|
Khôi phục văn hóa sông nước
Ngã Bảy được xem là một trong những miền sông nước độc đáo, đặc trưng nhất của vùng châu thổ Cửu Long. Theo những người cố cựu ở đây, từ đầu thế kỷ 20 để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa, thực dân Pháp tiến hành đào kênh xáng Cái Côn - Cà Mau; kênh xáng Lái Hiếu và con kênh cặp QL1A đi Sóc Trăng - Cần Thơ; khai thông kênh Xẻo Môn, Mang Cá. Từ đó, nơi đây hình thành 7 con sông, hội tụ về một mối như cái rốn giữa các đầu doi. 7 con sông: Xẻo Môn, Xẻo Dong, Búng Tàu, Lái Hiếu, Cái Côn, Mang Cá và kênh Xáng chảy dài theo bảy hướng tạo thành một hệ thống thủy lộ đặc biệt có một không hai.
Cũng từ đó, địa danh Ngã Bảy hay chợ Ngã Bảy ra đời. Nhắc đến Ngã Bảy, người ta còn nhớ ngay đến chợ nổi Ngã Bảy, vốn là một trong những chợ nổi nhộn nhịp và nổi tiếng nhất vùng ĐBSCL. Nhờ đường thủy thông thương nên chợ nổi Ngã Bảy luôn tấp nấp ghe tàu từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Rạch Giá, Vĩnh Long, Cần Thơ tụ về đây trao đổi, buôn bán. Chợ nổi Ngã Bảy có tuổi đời cả trăm năm, nằm ngay giữa 7 nhánh sông, tạo nên một khung cảnh thơ mộng. Nơi đây còn vang danh với bản vọng cổ “Tình anh bán chiếu” ra đời năm 1961 của soạn giả tài hoa Viễn Châu.
Tuy nhiên, sau gần 100 năm hình thành, năm 2002, chợ nổi Ngã Bảy được dời về vàm Ba Ngàn, cách vị trí cũ khoảng 3 km để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Đây cũng là lúc sự sung túc của chợ giảm dần. Gần đây, trước yêu cầu cấp bách về bảo tồn những nét đẹp văn hóa sông nước lâu đời, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và TX.Ngã Bảy đang tìm các giải pháp khôi phục và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với phát triển du lịch sông nước miệt vườn nhưng vẫn đảm bảo giao thông đường thủy. Ông Trịnh Quang Hưng- Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Bí thư Thị ủy Ngã Bảy, cho biết: “Khôi phục lại chợ nổi Ngã Bảy bảo cũng phải tính đến bảo đảm giao thông, quy luật phát triển kinh tế - xã hội. Để giải quyết nhiều cái khó trên, địa phương không thể làm được mà rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành”.
Đô thị liên kết vùng
Với vị trí quan trọng cả về đường thủy lẫn đường bộ, TX.Ngã Bảy có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Cũng chính từ những lợi thế này, Tỉnh ủy Hậu Giang đã có Nghị quyết về xây dựng TX.Ngã Bảy đến năm 2015 đạt tiêu chí đô thị loại 3. Đến nay, nhờ định hướng phát triển đúng đắn, TX.Ngã Bảy đang dần thể hiện một diện mạo mới của một đô thị sông nước, vừa giữ được bản sắc truyền thống, vừa thể hiện dáng vóc giàu đẹp, văn minh.
Theo ông Trịnh Quang Hưng, Bí thư Thị ủy Ngã Bảy, lãnh đạo thị xã xác định thương mại, dịch vụ, du lịch là những mũi nhọn để phát triển. Thị xã đang kêu gọi đầu tư xây dựng các mô hình vui chơi giải trí, tạo điều kiện để du khách được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng sông nước. Chợ nổi, cây trái đặc sản và ngành nghề truyền thống là những điểm nhấn du lịch của thị xã xanh, sạch, đẹp này. Từ đầu năm 2012 đến nay đã có hàng chục nhà đầu tư lớn đặt chân tới Ngã Bảy tìm hiểu các dự án để chuẩn bị đầu tư vào thị xã. Bên cạnh đó, thị xã cũng đang nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới ở 3 xã vùng ven và kết hợp chỉnh trang đô thị, phát triển thương mại, dịch vụ ở những phường nội ô.
Xác định quyết tâm phấn đấu đến năm 2015 trở thành đô thị loại 3 và là đầu mối trung chuyển hàng hóa, TX.Ngã Bảy trong tương lai sẽ hình thành trung tâm thương mại, chợ đầu mối, trung tâm văn hóa, giáo dục… Song song đó, với lợi thế có QL1A chạy dọc địa bàn và nhất là cận kề với TP.Cần Thơ (trung tâm ĐBSCL), TX.Ngã Bảy được xác định trở thành đô thị liên kết, là trung tâm động lực quan trọng của Hậu Giang mở về hướng đông.
Tú Uyên
Bình luận (0)