Buổi toạ đàm Đạo đức nhà báo có sự tham gia trao đổi của nhà báo Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Thông Tấn xã Việt Nam; nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền phong; nhà báo Đặng Thị Phương Thảo, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên và đông đảo các cán bộ phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí, xuất bản T.Ư Đoàn.
Tọa đàm được tổ chức nhân kỷ niệm 94 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, nhằm tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên các đơn vị khối báo chí, xuất bản thuộc cơ quan T.Ư Đoàn.
Tại toạ đàm, nhà báo Lê Quốc Minh cung cấp những thông tin về niềm tin của công chúng với báo chí. Theo ông Lê Quốc Minh, hiện nay, mỗi người lên mạng đều ngụp lặn trong bể thông tin. Độc giả bị "ngộ độc thông tin” trước sự xuất hiện ngồn ngộn những tin tức tiêu cực, rẻ tiền về cướp, giết, hiếp… khiến họ bị mất niềm tin vào báo chí và “ngắt kết nối”. Bên cạnh đó, đạo đức của một bộ phận phóng viên có nhiều vấn đề, thậm chí có hoạt động tống tiền doanh nghiệp, cơ quan công quyền và người dân.
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, báo chí chính thống đang lấy được niềm tin của độc giả, vì họ cần những thông tin chính xác. Theo ông Minh, để xây dựng niềm tin với bạn đọc, báo chí hiện đại cần: chuyên nghiệp, công bằng, đa chiều và luôn thẩm định thông tin. Bất cứ đọc một thông tin nào chúng ta đều cần phải thẩm định chặt chẽ, nhiều chiều...
Không tiếp tay cho nhà báo xấu xí
Bày tỏ quan điểm trước hiện tượng “phóng viên đếm tầng”, nhà báo Đặng Thị Phương Thảo cho rằng, trước những hiện tượng như vậy thì doanh nghiệp cần ứng xử văn minh là làm đúng theo pháp luật, chứ không tiếp tay cho nhà báo xấu xí.
“Nếu doanh nghiệp làm đúng và cầu thị thì không có thế lực truyền thông đen tối nào ảnh hưởng đến doanh nghiệp”, chị Thảo khẳng định. Nhà báo Phương Thảo nhấn mạnh thêm, Ban Biên tập Báo Thanh Niên luôn làm gương và khuyến khích các phóng viên giữ sự nhân hậu, tử tế trong ngòi bút của mình.
Nhà báo Lê Xuân Sơn cũng dẫn ra một số dẫn chứng cho thấy, hiện nay, báo chí đang đánh mất niềm tin từ xã hội, bởi có một bộ phận phóng viên làm nghề chưa chuẩn mực. Tuy nhiên, Tổng biên tập Báo Tiền Phong khẳng định: “Dù thay đổi thế nào thì rốt cuộc, mục tiêu cuối cùng là “sự thật phải được tôn trọng” và mỗi nhà báo “đừng để cho mình bị lưu manh hóa”.
Nhà báo Lê Xuân Sơn cũng cho biết thêm, Báo Tiền Phong luôn khuyến khích phóng viên có những bài viết tích cực, gương “người tốt, việc tốt”, để cân bằng “mặt tối, mặt sáng” trên mặt báo. Tuy nhiên, theo nhà báo Lê Xuân Sơn, để có một bài viết về gương người tốt, việc tốt thực sự thu hút bạn đọc, đòi hỏi mỗi phóng viên phải dày công, trong đó, cách kể chuyện rất quan trọng.
Đặc biệt, ông Sơn cho rằng: “Điều rất đáng tự hào ở các cơ quan báo chí thuộc T.Ư Đoàn là luôn giữ được cho mình đạo đức báo chí tốt. Đây là do nỗ lực chung, từ Ban Bí thư T.Ư Đoàn, đến lãnh đạo các báo và mỗi người phóng viên. Chúng ta vẫn còn sống được bằng nghề chân chính".
Ông Sơn cũng khẳng định: “Bao giờ tôi phải giao cho phóng viên phải kiếm được bao nhiêu tiền quảng cáo, phát hành được bao nhiêu tờ báo, thì tôi sẽ từ chức”.
Bình luận (0)