(Tin Nóng) Nga đã quyết định bán cho Trung Quốc 24 tiêm kích đa năng Su-35 trị giá khoảng 2 tỉ USD. Như vậy, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Su-35. Câu hỏi đặt ra là Nga có lợi hay có hại từ việc này?
Trung Quốc là nước đầu tiên sau Nga có được tiêm kích Su-35 - Ảnh: AFP
|
Trang tin ProtectRusia ngày 7.12 đã có cuộc phỏng vấn nhà bình luận quân sự Konstantin Bogdanov của Lenta.ru về việc này.
Ông Bogdanov cho rằng công nghệ và thiết bị của Su-35 sẽ không được chuyển giao tất cả cho các phiên bản xuất khẩu. Ở mức tối thiểu, Su-35 xuất khẩu sẽ bị loại bỏ hệ thống nhận dạng, vốn là một công nghệ quan trọng. Cũng có thể một số đặc điểm của radar Irbis cũng bị loại bỏ như tính năng lựa chọn mục tiêu, kênh…
Trước nỗi lo về việc có thể Trung Quốc lặp lại tình hình hồi những năm 1990 khi mua Su-27 của Nga và sau đó sao chép thành tiêm kích J-11, chuyên gia Bogdanov khẳng định theo thông tin công bố thì hợp đồng mua Su-35 bao gồm việc sản xuất và lắp ráp nguyên chiếc tại Nga, ở nhà máy Komsomolsk-on-Amur.
Theo ông, hợp đồng hồi những năm 1990 có việc lắp ráp Su-27 tại Trung Quốc, nay có khác là 24 chiếc máy bay Su-35 đều làm tại Nga.
Trung Quốc lâu nay chỉ muốn mua 10-12 máy bay Su-35 với điều kiện lắp ráp tại nhà máy của Trung Quốc. Phía Nga chỉ đồng ý bán tối thiểu 48 chiếc. Cuối cùng Nga đạt được thoả thuận bán 24 chiếc nhưng lắp ráp hoàn chỉnh tại Nga, và đó là món hời.
Với câu hỏi liệu Trung Quốc có thể sao chép công nghệ động cơ với lực đẩy vector của Nga, ông Bogdanov phân tích rằng Trung Quốc nhận được loại động cơ AL-41F1S đang sử dụng cho Su-35. Động cơ của máy bay luôn là một vấn đề đối với Trung Quốc, do nước này chưa đạt được trình độ tiên tiến về công nghệ luyện kim và hóa học. Trung Quốc không có ý tưởng về việc làm thế nào để thực hiện các quá trình luyện kim đặc biệt gắn với việc chế tạo các cánh quạt tuabin của động cơ.
Kết quả là Trung Quốc đã tự sản xuất loại động cơ phản lực sao chép từ động cơ AL-31 của Nga và lắp cho máy bay chiến đấu J-11 cũng là bản sao không có giấy phép của tiêm kích Su-27. Tuy nhiên, ông Bogdanov thừa nhận Trung Quốc có tiến bộ trong lĩnh vực này.
Việc Trung Quốc tiếp cận và có thể sao chép loại động cơ mới của Su-35 không có khả năng gây tổn hại cho Nga, theo chuyên gia của Lenta. Thay vào đó, việc sao chép này sẽ khiến một lực lượng lớn chuyên gia và kỹ sư Trung Quốc bị phân tâm khi phải phân tích và hiểu cách thức hoạt động của động cơ Nga. Trung Quốc sẽ nhận được tiêm kích Su-35 vào năm 2018, nhưng đến lúc đó Nga đã tạo ra loại động cơ phản lực mới cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 là PAK FA T-50. Đến lúc Nga có động cơ mới thì Trung Quốc chỉ mới có thể hiểu được cách thức chế tạo động cơ cũ.
Động cơ AL-41F1S - Ảnh: Wikipedia
|
Về mối lợi kinh tế của việc bán Su-35 cho Trung Quốc, ông Bogdanov cho hay đó chỉ đơn thuần là bước đi về mặt chính trị trong quan hệ với Bắc Kinh, cũng như việc ký kết hợp đồng cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-400. Lý do là các đơn hàng xuất khẩu này không thể so được với đơn hàng từ trong nước, từ Bộ Quốc phòng Nga.
Nhưng việc Trung Quốc là khách hàng đầu tiên của Su-35 sẽ giúp cho việc tiếp thị loại máy bay chiến đấu thế hệ 4++ này ra bên ngoài.
Thực tế nếu Không quân Nga không sử dụng thì máy bay đó sẽ rất khó bán. Trường hợp cá biệt là loại Su-30MKI sản xuất riêng cho Không quân Ấn Độ và sau này bán được cho nhiều nước khác. Ngược lại, chiếc MiG-35 mà Không quân Nga chưa thông qua kiểm tra xác nhận nên rất khó xuất khẩu.
Bây giờ Su-35 đã được Không quân Nga chấp nhận, đồng thời được xuất khẩu và có thể được bán rộng rãi cho những ai sẵn sàng trả tiền cho nó. Và Indonesia đã trở thành thị trường xuất khẩu thứ hai của Su-35 do từng mua Su-27SK và Su-30MK của Nga.
Su-35 bản xuất khẩu sẽ có một số hạn chế về công nghệ và thiết bị - Ảnh: Russianplanes.net
|
Việc Trung Quốc mua Su-35 sẽ giúp tiếp thị toàn cầu loại tiêm kích này, theo chuyên gia Nga - Ảnh: AFP
|
Chuyên gia Bogdanov nói thêm rằng những năm 1990, Nga đã tạo được sự cân bằng về khả năng quân sự ở Nam Á khi bán bán vũ khí cho cả Trung Quốc và Ấn Độ, dù 2 nước này không có quan hệ tốt với nhau lắm. Khi một trong các bên nhận được một lợi thế công nghệ thì gần như ngay lập tức bên kia sẽ có câu trả lời. Chúng ta đã thấy vào năm 1992, khi Trung Quốc có Su-27 thì sau đó Ấn Độ mua Su-30. Sau đó Trung Quốc đặt mua Su-30MKK thì Ấn Độ ký hợp đồng với Nga lắp ráp loại Su-30MK2…
Và bây giờ, khi Trung Quốc nhận được Su-35 thì đó cũng là một tín hiệu gửi đến Ấn Độ, ông Bogdanov nhận xét.
Anh Sơn
>> Indonesia chấp thuận mua 12 tiêm kích Su-35
>> Trung Quốc chính thức mua 24 chiếc Su-35 của Nga
>> Brazil, Indonesia, UAE quan tâm tiêm kích Su-35 của Nga
>> Nga đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí sang châu Á
>> Xem biên đội Su-35 Nga thao diễn trên vùng biển Kuril
Bình luận (0)