Trước khi tổ chức buổi sinh nhật, nhà trường đã có một cuộc khảo sát nhằm lấy ý kiến của học sinh xoay quanh chủ đề “Cho và nhận”. Trong phiếu khảo sát, có một câu hỏi: “Nếu chỉ còn một ngày để sống, bạn sẽ làm gì?”. Trước câu hỏi này, đa phần học sinh đều cho biết các bạn sẽ trở về bên cha mẹ.
|
Ngô Minh Duy, học sinh lớp 10C1 (quê Bình Thuận) bộc bạch: “Con sẽ nói câu từ trước giờ con chưa nói được: Con xin lỗi bố mẹ. Nếu còn ngày cuối cùng để sống, con sẽ về bên bố mẹ để được ăn món thịt kho trứng, món khổ qua dồn thịt mà mẹ nấu cho con ăn từ lúc nhỏ. Con xin lỗi và mong bố mẹ tha lỗi cho con”. Học sinh Bùi Quốc Tiên (quê Đắk Lắk), nhà có 6 anh em nhưng chỉ mình Tiên còn đi học thì bộc bạch, con muốn trở về bên ba mẹ để nói lời xin lỗi trước những lỗi lầm mà con đã gây ra.
“Các em không nói đến những lỗi lầm cụ thể khiến cha mẹ buồn lòng. Nhưng các em phần nào đã ý thức được việc mình cần làm và nên làm trước lỗi lầm đó”, ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Điều thú vị là trong buổi sinh nhật hôm ấy, nhà trường bất ngờ thực hiện kết nối điện thoại để những học sinh nêu trên có thể bày tỏ những suy nghĩ, trăn trở của mình với cha mẹ. Những cậu học trò mà theo ông Bùi Gia Hiếu là thuộc dạng “quậy phá” lại trào nước mắt khi nói chuyện qua điện thoại với cha mẹ. Phía đầu dây bên kia, ở những tỉnh thành xa xôi, cha mẹ cũng nghẹn ngào theo từng câu nói của con. Câu chuyện giữa họ được phát trên loa, khiến những ai theo dõi đều xúc động.
Theo nhận định của nhiều thầy cô giáo, không ít học sinh các tỉnh đổ về học tại các trường tư thục tại TP.HCM thuộc dạng cá biệt, cha mẹ không trị nổi. Cũng chính vì vậy, việc quản lý dạy dỗ những học sinh này càng khó khăn hơn. Thế nên, một số trường tư thục hiện chăm chút vào việc dạy các em làm người có ích, sống hiếu thảo, thay vì chỉ chú trọng kiến thức và mục tiêu thi đậu tốt nghiệp THPT, CĐ-ĐH như trước.
Trường THCS-THPT tư thục Hồng Hà (Q.Gò Vấp) thường thực hiện các buổi sinh hoạt văn nghệ ngoại khóa vào tối thứ năm hằng tuần. Trong buổi văn nghệ ấy, có khi là một vở kịch tuyên truyền giáo dục giới trẻ sống có ích, chấp hành luật giao thông, giáo dục lòng hiếu thảo. “Nếu một vở kịch hay, nội dung phù hợp, cuốn hút, khi xem xong, các em sẽ tự cảm nhận được và thay đổi. Điều này hiệu quả hơn nhiều so với việc truyền đạt bằng lối thuyết giảng”, bà Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường Hồng Hà nói.
Minh Luân
>> Lệch lạc nhân cách trên thế giới ảo
>> Trò chơi sinh hoạt cộng đồng
>> Chia sẻ yêu thương
>> Lan tỏa lối sống đẹp
>> Giáo dục lối sống cho thanh niên
>> Những căn bệnh lối sống
>> Mối quan hệ giữa tính cách và lối sống
Bình luận (0)