|
Đầu năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ từ ASEAN về VN giảm về 0%, các liên doanh lớn cũng đã tính đến chuyện chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu xe nguyên chiếc, sao ông không làm thế cho khỏe mà còn đầu tư nhà máy lắp ráp lớn nữa làm gì?
Đúng là chuyển qua nhập khẩu thì quá khỏe. Nhưng nếu chúng tôi làm như vậy thì chúng tôi sẽ đánh mất 9.000 lao động là kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề đang làm việc ở Chu Lai và hơn 40.000 lao động của các nhà cung ứng vật tư, linh kiện phụ tùng, vận chuyển và đặc biệt là công nghệ cùng với nhà xưởng, máy móc, thiết bị... là những nền tảng cơ bản mà chúng tôi đã gầy dựng trong thời gian qua.
Nhưng để đeo đuổi sản xuất, lắp ráp xe trong nước khi thuế nhập khẩu về 0%, các doanh nghiệp trong nước cần được bảo hộ... điều này đi ngược với mong muốn của người tiêu dùng, thưa ông?
Quy luật phát triển ngành công nghiệp ô tô ở các nước trên thế giới từ trước đến nay đều phải bảo vệ thị trường hợp lý để được chuyển giao công nghệ và bắt đầu từ lắp ráp, qua đó phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện phụ tùng, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm ô tô. Ngay cả Thái Lan, Indonesia, Malaysia thuế suất cũng rất cao. Họ cũng có sắc thuế tiêu thụ đặc biệt dưới các hình thức khác nhau, để áp dụng cho sản xuất, lắp ráp trong nước. Chúng ta phát triển sau, quy mô thị trường còn nhỏ. Dung lượng thị trường VN mới chỉ khoảng 300.000 xe/năm trong khi ở Thái Lan là 1,5 triệu, ở Indonesia cũng trên 1 triệu xe. Vì vậy, nếu muốn duy trì về sản xuất ô tô, thì phải có một khoản chênh lệch thuế ở mức độ hợp lý nào đó. Mức độ này tùy thuộc vào cạnh tranh giữa sản xuất lắp ráp và nhập khẩu nguyên chiếc trên cơ sở quy mô thị trường. Khi quy mô thị trường lớn thì chênh lệch này càng giảm thiểu. Khi quy mô thị trường lớn và phát triển được, tỷ lệ nội địa hóa cao, thì sản xuất lắp ráp trong nước sẽ rẻ hơn nhập khẩu nguyên chiếc.
Điều mà người tiêu dùng cần là mua xe với giá phù hợp trong khi hơn 2 thập niên qua, giá xe trong nước hiện nay vẫn cao hơn giá nhập khẩu?
Tôi hiểu là chúng tôi đang đứng trước một thách thức mới, một thách thức lớn, đó là làm sao đáp ứng nhu cầu tất yếu của người dân mua được xe với giá rẻ, hợp lý chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Thực tế những năm qua, Thaco luôn nỗ lực tiên phong giảm giá xe cho người tiêu dùng. Nhưng với một doanh nghiệp (DN) lớn, chiến lược phát triển kinh doanh phải gắn với chiến lược phát triển của nền kinh tế. Nếu chỉ vì lợi nhuận, chúng tôi chỉ cần chiều theo nhu cầu thị trường, có thể chuyển sang nhập khẩu cho khỏe... Nhưng đó không phải tư duy và mục tiêu phát triển của Thaco. Tôi luôn tâm niệm rằng, lợi ích của DN phải gắn liền với lợi ích của nền kinh tế. Và nhất là với những gì đã làm được hôm nay, thì chúng tôi cũng không thể bỏ ngang.
Cụ thể thì nền kinh tế đang được lợi gì trong chiến lược phát triển của Thaco?
Tạo ra việc làm, đào tạo huấn luyện nguồn nhân lực có kỹ năng, chuyên môn kỹ thuật; phát triển các ngành công nghiệp khác đặc biệt là cơ khí, điện tử, hóa chất; giảm nhập siêu, giúp cân bằng cán cân thanh toán thương mại quốc tế khi mà nhu cầu sử dụng ô tô tất yếu ngày càng cao. Chúng ta đều biết, nhập siêu, cán cân thương mại mất cân đối luôn là mối lo ngại của chúng ta nhiều thập niên nay. Việc tăng tỷ lệ nội địa hóa là góp phần giảm nhập siêu. Nói thế này cho dễ hiểu, nếu chiếc xe trị giá 100.000 USD, và nếu chúng ta làm được tỷ lệ nội địa hóa 30%, có nghĩa là chúng ta làm được 30.000 USD tại VN. Như vậy thay vì phải mất 100.0000 USD để nhập xe ô tô thì chỉ cần 70.000 USD để nhập một chiếc xe, góp phần giảm được nhập siêu. Chưa kể, tỷ lệ 30% hay 40% làm tại VN là cơ hội để phát triển sản xuất trong nước, mang lại công ăn việc làm, cho hàng chục, hàng trăm ngàn lao động, tạo ra được các sản phẩm công nghiệp. Thậm chí, chúng ta hoàn toàn có thể hướng đến xuất khẩu ngược ra các nước ASEAN với thuế suất về bằng 0%. Khi đó sẽ giúp cán cân thương mại được cân bằng. Đây là một việc khó và có tính chất dài hơi, nhưng chúng tôi tiếp tục chọn con đường để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Tôi tin rằng với chiến lược này về lâu dài sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế, cho xã hội, cho đất nước.
Tỷ lệ nội địa hóa ở Thaco hiện là bao nhiêu, thưa ông ?
Thaco đã từng bước làm chủ thiết kế, công nghệ và đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 50% với xe buýt, tỷ lệ này ở xe tải là 30 - 35%, cạnh tranh được với các thương hiệu của các nước ASEAN. Riêng với xe con, chúng tôi mới đạt 18% đối với 1 số mẫu xe có sản lượng cao. Tuy nhiên, Thaco đã có được những kinh nghiệm cũng như những nền tảng cơ bản. Vì vậy, với thị trường phát triển ổn định và gia tăng trong thời gian tới nhất là sau 2018 thì chúng tôi chắc chắn sẽ gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho dòng xe con với mức phấn đấu là 40% để có thể tiến đến xuất khẩu ngược lại sang các nước trong khu vực ASEAN.
Cuối cùng người tiêu dùng phải chờ đợi bao lâu nữa thì "quy mô thị trường đủ lớn" để giá xe giảm xuống?
Tôi kỳ vọng với sự tăng trưởng của thị trường, hằng năm là 20%, và khi thị trường đạt 350.000 xe/năm, thì chúng tôi tự tin để phát triển sản xuất linh kiện phụ tùng. Nó tùy thuộc vào chiến lược của từng hãng xe. Mazda là hãng xe dựa vào sản lượng mà khả năng họ đạt được là từ 1,5 triệu đến 1,8 triệu, do vậy dùng chung linh kiện phụ tùng của các mẫu xe là tỷ lệ rất lớn. Chúng tôi chọn lựa thương hiệu Mazda để tổ chức sản xuất tại VN. Mấy năm qua, chúng tôi đã đạt được sản lượng 30.000 xe/năm. Cùng với thiết kế được sử dụng chung về linh kiện phụ tùng, nếu chúng tôi đạt được 35.000 - 50.000 xe, thì có thể phát triển được tỷ lệ nội địa hóa. Chúng tôi cũng đã lên một kế hoạch để phát triển nội địa hóa dựa trên tiêu chuẩn chất lượng hàng đầu, và chúng tôi kiên trì làm. Tôi tự tin trong vài năm sẽ làm được.
Bình luận (0)