Tự động phát
Báo cáo này nói rằng Ukraine đã rút phần lớn lực lượng chiến đấu khỏi thành phố và tình hình hiện tại "cực kỳ khó khăn" với số binh sĩ và người dân Ukraine còn kẹt lại ở Severodonetsk.
Ông Serhiy Haidai, tỉnh trưởng Luhansk, ngày 16.6 thông báo trên Telegram rằng khoảng 10% trong số 100.000 cư dân Severodonetsk đang mắc kẹt trong thành phố. Ông nói "lực lượng Ukraine đang kìm chân đối phương lâu nhất có thể".
Ukraine đã không đáp ứng tối hậu thư của Nga yêu cầu đầu hàng ở Severodonetsk. Hiện các lực lượng Nga kiểm soát trên 80% diện tích thành phố này. Moscow cũng cáo buộc Kyiv đã ngăn cản kế hoạch mở một hành lang nhân đạo cho dân thường rời khỏi đây.
Một phát ngôn viên của LHQ nói đang diễn ra một tình huống khẩn cấp dưới các tầng ngầm của nhà máy hóa chất Azot ở Severodonetsk. Khoảng 500 dân thường, cùng với binh lính Ukraine, được cho là đang trú ẩn tại đây.
Theo báo cáo tình báo quân sự Anh, lực lượng Nga tại Donbass đang tăng cường hoạt động theo từng nhóm nhỏ. Trong một thông báo khác, giới chức Ukraine nói rằng Tiểu đoàn Chiến thuật Nga (BTG) đã được chia nhỏ thành những nhóm 30 người. Thông thường, một BTG sẽ có khoảng 600-800 binh lính.
Giao tranh tại các thị trấn trong thành phố Severodonetsk đang là điểm nóng chiến sự Ukraine, chủ yếu là giữa các nhóm nhỏ bộ binh từ hai phía. Những lợi thế về vũ khí hạng nặng của Nga sẽ khó được phát huy ở khu vực địa hình này. Vì vậy, Bộ Quốc phòng Anh đánh giá rằng "điều này làm chậm bước tiến của lực lượng Nga".
Đại tướng Valeriy Zaluzhny, tổng tham mưu trưởng Các lực lượng Vũ trang Ukraine, hôm 15.6 cho hay "cuộc chiến khốc liệt để bảo vệ Luhansk vẫn tiếp tục". Ông nói lực lượng Nga chia làm 9 mũi đồng loạt tấn công theo nhiều hướng, và “sử dụng không quân, lựu pháo và pháo phản lực phóng loạt để tìm cách đánh bật quân đội Ukraine ra khỏi vị trí phòng thủ".
Trước đó 1 ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận quân đội nước này đang chịu “tổn thất đau đớn” tại Donbas trước bước tiến của quân đội Nga. Ông cảnh báo thành công hay thất bại tại khu vực miền Đông sẽ quyết định cục diện của chiến sự.
Hôm 16.6, trong một động thái nhằm bày tỏ tình đoàn kết ủng hộ với Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ý Mario Draghi đã cùng đi xe lửa đến Kyiv.
Tiếng còi báo động phòng không đã vang lên khi 3 nhà lãnh đạo đến thủ đô Ukraine.
Tổng thống Romania Klaus Iohannis sẽ cùng họ gặp Tổng thống Ukraine Zelensky, dự kiến sẽ thảo luận về chiến sự cũng như về việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu.
Một quan chức Điện Elysee cho hay chuyến thăm diễn ra vào thời điểm này vì họ cân nhắc đây là thời điểm tốt nhất trước thượng đỉnh EU vào tuần tới để thảo luận về việc Ukraine gia nhập.
Dự kiến Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra khuyến nghị vào ngày 17.6 về tư cách ứng viên EU của Ukraine.
Trả lời tờ Bild, Thủ tướng Scholz cho biết ông không chỉ muốn thể hiện sự đoàn kết với Ukraine mà còn đảm bảo sự hỗ trợ về tài chính, nhân đạo, vũ khí sẽ “tiếp tục cho đến khi cần thiết” đối với Ukraine.
Trong một thông tin có liên quan, Nga hôm 16.6 cảnh báo rằng dòng khí đốt đến châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 có thể sẽ bị ngừng cung cấp để sửa chữa tua bin.
Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu EU Vladimir Chizhov nói với hãng thông tấn Nga RIA rằng nếu dừng hoàn toàn hoạt động đường ống này, tức cắt đứt cung cấp khí đốt từ Nga đến châu Âu, sẽ gây ra một “thảm họa" cho Đức.
Bình luận (0)