Nếu có những thói quen này, bạn nên bỏ càng sớm càng tốt

15/04/2017 19:08 GMT+7

Thi thoảng bạn có lượm lại đồ ăn đã rơi xuống sàn vì tiếc, hay nặn mụn thường xuyên hoặc ngoáy mũi lúc không có ai...?

Những thói quen vừa nêu tuy không nguy hiểm nhưng không phải là hoàn toàn vô hại, theo Men's Health.
Ăn đồ đã rơi xuống sàn
Vì tiếc món khoái khẩu, đôi khi bạn nhanh tay lượm lại đồ đã rớt xuống sàn, quay nó vòng vòng "để làm phép... diệt vi khuẩn" rồi bỏ lại vào miệng. Thật ra, dù bạn ra tay nhanh đến mức nào thì thức ăn rớt xuống sàn cũng đã bị dính vi khuẩn mất rồi. Loài vi khuẩn như Salmonella có thể sống sót trên bề mặt khô ráo như sàn nhà đến cả 4 tuần, theo tiến sĩ Paul Dawson - nhà nghiên cứu về an toàn thực phẩm của Đại học Clemson (Mỹ). Vi khuẩn sẽ dễ dàng bám vào thức ăn của bạn ngay lập tức, đặc biệt là loại thực phẩm có bề mặt ướt.
"Tu" sữa trực tiếp qua miệng hộp
Đôi khi có những người rất khoái cầm nguyên hộp sữa lớn và "tu" một hơi hết cả nửa bình. Nhưng làm vậy thì vi khuẩn từ miệng "nhảy" vào hộp sữa, khiến nó nhanh hỏng hơn, và các thành viên khác trong gia đình khi dùng sữa trong chính hộp đó có thể thấy không ổn trong người, theo tiến sĩ Dawson.
Nên rót sữa ra ly để uống, tránh truyền vi khuẩn từ miệng vào cả hộp sữa lớn Ảnh minh họa: Shutterstock
Nặn mụn
"Khi bạn đưa tay lên nặn mụn thì coi như đã vô tình truyền thêm vi khuẩn", Phó giáo sư - bác sĩ chuyên khoa da liễu Mona Gohara tại Đại học Yale (Mỹ) cho biết. Phó giáo sư Mona nói rằng những mầm bệnh đó sẽ khiến mặt bạn mọc thêm nhiều mụn hơn, bởi thông qua việc bóp nặn, bạn đã truyền vi khuẩn vào những vết tổn thương trên da mặt.
Nhiều người sẽ bảo rằng vậy thì chỉ cần rửa tay sạch sẽ trước khi nặn mụn là được thôi. Tuy nhiên, nặn mụn bằng tay dù sạch đến mấy cũng có thể gây kích ứng da và gây sẹo, theo chuyên gia trên. Tốt nhất là hãy đợi mụn trứng cá tự khỏi và nhờ bác sĩ da liễu tư vấn dùng loại thuốc phù hợp để làm mờ vết thâm hoặc sẹo mà mụn để lại.
Cắn móng tay
Một số người có thói quen cắn móng tay trong lúc suy nghĩ hoặc bối rối, nhưng đây là thói quen nên bỏ càng sớm càng tốt. Vi khuẩn E.coli được tìm thấy ở 75% số người có thói quen cắn móng tay, trong khi con số đó chỉ là 26% ở những người không có thói quen này, theo thống kê của một cuộc nghiên cứu tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Không chỉ có thế, khi bạn cắn luôn da xung quanh móng tay, vi khuẩn từ miệng có thể xâm nhập vào vết hở và gây nhiễm trùng dẫn đến viêm đau, mưng mủ đầu ngón tay.
"Quên" rửa tay sau khi đi toilet
Đây là thói quen rất phổ biến ở phái mạnh. Phớt lờ việc rửa tay với xà phòng sau khi đi toilet xong sẽ tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn. Bởi số vi khuẩn trên đầu ngón tay của bạn tăng gấp đôi sau khi đi vệ sinh, theo số liệu của Cơ quan y tế Anh quốc.
Thói quen không rửa tay này sẽ khiến vi khuẩn lây lan ở tay nắm cửa, điện thoại, bàn làm việc...
Nên rửa tay sạch với xà phòng sau khi đi toilet Ảnh minh họa: Shutterstock
Ngoáy mũi
Tương tự thói quen cắn móng tay, ngoáy mũi cũng là cách để truyền vi khuẩn từ ngón tay vào người. Theo một khảo sát nhỏ của Hà Lan, 54% số người có tật ngoáy mũi có chứa vi khuẩn Staphylococcus (gây bệnh nhiễm trùng), trong khi con số đó chỉ là 35% ở những người không có thói quen này.
"Ngoáy ngón tay vào mũi có thể gây ra những vết xước nhỏ. Bất kỳ tổn thương nào gây ra cho cơ chế tự vệ của cơ thể cũng đều có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm", theo D.J. Verrett, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng ở Texas (Mỹ) chia sẻ. Không những vậy, việc ngoáy mũi quá mạnh cũng có thể gây chảy máu cam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.