Học ngữ văn theo cách mới tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) |
BÍCH THANH |
Học để làm gì? : Chủ đề thường xuất hiện trong đề thi ngữ văn
Năm 1996, dựa trên Báo cáo của Hội đồng Delors, Ủy ban Quốc tế về giáo dục của Cơ quan Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thuộc Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã đề xuất 4 trụ cột của giáo dục trên toàn thế giới trong thế kỷ 21, đó là “Học để có kiến thức, học để làm việc, học để biết chung sống với nhau và học để làm người”. Đây được coi là triết lý giáo dục tương đối cô đọng, phù hợp với nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới.
Từ những mục tiêu học tập theo UNESCO đề xướng nói trên, 4 trụ cột của giáo dục đã được “cả nhân loại công nhận” đã trở thành nguyên liệu, dẫn chứng trong các đề thi, đề kiểm tra môn ngữ văn.
Chỉ cần thực hiện thao tác tìm kiếm mục tiêu học tập của UNESCO ngay lập tức Google cho ra hàng triệu lượt kết quả trong đó có hàng trăm đề thi, đề kiểm tra, bài văn mẫu nghị luận xã hội về trích dẫn nêu trên.
Với những nội dung tương tự, những bài văn mẫu, dàn bài gợi ý nghị luận xã hội hầu hết đều phân tích trình tự các mục đích và bày tỏ quan điểm của việc học: “Học để biết” là yêu cầu tiếp thu kiến thức; “học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” là yêu cầu thực hành, vận dụng kiến thức, từng bước hoàn thiện nhân cách của người học. Đó là những tư tưởng đúng đắn, mới mẻ và tiến bộ về việc học của con người trong thời đại ngày nay…
Học sinh tham gia cuộc thi "Lớn lên cùng sách" để khơi gợi cảm xúc văn chương |
BÍCH THANH |
Nêu ý kiến khác biệt, có được chấm điểm?
Thế nhưng khi bàn về sự học, GS-TSKH Hoàng Văn Kiếm, hiện là Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng 2 mục tiêu đầu trong các mục tiêu học tập UNESCO cần phải nâng cao. Theo GS Kiếm, thế giới ngày càng biến động phức tạp, thay đổi rất nhiều và rất nhanh… Để tồn tại và phát triển, con người cũng cần phải biết nhanh những điều cần biết, không chỉ biết những điều được dạy và phải nhanh chóng làm được những việc cần phải làm mà chưa được dạy… Vì vậy, 2 mục tiêu đầu cần phải nâng cao: "Học để biết" thành "Học cách biết"; "Học để làm" thành "Học cách làm".
Từ đây, đặt ra trường hợp nếu trong một bài làm nghị luận xã hội của học sinh bàn về vấn đề này mà có lập luận hay có ý kiến khác với suy nghĩ thông thường, của số đông thì giáo viên chấp nhận không?
Thạc sĩ Phan Thế Hoài, Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình tân, TP.HCM), chia sẻ: “Theo tôi, 'học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình' đã bao hàm việc học-học cách biết, học cách làm, học để phát triển bản thân, nên không cần thay đổi. Giả sử tôi ra đề nghị luận về câu nói trên, nếu có học sinh làm khác quan điểm thì tôi sẽ cân nhắc cho điểm, kể cả cho điểm cao”.
Thạc sĩ Hoài phân tích tiếp: "Học sinh có thể mở rộng, ngoài việc 'học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình' thì có thể nêu ý kiến: Học để tìm kiếm hạnh phúc, niềm vui, giải trí, kiếm tiền, để hoàn thiện mình, để phát triển được hết năng lực của mình…".
Dĩ nhiên, theo thầy Hoài, học sinh phải chứng minh thuyết phục, chẳng hạn cần phải nêu được ý học để phát triển được hết năng lực của mỗi cá nhân, giúp làm chủ và tìm được ý nghĩa của đời sống mình. Từ đó, mỗi cá nhân có thể cống hiến một phần công sức cho xã hội. “Tôi sẽ không chấm điểm những quan điểm trái pháp luật, trái đạo đức và thuần phong mỹ tục…”, thầy Hoài lưu ý.
Khác biệt không phải là “cãi chày cãi cối” hoặc sáo rỗng
"Tôi lấy ví dụ, đáp án về nhân vật người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu) thường được mặc định là một phụ nữ nhẫn nhục, cam chịu, giàu đức hy sinh… dù bị chồng đánh “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Thế nhưng vẫn có học sinh cho rằng chị ta có phần nhu nhược và chưa biết cách hóa giải hành động của người chồng vũ phu. Nếu chị ta biết khuyên nhủ chồng, lôi kéo con cái, họ hàng, bà con lối xóm vào để nói chuyện với chồng thì ít ra anh ta cũng sẽ có sự thay đổi nhất định. Với quan điểm “người đàn bà nhu nhược”, tôi sẽ cho điểm cộng-đó là điểm sáng tạo.
Tôi sẽ không chấm điểm đối với những quan điểm trái pháp luật, trái đạo đức và thuần phong mỹ tục… hay viết bài theo kiểu “cãi chày cãi cối” một cách vô lối. Riêng việc học sinh viết mới lạ thì cũng tùy thuộc vào quan điểm của từng giám khảo, nhưng theo tôi, giáo viên phải lượng hóa được thế nào là mới. Chẳng hạn, tôi sẽ không chấm những câu văn như thế này là sáng tạo vì viết sáo rỗng: “Văn chương chân chính không phải là kiếp ve sầu ngắn ngủi sau một mùa hạ, cũng chẳng giống những đóa hoa chóng tàn mỗi độ thu sang, mà đó là những nấc thang nâng tầm giá trị nhân sinh, nghệ thuật trong tâm hồn con người qua dòng chảy của lịch sử…”.
Thạc sĩ Phan Thế Hoài
Bên cạnh đó, thầy Hoài chia sẻ: "Tôi từng chấm nhiều bài kiểm tra, bài thi thì nhận thấy học sinh vẫn có những quan điểm khác, quan điểm trái chiều, mới lạ so với quan điểm truyền thống nhưng số lượng không nhiều. Phải thừa nhận rằng, bài viết có quan điểm khác, quan điểm trái chiều thường rơi vào những học sinh khá, giỏi và có khả năng phản biện sắc sảo. Nghĩa là, bài viết phân tích, đánh giá, bàn luận về một nội dung nào đó vượt ra khỏi phạm vi của một đáp án thông thường".
Còn thạc sĩ Trần Nguyễn Tuấn Huy, Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM), thì khẳng định hoàn toàn cởi mở, tôn trọng về cách làm bài sáng tạo của học sinh.
Theo thầy Huy, một học sinh có thể trình bày suy nghĩ của bản thân nhưng không phải là sự lựa chọn đại khái, bừa bãi. Học sinh cần biết cách lập luận, giải thích với lý lẽ, dẫn chứng hợp lý. Bài viết thể hiện quan điểm hiện đại nhưng đúng đắn, có những hành động/bài học phù hợp thực tế hiện nay. Tuy nhiên, tùy vào sự sáng tạo, quan điểm cá nhân của học sinh mà giáo viên xem xét tính hợp lý, đúng về đạo đức, tư tưởng chính trị, văn hóa, giáo dục, pháp luật của nhà nước hiện hành.
Bình luận (0)