Thanh Niên đã trò chuyện với dịch giả Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty sách Chibooks, về thực trạng của ngành xuất bản sách trong khoảng thời gian dịch bệnh bùng phát.
Theo đánh giá của bà, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến ngành xuất bản sách tại Việt Nam như thế nào?
- Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Với những số liệu thống kê mà tôi có, trung bình mỗi đơn vị xuất bản sụt giảm ít nhất 40 - 60% doanh thu trong năm 2020 và sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh hơn thế, hoặc thậm chí có đơn vị doanh thu bằng 0 trong năm 2021, chưa kể số lượng nhân sự của ngành cũng sụt giảm nhiều do doanh nghiệp khó khăn về kinh tế.
|
Đã có không ít đơn vị xuất bản như Saigonbooks, Kim Đồng, Alphabooks… có nhân sự là F0, sức khỏe sụt giảm, thậm chí có nhân sự còn rất trẻ tại Chi nhánh NXB Kim Đồng đã qua đời, để lại vợ dại con thơ. Đây là một tổn thất to lớn của ngành xuất bản bởi lực lượng nhân sự vốn đã mỏng, phải mất nhiều thời gian và công sức đào tạo.
Từ đợt dịch thứ 4 bùng phát tới nay tại TP.HCM và tiếp đó là nhiều tỉnh, thành, hệ thống nhà sách ở nhiều địa phương đó tiếp tục phải đóng cửa, sách giấy không thể tiêu thụ nổi. Sách đặt online cũng không có cơ hội được đến tay bạn đọc bởi những chỉ thị hết sức nghiêm ngặt, sách không được liệt vào hàng thiết yếu để được lưu thông.
Tình hình kinh tế khó khăn như vậy nên dù rất đau xót, nhưng chúng tôi buộc phải đóng cửa hiệu sách mới mở chưa lâu và đang được độc giải đón nhận tại Hà Nội. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều đơn vị làm sách.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, sách được công nhận là hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch. Bà có cho rằng, chúng ta cũng nên sớm có sự nhìn nhận như vậy với sách?
Theo ý kiến của tôi cũng như nhiều đại diện đơn vị làm sách thì nhà nước nên cho phép sách được xét vào diện hàng thiết yếu, được phép lưu thông trong mùa dịch.
Nếu coi thực phẩm là hàng hóa thiết yếu nuôi sống thể xác thì sách chính là hàng hóa thiết yếu nuôi sống tinh thần con người. Tinh thần phải vui vẻ và thể xác phải khỏe mạnh thì con người mới có thể vững vàng vượt qua đại dịch.
|
Chẳng hạn, ở nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, trong thời gian đại dịch, sách là loại hàng hóa được tiêu thụ rất mạnh. Sách được coi là phương tiện giải trí giúp người dân đỡ buồn và tăng thêm tinh thần trong nhiều tháng bắt buộc phải ở nhà chống dịch.
Còn ở Việt Nam, trong khoảng thời gian “án binh bất động” ở nhiều thành phố, học sinh phải ở nhà, ngày khai giảng năm học mới đã cận kề mà sách giáo khoa cùng các sách tham khảo vẫn phải lưu kho. Sau những nỗ lực “kêu cứu” của các đơn vị làm sách và Hội Xuất bản Việt Nam, sách giáo khoa được trình công văn xin phép lưu thông trong mùa dịch, nhằm giúp học sinh có sách kịp khai giảng online, cùng với đó là những cuốn sách về sức khỏe mới có thể đến tay người đọc.
Bà cho rằng cần có giải pháp “giải cứu” sách sau mùa dịch?
Đúng vậy. Các nhà làm sách hiện đang đau đầu nghĩ cách. Bởi, chắc chắn một điều rằng nếu không được “giải cứu”, nhiều đơn vị làm sách sẽ chết thực sự sau gần 2 năm chết lâm sàng vì đại dịch.
Tôi lấy ví dụ như Trung Quốc đã đưa ra giải pháp hỗ trợ cho ngành xuất bản sách của họ. Chẳng hạn, họ áp dụng các thẻ tặng mua sách đối với nhiều đơn vị nhà nước như một dạng phúc lợi cho nhân viên, nhưng đồng thời là một cách “giải cứu” sách hiệu quả.
Theo đó, nhân viên của các đơn vị này có thể cầm thẻ mua bất kỳ đầu sách nào tại một số hệ thống cửa hàng sách áp dụng cho đến hết số tiền được tặng. Nếu không mua hết số tiền trong thẻ theo thời gian quy định, người sử dụng thẻ cũng không thể quy đổi lại ra tiền mặt số tiền thừa. Vì vậy, ai cũng ráng mua sách về đọc cho đỡ tiếc, dần dà việc đọc sách ngày càng được tôi rèn thành thói quen.
Các giảng viên đại học hoặc các cán bộ nhà nước đang thực hiện các công trình nghiên cứu cũng được cấp kinh phí mua sách, nằm trong gói kinh phí thực hiện nghiên cứu, giúp họ rất chủ động trong việc tự tìm kiếm tài liệu.
Vậy còn với những đơn vị làm sách, có những giải pháp nào hữu ích?
Một số hệ thống nhà sách tại Trung Quốc áp dụng làm thẻ hội viên cho khách hàng thân thiết, giảm giá từ 10 - 15% giá thành cho mọi đơn hàng, hoặc các hiệu sách nằm trong các trường học cũng có chính sách giảm 10 - 15% cho toàn bộ giáo viên, học sinh của trường… cũng là những chính sách thiết thực nhằm giúp sách đến được tay người tiêu dùng nhanh chóng hơn.
Việc giảm giá sâu, livestream (truyền trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội) giới thiệu sách và bán sách trên nhiều trang mạng, miễn phí vận chuyển nếu đạt tới giá trị đơn hàng quy định… cũng khiến việc bán sách online dễ dàng hơn, ngày càng trở thành thói quen mua sắm online cho độc giả nước này.
Nhưng, dù thế nào, việc “giải cứu” cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tại Việt Nam cần sớm suy nghĩ tới những phương án thiết thực và phù hợp để “giải cứu” sách, “giải cứu” ngành xuất bản nước nhà.
Bình luận (0)