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 11 vào thời điểm tháng 9.2021, đội ngũ y bác sĩ làm hết việc chứ không hết giờ. Chuyện bữa ăn của tập thể y bác sĩ cũng là một trong những điều trăn trở. Có những lúc xong việc thì đã lỡ bữa. Thậm chí ăn trưa lúc 16 giờ chiều và ăn chiều lúc 22 giờ là thường xuyên.

Cũng trong hoàn cảnh ấy, vượt lên trên tất cả là tình người, sự đoàn kết của cả cộng đồng cùng chung tay đồng hành với đội ngũ y bác sĩ trong công tác điều trị bệnh cho bệnh nhân Covid-19 đã tiếp thêm nhiều động lực.

Tác giả tác nghiệp tại Bệnh viện điều trị bệnh Covid-19 Cần Giờ

MỸ TRANG

Nếu mình không ra trận thì ai sẽ ra trận

Theo bác sĩ Lê Quang Mỹ, trong quá trình làm nhiệm vụ tại đây, bản thân anh đã cảm nhận được tấm lòng của các nhà hảo tâm. Họ không sợ dịch, không sợ có thể bị lây nhiễm khi đưa các chuyến hàng hóa, các suất ăn đến để hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Chỉ vào cây phượng tại khu vực sảnh bệnh viện, bác sĩ Lê Quang Mỹ chia sẻ câu nói vui của tập thể y bác sĩ hay đùa nhau: “Khi nào cây phượng nở hoa thì chúng ta sẽ được về”. Như vậy cũng có nghĩa, mọi người luôn trong tinh thần sẵn sàng chống dịch vì sự an toàn và sức khỏe của người dân ở TP.HCM, dù thời gian có dài đến đâu đi nữa.

Còn chia sẻ về mong muốn của bản thân trong lúc này, bác sĩ Lê Quang Mỹ chỉ mong tất cả các đồng nghiệp luôn được an toàn và bệnh nhân nhanh chóng khỏe mạnh để sớm trở về nhà.

Bác sĩ Lê Quang Mỹ bộc bạch thêm: “Mọi người cứ hỏi một ngày em làm việc mấy tiếng, một tuần làm việc mấy ngày? Ở đây đội ngũ y bác sĩ làm việc không có giờ, anh chị em chỉ cố gắng làm hết việc thôi, nên những bữa ăn không bao giờ đúng giờ giấc hết. Mình là người trẻ, được tiêm vắc xin đầy đủ, có kiến thức. Cộng thêm kinh nghiệm đã từng tình nguyện lần trước thì bản thân nghĩ rằng không ai có thể được trang bị tốt như mình. Nếu mình không ra trận thì ai sẽ ra trận. Nếu ai cũng sợ F0 thì ai là người chống dịch. Mình tin chắc rằng thành phố sẽ chiến thắng dịch bệnh”.

Bác sĩ Lê Quang Mỹ (trái) tình nguyện công tác ở Bệnh viện dã chiến thu dung số 11 thuộc P.An Khánh, TP.Thủ Đức

Chiến thắng dịch bệnh nhờ đồng lòng góp sức

Còn ở Bệnh viện dã chiến thu dung số 12, bác sỹ Lưu Ngọc Đông, Phó giám đốc bệnh viện, nhớ như in ngày đầu nhận nhiệm vụ lên đường chống dịch Covid-19. Vừa hết ca trực tại Bệnh viện Da liễu vào buổi sáng, bác sĩ Lưu Ngọc Đông cùng đồng nghiệp nhận luôn quyết định điều động, trưa là lên đường làm nhiệm vụ: “Chưa kịp về nhà, chưa kịp tắm, tôi mang theo cả một ba lô đồ dơ lên đường luôn”.

Bác sĩ Lưu Ngọc Đông chia sẻ, cảm giác ban đầu thật khó tả khi thực hiện nhiệm vụ tại một khu chung cư, nơi thiết lập bệnh viện dã chiến thu dung đến 1.200 bệnh nhân. Mọi thứ dường như phải bắt đầu lại từ đầu. Song, sau những khó khăn ấy, cùng với sự cố gắng của tập thể, niềm vui vỡ òa khi 160 trường hợp bệnh nhân được xuất viện đợt đầu tiên, sau những ngày điều trị tại bệnh viện. Vui hơn nữa khi có thêm 70 y bác sĩ tình nguyện được điều động tăng cường cho bệnh viện. Vì thế mà công việc điều trị đỡ vất vả hơn.

Bác sĩ Lưu Ngọc Đông bộc bạch, đối với một nhân viên y tế, bên cạnh nhận nhiệm vụ điều động bệnh viện dã chiến thu dung để điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, thì còn là trách nhiệm lớn lao của người làm nghề y đối với với công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Và công tác này luôn có sự đồng hành rất lớn từ các ban ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm. Trong đó, không thể không nhắc đến sự hỗ trợ về nguồn thực phẩm và trang thiết bị y tế.

Bác sĩ Lưu Ngọc Đông (giữa), Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến thu dung số 12 trong 1 lần tiếp nhận nhu yếu phẩm từ các nhà hảo tâm trao tặng

Số bệnh nhân xuất viện ngày một nhiều lên tại bệnh viện chính là tín hiệu đáng mừng, tiếp thêm động lực để vững tin vào công tác phòng chống dịch bệnh của thành phố. Bác sĩ Lưu Ngọc Đông nói thêm: “Với vai trò là nhân viên y tế thì mình phải đồng cảm và thấu hiểu, chia sẻ với bệnh nhân. Một lời nhắn nhủ là mọi người hãy cùng chung tay, góp sức cùng với thành phố. Chính sự chung tay, góp sức thì mới chiến thắng được dịch bệnh”.

Mong sớm đến ngày tháo khẩu trang nhìn rõ mặt nhau

“Thương lắm! Những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện không giống như những bệnh nhân mắc bệnh thông thường khác. Họ không có người thân chăm sóc, không thể tự đi lại, ăn uống hay mua các đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Những điều dưỡng như tụi mình chính là người thân của họ”.

Đó là lời tâm sự của điều dưỡng Nguyễn Lê Thanh Hương tại Bệnh viện điều trị bệnh Covid-19 Cần Giờ. Chị Thanh Hương ở luôn trong bệnh viện hơn 3 tháng, kể từ khi nhận được lệnh điều động. Đó cũng là khoảng thời gian chị Thanh Hương cảm nhận và hiểu rất rõ là ngoài điều trị thì sự đồng hành, sẻ chia, chăm sóc, thăm hỏi… của đội ngũ y bác sĩ, chính là liều thuốc tinh thần hiệu quả nhất dành cho bệnh nhân.

Điều dưỡng Nguyễn Lê Thanh Hương tại Bệnh viện điều trị bệnh Covid-19 Cần Giờ

“Mình vui khi họ bớt nguy kịch, mình mừng khi họ được xuất viện”. Bệnh viện thuộc tầng 3 theo quy định của Bộ Y tế, nơi tiếp nhận bệnh nhân từ vừa đến nặng, thậm chí rất nặng. Đây là áp lực không hề nhỏ cho đội ngũ y bác sĩ đang làm nhiệm vụ khi có đến 600 bệnh nhân đang được điều trị.

Theo chia sẻ của chị Thanh Hương, có lúc lo sợ, có lúc mất ngủ, hoặc những khi không có thời gian để ăn. Rồi lâu ngày không được gặp mặt chồng, con, mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Nhưng, mọi khó khăn cá nhân, chuyện riêng tư đành tạm gác lại vì điều cần hơn cả trong lúc này chính là sức khỏe của bệnh nhân.

Số lượng bệnh nhân được điều trị khỏi đã hơn 3.000 người trong thời gian qua đã tiếp thêm động lực cho chị Thanh Hương và đội ngũ đang làm nhiệm vụ tại đây. Mong muốn lớn nhất của chị Thanh Hương trong lúc này là một ngày gần nhất, thành phố không còn ai bị nhiễm Covid-19 nữa để có thể tháo khẩu trang nhìn rõ mặt nhau.

Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này, số bệnh nhân nhiễm Covid-19 liên tục tăng. Tính đến 6 giờ ngày 8.9, có 266.365 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố. Con số này tạo nên áp lực rất lớn trong công tác điều trị và phòng chống dịch.

Tuy nhiên, với những sự tình nguyện, dấn thân, sự hy sinh thầm lặng của những người như điều dưỡng Nguyễn Lê Thanh Hương, bác sĩ Lê Quang Mỹ, bác sĩ Lưu Ngọc Đông cùng rất nhiều y bác sĩ tình nguyện khác ở tuyến đầu, đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM. Con số hơn 133.000 trường hợp được xuất viện tính đến thời điểm 8.9 cũng đã chứng minh điều đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.