Nếu làm chậm đường dây 500 kV, EVN có thể bị phạt hàng ngàn tỉ đồng

14/09/2021 15:45 GMT+7

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận về nguy cơ bị phạt hợp đồng lên đến 5.000 tỉ đồng nếu dự án đường dây 500 kV chậm tiến độ.

Theo văn bản của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, đơn vị này làm chủ đầu tư các dự án thành phần phục vụ Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1.

Công trình dự án Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 đang nhanh chóng thi công

HIỀN LƯƠNG

Trong số đó, dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân là dự án truyền tải điện trọng điểm quốc gia, đóng vai trò chính trong giải tỏa công suất cho các nhà máy, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam.
Dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân đi qua địa bàn 3 tỉnh, nhưng chủ yếu là Khánh Hòa và Ninh Thuận. Theo EVN, dự án đã khởi công tháng 7.2021, đi qua nhiều điểm rừng tự nhiên, nhưng đến nay Sở NN-PTNT các tỉnh chưa tổ chức thẩm định, dẫn đến công tác hoàn thành hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng bị chậm, chưa hoàn thành như thời gian dự kiến.
Bên cạnh đó, công tác kiểm kê, bồi thường giải phóng mặt bằng của một số địa phương còn vướng, như chưa có giá đất bồi thường.
Trong văn bản, EVN cho rằng do các địa phương chậm giao mặt bằng thi công các hạng mục nói trên nên dẫn đến chậm trễ tiến độ dự án. EVN có nguy cơ đền hợp đồng 5.000 tỉ đồng. Theo hợp đồng Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia đã ký với nhà đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tiến độ hoàn thành các dự án để nhận điện từ Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 không muộn hơn tháng 12.2022.
Số tiền EVN phải trả cho chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 trong trường hợp chậm tiến độ đường dây 500 kV khoảng 10 tỉ đồng/ngày. Nếu qua tháng thứ 4 trở đi, số tiền phải trả là 20 tỉ đồng/ngày.
Theo EVN, nếu tính gộp các chi phí phát sinh cộng với số tiền phạt trong 6 tháng đầu chậm tiến độ, EVN phải trả cho nhà đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng. Đây là số tiền rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính của EVN. Nếu quá 6 tháng mà đường dây 500 kV vẫn chưa hoàn thành, hợp đồng BOT Nhà máy nhiệt điện Phong 1 sẽ bị chấm dứt sớm và Chính phủ Việt Nam phải mua lại nhà máy này.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát lại các kiến nghị của EVN để sớm tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án nói trên.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) làm chủ đầu tư với số vốn 2,58 tỉ USD, công suất 2.640 MW, được khởi công (giai đoạn 1) vào tháng 10.2019 trên diện tích 350 ha.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.