'Nếu là hiệu trưởng, tôi sẽ xin rút khỏi đại học định hướng nghiên cứu'

08/01/2020 08:08 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng quy định về việc công nhận cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu trong Nghị định 99/2019 có một số tiêu chí khó, có thể khiến các trường này 'thối chí', từ bỏ mục tiêu.

 

Không đơn vị nào của ĐH Quốc gia Hà Nội được là ĐH nghiên cứu

Theo GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội, các trường ĐH nghiên cứu là các “tập đoàn quân” của giáo dục ĐH VN, để có thể tham gia vào các bảng xếp hạng thế giới. Luật 34 và Nghị định (NĐ) 99/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Sửa đổi, bổ sung của luật Giáo dục ĐH đã đề cập vấn đề này, là một chuyển biến rất quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho các trường ĐH định hướng nghiên cứu đạt được mục tiêu của mình.
Tuy nhiên, các tiêu chí trong NĐ 99 cho thấy để trở thành trường ĐH định hướng nghiên cứu là quá khó. Chẳng hạn, một trong những tiêu chí để cơ sở giáo dục ĐH được công nhận có định hướng nghiên cứu, là trong 3 năm gần nhất trường ĐH phải công bố trung bình 100 bài báo/năm trở lên. Hoặc tiêu chí mỗi giảng viên cơ hữu có 0,3 bài báo trở lên trên tạp chí quốc tế uy tín trên thế giới, tức là 3 năm có 1 bài… Nếu căn cứ vào các tiêu chí trên, không một đơn vị thành viên nào của ĐH Quốc gia Hà Nội được công nhận là trường ĐH có định hướng nghiên cứu.
GS Đức nêu ví dụ: “Trường ĐH Khoa học tự nhiên một năm có mấy trăm bài báo công bố trên những tạp chí quốc tế rất tốt, nhưng lại vướng tiêu chí tỷ lệ sau ĐH (quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh và cấp trung bình 20 bằng tiến sĩ trở lên trong 1 năm)”.
GS Đức cho biết thêm trước đây ĐH Quốc gia Hà Nội khi xây dựng mô hình ĐH định hướng nghiên cứu thì tỷ lệ này là 25% (thế giới cũng vậy). Nhưng hiện nay có sự cạnh tranh rất lớn, khi các trường ĐH Úc, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản khát nguồn sinh viên tài năng của VN nên sẵn sàng cấp học bổng chỉ với điều kiện tiếng Anh vừa phải. Chính vì thế, tỷ lệ tuyển sinh đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ của các trường ĐH ở VN hiện nay đang đi xuống.
“Với Trường ĐH Khoa học tự nhiên, quy mô đào tạo sau ĐH hiện chỉ đáp ứng được 14,5%. Bù lại, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn tỷ lệ đào tạo sau ĐH sẽ đạt khoảng 17%, nhưng tỷ lệ công bố quốc tế lại rất ít. Vậy làm thế nào để ĐH VN tham gia được ĐH nghiên cứu”, GS Đức nói rồi bình luận thêm: “Tiêu chí cao thế, các trường ĐH sẽ thối chí”.

Quyền lợi không cụ thể

Theo GS Đức, với vai trò giúp giáo dục ĐH VN xuất hiện trên bản đồ giáo dục thế giới, lẽ ra các trường ĐH có định hướng nghiên cứu phải có quyền lợi lớn. Nhưng trong NĐ 99 chỉ quy định có một câu là được “ưu tiên cấp kinh phí nghiên cứu khoa học công nghệ”.
“Chỉ là thế này thôi, nếu cá nhân tôi là hiệu trưởng trường ĐH thì tôi sẽ xin rút khỏi ĐH định hướng nghiên cứu. Vì tăng kinh phí cho nghiên cứu khoa học thì không biết tăng thế nào, nó là một sự hứa hẹn rất không cụ thể. Cần phải có những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn, trở thành trường ĐH định hướng nghiên cứu có quyền lợi gì thì ĐH mới tham gia để tuyên bố sứ mệnh đó. Khi đó, giáo dục ĐH VN mới có xếp hạng, mới có đẳng cấp”, GS Đức chia sẻ.

Tăng kinh phí cho nghiên cứu khoa học thì không biết tăng thế nào, nó là một sự hứa hẹn rất không cụ thể. Cần phải có những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn, trở thành trường ĐH định hướng nghiên cứu có quyền lợi gì thì ĐH mới tham gia để tuyên bố sứ mệnh đó

GS NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội

 
GS Đức đề xuất nhà nước cần có chính sách ưu tiên cụ thể cho trường ĐH định hướng nghiên cứu. Chẳng hạn, với một SV của ĐH nghiên cứu, mức đầu tư của nhà nước có thể gấp 3 lần của một ĐH bình thường (hiện nay mức đầu tư SV cho một trường ĐH công lập là 9 triệu đồng/năm, là mức quá thấp). Hoặc có thể ưu tiên cho phép trường ĐH nghiên cứu được tự chủ.
“Yêu cầu là trường ĐH nghiên cứu 20% giảng viên phải là GS/PGS, mỗi GV trong 3 năm có 1 bài quốc tế Q1, tỷ lệ chuyển giao tri thức là 15%. Đạt được các tiêu chí này là đạt đẳng cấp tương đương với các trường ĐH trong khu vực rồi, nên với những trường này thì có thể tự chủ. Nhưng giờ yêu cầu tự chủ là tất cả chương trình đào tạo phải kiểm định. ĐH Quốc gia Hà Nội có 450 chương trình đào tạo mà mỗi năm chỉ kiểm định được 6 - 7 chương trình là mệt nhoài ra rồi. Vậy thì thực tế là dù chưa thể kiểm định hết được nhưng năng lực là đã có thể tự chủ”, GS Đức phân tích.

Cần được ưu tiên tuyển sinh sau đại học

Một vấn đề khác, theo GS Đức, là ĐH nghiên cứu cần được ưu tiên về tuyển sinh sau ĐH. “Ví dụ, để tạo nguồn có thể tuyển sinh những em chưa đạt chuẩn đầu vào về tiếng Anh, vì các em nghiên cứu cơ bản rất tốt thì thường nhà nghèo, không đầu tư học tiếng Anh được. Mà có tiếng Anh rồi thì các em đi nước ngoài ngay. Cho nên, có thể giữ các em lại để tạo nguồn, chứ như quy chế hiện nay không giữ các em lại làm nghiên cứu sinh được”, GS Đức đề xuất, đồng thời nêu lên một hiện tượng bất hợp lý: “Một số đơn vị trong nước như 2 ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa Hà Nội có thể đào tạo tiến sĩ trong nước chất lượng tốt (có công bố quốc tế) không thua kém một nghiên cứu sinh được đào tạo ở nước ngoài. Tuy nhiên, một nghiên cứu sinh đào tạo ở nước ngoài được đầu tư 2 tỉ, trong khi đào tạo trong nước, theo NĐ 35 thì chỉ cho 14 triệu đồng!”.
PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng chia sẻ số tiến sĩ là giảng viên của các trường ĐH hiện nay rất thiếu. Đầu năm 2019, Chính phủ cũng đã quyết định ban hành đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2019 - 2030. Nếu giờ kết hợp đề án này được với việc đặt hàng giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ cho các trường ĐH, đấy chính là một việc góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, và cũng là để cho các trường có cơ hội thực sự đào tạo tiến sĩ trong nước, gắn kết nghiên cứu, nâng cao thành tích nghiên cứu, cũng như để tạo nguồn nhân lực cho ngành, cho nền công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: “Tạo đẳng cấp cho giáo dục đại học VN”

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, định hướng phát triển và đầu tư cho một số ĐH nghiên cứu không phải để phục vụ việc xếp hạng, mà bởi chất lượng của ĐH nghiên cứu có vai trò rất quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
“Gần đây tôi theo dõi thì thấy có chuyển biến tích cực, năm vừa rồi khoảng 7.700 bài, tăng 30% so với năm 2018. Tôi cũng đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh, tới đây 2 bộ cùng phối hợp và Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chủ trì để tham mưu cho Chính phủ ban hành NĐ về nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH. Đây là cơ hội rất lớn cho hệ thống giáo dục ĐH. Nên khó mấy chúng ta cũng phải làm cho bằng được. Phải có hành lang pháp lý, trên cơ sở đó mới đầu tư. Tôi đã đề nghị với Bộ trưởng Bộ KH-CN, tới đây rà soát trường nào có năng lực (chứ không phải tiềm năng), có sản phẩm hẳn hoi, thì sẽ có những chính sách để cả 2 bộ cùng đầu tư theo hướng vun cao, để tạo ra động lực trở thành đầu tàu dẫn dắt trong hệ thống giáo dục ĐH cho các trường, góp phần quan trọng vào đổi mới sáng tạo, tạo đẳng cấp cho giáo dục ĐH VN”, ông Nhạ nói
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.