Nếu hiệu quả hãy xây dựng

25/08/2022 04:21 GMT+7

Có rất nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh đề xuất xây dựng siêu dự án lọc hóa dầu 18 tỉ USD mà Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vừa đề xuất với Chính phủ.

Đơn vị đề xuất thì lo bù đắp thiếu hụt xăng dầu trong nước, người thì hỏi vốn đâu, nguồn dầu thô ra sao, giải quyết vấn đề môi trường thế nào, khuyến cáo rút kinh nghiệm từ các nhà máy lọc dầu trước trong việc ký kết hợp tác...

Những lo ngại này đều đúng, đều cần thiết nhưng với người dân, doanh nghiệp thì câu hỏi quan trọng nhất là liệu có thêm “siêu” nhà máy lọc dầu thì họ có được sử dụng xăng dầu với giá rẻ hơn giá nhập khẩu hay không. Câu hỏi này đã được đặt ra nhiều lần, từ khi Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất đi vào hoạt động, rồi đến NMLD Nghi Sơn...

Chúng ta đều biết VN có dầu thô. Khi trước, chưa có NMLD, chúng ta xuất khẩu dầu thô rồi nhập xăng dầu thành phẩm về sử dụng nên đương nhiên phải theo giá thế giới. Thế nên khi xây dựng NMLD, ai cũng khấp khởi hy vọng đến một ngày sẽ được mua xăng dầu trong nước tự lọc với giá rẻ hơn. Nhưng điều này đã không xảy ra. Ngay cả khi xăng dầu trong nước hiện đã chiếm hơn 70% thị phần thì cứ 10 ngày một lần, chúng ta lại “nhòm” giá xăng dầu thế giới để điều chỉnh tăng hay giảm. Cũng vì sự phụ thuộc và điều hành giá theo cách này mà kéo theo không biết bao nhiêu hệ lụy. Nào là cây xăng găm hàng ngưng bán khi giá sắp tăng; nào là người dân xếp hàng mua xăng dầu. Đặc biệt, trong cơn bão giá nhiên liệu kéo dài cả năm nay thì câu hỏi về việc chúng ta có dầu thô, lọc được dầu, kiểm soát được 70% thị phần mà giá xăng vẫn cao kỷ lục càng trở nên bức xúc.

Là mặt hàng thiết yếu đầu vào, xăng dầu tăng như vũ bão đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, chi phí hoạt động của các doanh nghiệp và chỉ số lạm phát của nền kinh tế. Đó là chưa kể trong suốt nhiều năm qua, các NMLD dù bán xăng dầu theo giá thị trường nhưng cứ gặp khó lại cầu cứu hoặc gây áp lực để được hỗ trợ. Đơn cử năm 2021 do dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, tồn kho ở Dung Quất, Nghi Sơn tăng cao, PVN đã kiến nghị dừng nhập khẩu xăng dầu, chỉ sử dụng nguồn cung trong nước để cứu các nhà máy này. Hay từ cuối năm ngoái “ông lớn” Nghi Sơn cắt giảm công suất vì “thiếu tài chính nhập dầu thô để lọc” khiến thị trường náo loạn với nỗi lo thiếu hụt nguồn cung... Nhìn lại thực trạng này bất cứ ai cũng đặt câu hỏi, người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế có lợi gì khi đầu tư hàng chục tỉ USD cho các NMLD?

Đó cũng chính là câu hỏi cho “siêu” NMLD 18 tỉ USD mà PVN vừa đề xuất. Nếu hiệu quả hãy xây dựng. Còn nếu nhập khẩu rẻ hơn, tại sao không? Trong một thế giới phẳng, chúng ta không nhất thiết phải vừa khai thác dầu thô, vừa lọc dầu, vừa phân phối. Trên thế giới cũng không ít nước đã ngưng đầu tư vào NMLD với vốn đầu tư quá lớn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Cũng nhiều nước có dầu thô nhưng vẫn nhập khẩu về lọc thay vì khai thác. Chứ cứ xây NMLD rồi để lỗ, để giá xăng dầu vẫn cao, nguồn cung vẫn bị đe dọa... như vừa rồi thì cần tính toán cụ thể, so sánh bài toán kinh tế giữa việc nhập dầu về lọc có lợi hay đầu tư khai thác có lợi… để quyết cho chính xác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.