Trở lại Ngã Ba Giồng

04/07/2020 09:30 GMT+7

Buổi sáng nắng lên, hàng vạn lá trầu rung rinh trong gió như muôn cánh tay vẫy. Tôi nhìn thấy vùng đất Ngã Ba Giồng nay đã khác trước rất nhiều, khi trở lại nơi một thời vang dội bao câu chuyện trong sử sách.

Đường mang tên ông Quản Hớn

... Ấy là lúc tôi đi qua cầu Tham Lương rẽ vào đường Phan Văn Hớn. Con đường khá dài, xuyên qua P.Tân Thới Nhất của Q.12 và 2 xã nổi tiếng trầu cau của H.Hóc Môn là Bà Điểm và Xuân Thới Thượng. Con đường mang tên một người vẫn được bà con địa phương trước giờ kêu bằng cái tên gần gũi: ông Quản Hớn. Qua nắng sớm, tôi lọt vào nơi một thời vang dội bao câu chuyện trong sử sách, tìm đến nơi giồng đất cao của H.Hóc Môn.
Ngã Ba Giồng đây rồi! Một địa danh khó quên trong tiềm thức của những ai muốn tìm hiểu về vùng đất có nhiều sự kiện, nhiều câu chuyện đậm nét tinh thần quật khởi và lòng yêu nước của người dân Nam bộ. Đó là hai lần dựng cờ khởi nghĩa và vùng lên kháng chiến cách nhau 56 năm, khởi phát từ nơi đây.
Năm 1884 là năm hòa ước Patenotre (hay còn gọi là hòa ước Giáp Thân) được ký giữa triều đình nhà Nguyễn với Pháp, cũng là năm ông Quản Hớn và ông Nguyễn Văn Quá đứng lên chiêu mộ hào kiệt đánh Pháp. Tháng chạp năm ấy, họ đã khởi xướng cuộc khởi nghĩa ngay vùng Mười tám thôn vườn trầu, miệt đất tụ hội rất nhiều dân lưu tán từ miền Trung, miền Bắc trong khoảng cuối thế kỷ 17 - đầu thế kỷ 18.
Tìm đến ngôi mộ của ông Quản Hớn, mới biết thêm nhiều điều về cuộc đời của ông, qua ông Phan Văn Năm (70 tuổi), là cháu đời thứ 5 của thủ lĩnh, chánh tổng binh Phan Văn Hớn. Để ghi khắc công trạng, sau khi ông mất, người dân Hóc Môn đã gọi ông là Phan Công Hớn.
Theo lời ông Năm, cuộc khởi nghĩa xuất phát từ sự ghét bỏ bọn tay sai đàn áp dân chúng và sau đó vì sự vu cáo của một viên quan theo chân Pháp, khiến ông Quản Hớn bị đi đày Côn Đảo 5 năm.
“Sau khi trở về, ông cùng với ông Nguyễn Văn Quá (lúc này được đề cử làm phó tổng binh nghĩa quân) âm thầm rèn giũa khí giới, tích trữ lương thảo, kêu gọi tráng đinh vùng Hóc Môn kết nghĩa, cùng vùng lên đánh úp phủ đệ của tên tay sai cho Pháp là Đốc phủ Trần Tử Ca. Sau đó, thừa thắng kéo xuống tấn công Sài Gòn - Gia Định. Nhưng rồi do cuộc khởi nghĩa từ các cánh quân khởi nghĩa nhiều hướng như Bình Thạnh, Bình Chánh bị “gãy”, giặc Pháp lại có vũ khí tối tân, quân khởi nghĩa thế yếu hơn nên cuối cùng bị dập tắt. Quản Hớn và Nguyễn Văn Quá bị uy hiếp, nên sau đó 6 tháng, hai ông đành phải ra nộp mình để cứu người thân của hai gia tộc và người thân của các nghĩa sĩ dưới quyền”. Một ngày tháng 3 năm 1886, hai ông bị hành hình trong niềm thương tiếc của bà con nhân dân vùng đất Mười tám thôn vườn trầu.
Và ở cuộc đấu tranh vùng lên thứ hai, in dấu trong nhiều trang sử với tinh thần quật khởi đánh Pháp, cũng xảy ra từ nơi đây: Nam bộ kháng chiến, cách cuộc khởi nghĩa của ông Quản Hớn hơn nửa thế kỷ. Trên đường lên Bà Điểm, tôi như lại nghe vẳng câu hát mở đầu trong bản nhạc Nam Bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn: “Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền vang trời, lời hoan hô quân dân Nam nhịp chân kéo ra trận tiền...”. Đó là bản nhạc ghi lại khí thế cuộc kháng chiến đêm 22, rạng ngày 23.11.1940, nổi dậy từ vùng đất Ngã Ba Giồng (Hóc Môn) cùng với các vùng phụ cận như Tiền Giang, Long An... cách đây đúng 80 năm.
Trở lại Ngã Ba Giồng1

Hướng dẫn viên Phạm Nguyễn Kim Hân ở Khu di tích Ngã Ba Giồng

Một thời oanh liệt

Ngã Ba Giồng xưa kia là nơi nhiều cây bằng lăng mọc trên một vạt đất cao, nên còn có tên gọi là giồng Bằng Lăng. Đây cũng là nơi Pháp xây dựng trường bắn để hành hình những lãnh tụ và nghĩa sĩ kháng Pháp, nơi biết bao anh linh vì nước ngã xuống. Chỉ riêng với cuộc khởi nghĩa năm 1940, theo tư liệu ghi lại, ở đây đã có hơn 900 người bị xử bắn, để rồi bây giờ vẫn còn in dấu bằng một khu tưởng niệm được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia rộng hơn 7 mẫu đất.
Trở lại Ngã Ba Giồng4

Vườn cau trầu được trồng trong khu di tích Ngã Ba Giồng

ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Khi giở lại cuốn Việt Nam Sử lược của học giả Trần Trọng Kim, tôi tìm kiếm thử xem ông có viết gì về vùng đất này hay không. Hóa ra, phần cuối cuốn sách, trong mục đề Lòng yêu nước của người Việt Nam, ông có viết và nhắc đến một đoạn như sau: “Người Việt Nam vì tình thế bắt buộc phải im hơi lặng tiếng, nhưng lòng ái quốc mỗi ngày một nồng nàn, sự uất ức đau khổ ngày một tăng thêm. Cho nên cứ cách độ dăm bảy năm lại có một cuộc phiến động... Sau cuộc Âu chiến lần thứ nhất (Chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914 - 1918 - NV), có toán lính khố xanh nổi lên đánh Thái Nguyên do Đội Cấn (tức Trịnh Văn Cấn) và ông Lương Ngọc Quyến cầm đầu. Đến năm 1930 có cuộc cách mệnh của Quốc dân đảng, có Nguyễn Thái Học điều khiển ở Yên Bái và các nơi. Năm 1940 ở Nam Việt có cuộc phiến động ở vùng Gia Định, Hóc Môn...” (trang 568 - 569).
Đọc thế, để thấy nhận định về những cuộc khởi nghĩa ngày xưa ở Gia Định là biểu hiện của sức mạnh quật cường. Cũng như nhiều nơi trên đất nước này, sự hòa quyện trong ý chí phản kháng trước áp bức cường quyền ngoại bang của dân chúng luôn là một chỉ dấu hùng tráng, được ghi lại trong từng giai đoạn lịch sử.
Trở lại Ngã Ba Giồng2

Học sinh đến thắp nhang tưởng nhớ anh linh trong Đền tưởng niệm Ngã Ba Giồng

ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Nắng sớm mưa chiều

Ở Ngã Ba Giồng hôm ấy, trong nắng gió đất trời cuối tháng 6, một cô gái 24 tuổi người sở tại, mặc chiếc áo bà ba duyên dáng đã dẫn tôi đạp xe qua các con đường nhỏ trồng bằng lăng hoặc tre và trúc, để giới thiệu về một vùng đất oai hùng năm nào.
Khu di tích tưởng niệm Ngã Ba Giồng cách trung tâm TP.HCM 18 km, nằm giữa 3 con đường Phan Văn Hớn, Dương Công Khi và Xuân Thới Thượng thuộc xã Xuân Thới Thượng, là di tích lịch sử cấp quốc gia. Còn đền thờ ông Phan Công Hớn được xây dựng năm 1959 trên đất gia tộc, là di tích lịch sử cấp thành phố, ở đường Nguyễn Thị Sóc, xã Bà Điểm, cách trung tâm TP.HCM 14 km. Cả hai di tích đều thuộc địa bàn H.Hóc Môn.
Ở khu nhà truyền thống, tôi bắt gặp được các bản chụp những bức điện đánh máy tuyệt mật của Toàn quyền Pháp gửi Thống đốc Sài Gòn năm 1940 về hoạt động của những người kháng chiến với lời lẽ rất khẩn cấp, trước khi cuộc kháng chiến nổ ra. Trong đó, tôi đặc biệt chú ý đến một bản lệnh ghi “điện chính thức” số 5333 được gửi đi vào lúc 15 giờ 18 phút ngày 25.11.1940 của Toàn quyền Pháp từ Hà Nội khẩn gửi Thống sứ Hà Nội, Khâm sứ Huế, Phnom Penh, Vientiane và đồng gửi Thống đốc Sài Gòn, ghi rõ lời lẽ mang tính cảnh báo, vì lo ngại sẽ có nhiều cuộc nổi dậy ở các nơi khác: “Tiếp theo điện chính thức của tôi số 5305, tôi hân hạnh báo cho các ngài biết ngoài vùng chung quanh Sài Gòn - Chợ Lớn trong đêm 22 rạng ngày 23 có những cuộc tiến công các bốt nhỏ ở nhiều tỉnh thuộc Nam Kỳ... Mục đích hàng đầu của vụ này là để trang bị cho những người cách mạng vũ khí chiến tranh...”.
Bản mật lệnh cũng ghi lại con số thiệt hại về phía Pháp và các đồn bốt, cũng như phủ đệ của một số huyện, tỉnh ở Nam kỳ bị tấn công.
... Xem các tài liệu đã non thế kỷ ấy, nghe như âm hưởng cuộc kháng chiến xa xưa còn vọng lại. Mưa nắng tưới tắm trầu cau xứ này vẫn luôn mang trong nó tình người ấm áp và một niềm ngưỡng mộ về tinh thần quật khởi. Cứ miên man nghĩ vậy khi rời Ngã Ba Giồng, tôi trở về trong cơn mưa chiều nặng hạt.
Tại đề mục thứ 9 với tựa đề Lòng yêu nước của người Việt Nam trong cuốn Việt Nam Sử lược, học giả Trần Trọng Kim viết:“Từ khi có cuộc đại chiến lần thứ hai, nước Pháp bại trận, bị nước Đức chiếm cứ, quân Nhật Bản ở bên Tàu sang đánh Lạng Sơn rồi ký hiệp ước với người Pháp cho người Nhật đóng quân. Đến ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945 quân Nhật đánh quân Pháp và giao quyền nội trị lại cho vua Bảo Đại. Được mấy tháng thì quân Đồng Minh thắng trận, Nhật Bản đầu hàng. Đảng Việt Minh dưới quyền lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc - đổi tên là Hồ Chí Minh - thừa cơ nổi lên giành quyền, vua Bảo Đại phải thoái vị và nhường quyền cho đảng Việt Minh” (trang 569, bản đặc biệt, NXB Kim Đồng - 2019).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.