Nếu đủ sức thuyết phục, Tiếng Việt viết thành Tiếq Việt cũng có sao?

25/11/2017 19:06 GMT+7

Theo tiến sĩ kinh tế Lương Hoài Nam, chuyện xuất hiện đề xuất cải tiến chữ viết như vậy là rất bình thường và đáng khích lệ.

Đề xuất  cải tiến chữ viết tiếng Việt những ngày gần đây của PGS.TS Bùi Hiền đang phải hứng chịu một làn sóng chỉ trích, thậm chí chửi rủa thậm tệ. Tuy nhiên, với những người quen với những đề xuất đổi mới, chuyện này là rất bình thường.

Theo ông Lương Hoài Nam, chuyện xuất hiện đề xuất như vậy là rất bình thường và đáng khích lệ.

Chữ viết tiếng Việt trên tờ Gia Định Báo và Nông Cổ Mín Đàm   (ảnh T.L)

Không ngôn ngữ nào bất biến

Thưa ông, những ngày vừa qua, đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt đã gây ra một làn sóng chỉ trích hết sức nặng nề. Ông thấy những chỉ trích như vậy có đúng không?

Đầu tiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng đó là một nỗ lực nghiên cứu và mạnh dạn trong việc đề xuất cải tiến. Từ đó, nên tránh việc xử sự thái quá với việc làm này. Chúng ta hay nói về “tự do học thuật”, đòi hỏi “tự do học thuật”, thì nên cởi mở với các sáng kiến.

Tiếng Việt có âm và chữ viết. Đề xuất này chỉ về cải tiến chữ viết chứ không phải cải tiến cả âm tiếng Việt. Ngôn ngữ của nước ta đã đi qua rất nhiều thời kỳ, âm cũng có thay đổi với tính chất “tiến hóa”, nhưng chữ viết thì đã có sự thay đổi lớn và không loại trừ khả năng cải tiến, thay đổi trong tương lai.

Ban đầu, khi tổ tiên chúng ta chưa phát minh ra được chữ viết thì “nhập khẩu” chữ Hán. Trong quá trình sử dụng chữ Hán, tổ tiên ta đã phát triển chữ Hán Nôm. Đến thời kỳ Âu hóa, ở nước ta xuất hiện chữ quốc ngữ do Alexandre de Rhodes phát minh. Chữ Hán Nôm đã được đổi hoàn toàn sang chữ Latinh để giúp cho việc học ngôn ngữ dễ hơn.

Trong quá trình sử dụng chữ quốc ngữ, chữ viết tiếng Việt cũng không hoàn toàn bất biến. Chữ viết hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với thời Alexandre de Rhodes. Cách viết qua các thời kỳ cũng khác nhau. Ví dụ, ở miền Nam trước đây dùng gạch nối “-“ đối với các doanh từ kép, động từ kép (ví dụ “chính-phủ” thay vì “chính phủ”). Viết như vậy phải thêm một nét nhưng tạo sự chặt chẽ để tránh ghép nhầm từ. Các văn bản nhà nước ở thời điểm năm 1945 cũng dùng dấu gạch “-“ với các từ kép. Như vậy để thấy chữ viết không bất biến.

Trong ngôn ngữ các nước thì sao, thưa ông?

Tôi học ở Nga 30 năm trước, thỉnh thoảng quay lại thì thấy tiếng Nga bây giờ có khá nhiều từ mới so với thời tôi ở đó. Chữ viết Nga hiện đại cũng đã thay đổi nhiều so với chữ Nga cổ. Tiếng Anh cũng vậy. “you” bây giờ thì ngày xưa là “thou”, là “thee”. Bây giờ là “your”, “yours” thì ngày xưa là “thy”, “thine”. Thơ Byron sử dụng những từ Anh cổ như thế.

Các ngôn ngữ châu Á cũng có nhiều thay đổi. Người Hán phát minh ra chữ Hán, nhưng họ đã đổi từ chữ phồn thể sang chữ giản thể cho đơn giản, ít nét, dễ viết, dễ dùng hơn. Người Nhật, người Hàn đầu tiên dùng chữ Hán, nhưng sau đó đã phát triển các hệ chữ tượng thanh của họ bên cạnh chữ tượng hình “mượn” của người Hán. Năm 1873, ông Mori Arinori người Nhật còn nêu “đề xuất sốc”: đổi hẳn tiếng Nhật sang tiếng Anh cho dễ phát triển. Không lâu sau đó, ông này trở thành Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của chính quyền duy tân Minh Trị. Nói như thế để thấy mức độ cở mở của người Nhật trước những đề xuất cấp tiến.

Ngôn ngữ là một công cụ, dùng cho việc giao tiếp, truyền thông… Mọi công cụ trong cuộc sống, kể cả công cụ ngôn ngữ, đều được phát minh ra và hoàn thiện, cải tiến, không bao giờ bất biến. Không phải mọi cải tiến đều phá hỏng sự trong sáng của tiếng Việt. Chúng ta cần những cải tiến làm cho tiếng Việt đã khoa học còn khoa học hơn nữa, đã trong sáng còn trong sáng hơn nữa. Chúng ta không muốn ngôn ngữ Việt bị “đóng băng” hàng trăm năm.

Có thể xem xét thay chữ “ph” sang “f”

Vậy ông ủng hộ đề xuất này?

Tôi ủng hộ tất cả những đề xuất được đưa ra để các cơ quan nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng. Nếu nhìn vấn đề mà thiếu thiện chí lắng nghe, chỉ trích chỉ vì khác với thói quen của mình là không tốt. Một xã hội dị ứng với đề xuất  sáng kiến thì rất khó phát triển. “Tự do học thuật” trước hết phải đề cao quyền nghiên cứu và đề xuất của mỗi cá nhân. “Xã hội tự do học thuật” là xã hội mà các thành viên cởi mở với các sáng kiến. Trong một nghìn, một triệu sáng kiến, thường chỉ có một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ đi được vào cuộc sống. Nhưng nếu không có một nghìn, một triệu sáng kiến thì xã hội sẽ chẳng có được những cái mới để phát triển. Bao nhiêu phần trăm mà nhân với số 0 thì vẫn là số 0. Càng nhiều sáng kiến, càng nhiều cơ hội phát triển.

Việc chuyển thể chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền sẽ khiến chúng ta thấy xa lạ với thói quen chúng ta viết hàng ngày. Nhưng hãy nhìn đề xuất này như một tập hợp của nhiều đề xuất nhỏ. Trong các đề xuất nhỏ đó, có ý nào hợp lý, dễ áp dung thì áp dụng. Trong 100 đề xuất nhỏ mà áp dụng được một vài đề xuất cũng đã là tốt. Chẳng hạn, tôi thấy thay chữ “ph” sang “f” có thể xem xét được, có thể thay đổi được nếu có sự đồng thuận. Có những đề xuất khác phức tạp hơn, trong thời điểm hiện tại khó chấp nhận được thì cứ để đấy. Có thể trong tương lai, con cháu chúng ta thấy hợp lý để thay đổi thì sao? Nếu hợp lý với con cháu ta, Tiếng Việt viết thành Tiếq Việt thì cũng có sao?

Không cần lo lắng như một số người rằng phải đi học lại lớp 1 khi thay đổi cả. Chắc chắn sẽ không có sự thay đổi ngay lập tức và hoàn toàn. Nhưng trong nhiều đề xuất đưa ra, một vài đề xuất nhận được đồng thuận để ứng dụng cũng đã là thành công. Tất cả đề xuất PGS.TS Bùi Hiền là một cuộc cách mạng thay đổi chữ viết (như cách mạng thay thế chữ Latin bằng chữ Hán Nôm vậy). Điều đó có lẽ rất khó thành hiện thực. Nhưng thay đổi theo hướng cải tiến một phần chữ viết thì có thể được. Có những đề xuất của TS Bùi Hiền không có giá trị ngôn ngữ học, nhưng có thể ứng dụng được trong lĩnh vực tin học, lĩnh vực mật mã...

Mở “đầu” trước các sáng kiến thay vì giới hạn trong "hộp tư duy"

Ông có ngạc nhiên khi đề xuất này bị chỉ trích, “ném đá” dữ dội như vậy không?

Tôi không ngạc nhiên. Chính tôi và một số người cũng từng bị chỉ trích như vậy khi đưa ra một đề xuất khác với thói quen, suy nghĩ của số đông. Đây có thể là hậu quả của một nền giáo dục thiếu tự do học thuật, thiếu phản biện, chỉ học theo sách giáo khoa và ý của thầy cô. Ở nhiều nước, học sinh được khuyến khích phản biện, tranh luận với nhau và với thầy cô. Học sinh cũng được giáo dục, trang bị các kỹ năng để tranh luận có văn hóa và chung sống với sự khác biệt quan điểm. Văn hóa tranh luận trong xã hội ta vẫn còn kém.

Cần khuyến khích đề xuất và khuyến khích xã hội tranh luận, phản biện trên tinh thần cầu thị và có văn hóa. Chúng ta đang có một cách hiểu rằng mọi đề xuất đều có thể đi vào cuộc sống, từ đó, sợ hãi trước đề xuất của ai đó đưa ra và phản ứng tiêu cực, kể cả xúc phạm cá nhân.

Sự thay đổi là cần thiết. Điện thoại thông minh và các phần mềm chúng ta sử dụng cũng phải thay đổi, nâng cấp liên tục mới có thể tồn tại. Nokia, Motorola, Yahoo… tụt hậu rồi biến mất chỉ vì chậm thay đổi so với các đối thủ cạnh tranh.

Chúng ta nên mở “đầu” trước các sáng kiến được đưa ra trong xã hội thay vì tự giới hạn mình trong một cái «hộp tư duy».

Phạm Hiệp, nghiên cứu sinh  ĐH Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan)  (ảnh Phan Đăng)
THỬ VÀ SAI MỘT CÁCH CÓ PHƯƠNG PHÁP

Trong khoa học, có 2 nguyên tắc quan trọng mà người nghiên cứu cần thực hiện: (1)  làm nghiên cứu có phương pháp; tức là trước khi làm anh phải đề ra quy trình, các bước kiểm soát, đối tượng thực hiện, các điều kiện kèm theo, các kỹ thuật sẽ sử dụng ... trong quá trình anh nghiên cứu; (2)  Phải làm thử; nếu sai quay lại (1) điều chỉnh để tiếp tục làm tiếp.

Nhờ 2 nguyên tắc này, các nhà khoa học trong hơn 10 thế kỷ qua đã dần dần dẫn dắt loài người thoát khỏi thế giới vô minh, mu muội, từ những thứ tưởng như rất đơn giản trong thời đại ngày nay như trái đất thì quay quanh mặt trời, cho đến 2 cục đá nặng nhẹ khác nhau thì vẫn rơi cùng vận tốc cho đến những phát kiến, cơ chế hoạt động có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống ngày nay như thuốc kháng sinh, vắc xin, siêu dẫn, kinh tế chia sẻ, tài chính micro ... 

Soi chiếu 2 nguyên tắc trên thì việc PGS Hiền đưa ra đề xuất về một bộ chữ giản lược cho tiếng Việt đều đáp ứng cả 2: PGS Hiền đề ra nguyên tắc của bộ chữ mới (phương pháp) và kiểm tra thử với một vài văn bản. Việc thử này đúng/sai thế nào chưa thể đánh giá ngay được. PGS Hiền có lẽ cũng chưa biết hết nên mới viết thử và trình bày ở hội nghị khoa học. Đó là một hành động chuẩn mực và bình thường của thế giới nghiên cứu.

Rất tiếc, sau khi thông tin được đưa ra, nhiều người chửi bới, thoá mạ PGS Hiền vô lối như thể ông vừa gây tội ác gì ghê gớm trong khi không chỉ ra được tính bất hợp lý trong phương pháp; sự thiếu hiệu quả so với những mục tiêu mà PGS Hiền đã đề ra ....

Kể cả đề xuất của PGS Hiền có là "sai" thì ông cũng không đáng bị hạ nhục đến vậy; bởi vì cái "sai" của ông là kết quả của một quá trình thực hiện có phương pháp. Sai và chấp nhận được sai là quyền của PGS Hiền với tư cách là một nhà khoa học nói riêng và một con người nói chung.

Nhà thơ Thục Linh (ảnh NVCC)
THẨM QUYỀN TRÍ THỨC ĐÃ ĐI SAU SỰ XUNG ĐỘNG CỦA ĐÁM ĐÔNG
Câu chuyện về cải cách chính tả tiếng Việt lại dấy lên một trường loạn đả. Điều hay nhất, có vẻ là, ít người tham gia vào đó biết, câu chuyện cải cách chính tả này không phải là lần đầu tiên xuất hiện, và có lẽ cũng không phải là lần cuối cùng. Các cải cách đã và đang diễn ra, đáng ngạc nhiên hơn, là chúng ta đang sống cùng, sử dụng những cải cách ấy.
Từ những năm 20 của thế kỷ 20, vì nhu cầu ấn loát và phổ cập quốc ngữ, “người man di hiện đại” Nguyễn Văn Vĩnh đã đề xuất nhiều cải cách trong chính tả và ký âm. Nhà trí thức lớn này đề nghị như ngoài Bắc nên theo trong Nam mấy tiếng “gi thành tr, d thành nh, nh thành l… để dùng cho đều trong văn tự, ba miền cùng dễ hiểu cả”. Ông đã liệt kê ra một số từ Gi đổi ra tr: trai gái – giai, trăng gió – giăng; s đổi ra tr: sống-trống mái; d đổi ra nh: nhơ bẩn – dơ; nh đổi ra l: lạt - nhạt, lầm (lẫn) – nhầm… và đặc biệt, ông đề nghị quy ước mới, thay vì phải bỏ dấu, người viết sẽ dùng các quy ước như dấu “á” là hai chữ viết liên tiếp aa=â, chữ W thay dấu “ớ” aw=ă, các thanh sẽ là chữ quy ước đặt cuối từ như f=huyền, s=sắc, j=nặng… Tất nhiên, đề xuất của ông không được ủng hộ, thậm chí nhận chê bai từ các đồng nghiệp.
Trường hợp khác là Nguiễn Ngu Í, người thường ghi trong danh thiếp: “nhà văn, nhà jáo, nhà báo kông chuiên ngiệb”. Ông là một trường hợp yêu tiếng mẹ đẻ đến tận cùng dù là một người rất giỏi tiếng Pháp. Những năm 50 ở Sài Gòn, ông đã xiển dương cách viết dùng F thay Ph, dùng J thay Gi, dùng I thay Y, dùng B thay P, dùng Q thay Qu, dùng Ng thay Ngh, dùng G thay Gh… như viết Ge chứ không viết Ghe, Ngỉ chứ không viết Nghỉ. Ông còn có tập thơ Qê Hương được đánh giá cao ở tính độc đáo và phóng túng.
Gần đây nhất là phong trào Chữ Việt nhanh, tốc ký của anh Trần Tư Bình, có cả bộ gõ riêng biệt và các cuộc thi trên các diễn đàn lớn. Ở cải cách này vẫn thừa hưởng một số ý chính từ những cải cách trước như thay Y=I, thay Uy=Y; bỏ bớt dấu sắc ở vần ngược (nup=núp), thay phụ âm đầu Ph=F, C=K, K=Kh, Z=D, D=Đ…; phụ âm cuối thay Ch=K, Nh=H, Ng=G. Rút các nguyên âm ghép như Ơ=UƠ, Ư=ƯƠ, U=UÔ, Y=UYÊ; thay chữ cuối vần bằng một chữ khác: D=T, F=Ph, S=C, J=I,Y… Nếu viết theo cách này, 2 câu thơ của Vũ Đình Liên sẽ là “Jấy dỏ bùl kôg thấm/ Mực dọg trog ngil sầu (Giấy đỏ buồn không thắm/Mực đọng trong nghiên sầu)”. Cách viết nhanh này vẫn đang được xiển dương, bộ gõ này cho phép hiển thị theo đúng chính tả hiện nay ngay khi gõ theo cách tốc ký quy ước nêu trên. Nhưng với các bạn trẻ, đa phần cách viết này đã được chuyển hóa thành thứ chính tả “teen code” mà khi sử dụng có thể làm “rối não” các nhà mô phạm.
Nêu một vài trường hợp để thấy, như ở đề xuất cá nhân của PGS Bùi Hiền, thẩm quyền tri thức đã đi sau sự xung động của đám đông. Đáng lý ra, chính các nhà ngôn ngữ học mới là người có thể chỉ ra các hạn chế, bất khả thi cũng như không chính xác về ngữ âm, chính tả âm tiết hay chính tả âm vị… của đề xuất ấy. Một “đống đá” ném ra không thu lại được gì về mặt tri thức...



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.