Tăng cường hỏa lực
Sau hơn 4 tuần thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga vẫn chưa kiểm soát được thành phố lớn nào của nước láng giềng. Các thành phố Kharkiv, Sumy, Chernihiv và Mariupol của Ukraine vẫn đang liên tục hứng những đợt pháo kích. Ngày 21.3, Nga được cho là đã tăng cường hỏa lực ở Kharkiv.
Một trung tâm thương mại bị phá hủy ở Kyiv ngày 21.3 |
Reuters |
Bà Lyudmyla Denisova, ủy viên nhân quyền của quốc hội Ukraine, ngày 22.3 cho biết 5 người thiệt mạng và 19 người bị thương sau khi thị trấn Avdiivka ở vùng Donetsk bị pháo kích vào cuối ngày 21.3. Bà Denisova cũng nói xe tăng Nga đã nhắm vào ô tô dân sự ở Kharkiv, khiến 3 người lớn và 1 trẻ em thiệt mạng.
Lực lượng vũ trang Ukraine ngày 22.3 cho rằng Nga dự kiến tiếp tục phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng bằng cách sử dụng vũ khí có độ chính xác cao và pháo kích diện rộng. Nga chưa phản hồi cáo buộc, nhưng luôn tuyên bố nước này chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine ngày thứ 27 có gì? |
Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych ngày 22.3 trong một cuộc phỏng vấn nói việc giành quyền kiểm soát Kyiv là một trong những ưu tiên chính của Nga, nhưng Moscow sẽ “tự sát” nếu cố gắng làm điều này. Theo Reuters, ông Arestovych cũng nói giao tranh có thể kết thúc trong 2 - 3 tuần nữa.
Trước đó, AFP ngày 21.3 dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Nga bế tắc trong việc đạt được bước tiến mới trên chiến trường và đang đẩy mạnh hoạt động quân sự trên không, trên biển để cố gắng xoay chuyển cục diện.
EU thành lập lực lượng phản ứng nhanh
AFP ngày 22.3 đưa tin Liên minh Châu Âu (EU) vừa thông qua chiến lược phòng vệ mới mang tên La bàn Chiến lược nhằm tăng cường năng lực hành động. Trọng tâm của kế hoạch là trước năm 2025, EU sẽ thành lập một đơn vị lên đến 5.000 binh sĩ có năng lực điều động nhanh. Lực lượng này sẽ gồm lục quân, không quân và thủy quân lục chiến có thể được sử dụng trong các giai đoạn khác nhau của một chiến dịch trong một môi trường không thuận lợi, như xâm nhập lúc đầu, củng cố hoặc dự bị để đảm bảo thoát ra an toàn.
Kế hoạch đã được thảo luận trong 2 năm và được điều chỉnh phút cuối nhằm tăng cường tập trung vào mối đe dọa từ Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Theo thông cáo của EU, môi trường an ninh thù địch hơn buộc khối này phải tăng cường năng lực, sẵn sàng hành động và đầu tư nhiều hơn vào năng lực phòng vệ. Mục tiêu của kế hoạch là nhằm giúp EU mạnh hơn và có khả năng hỗ trợ an ninh tốt hơn.
EU thông quá kế hoạch phòng thủ chung, lập lực lượng phản ứng nhanh 5.000 quân |
Quan chức này nói thêm rằng Ukraine vẫn bền bỉ kháng cự dù bị áp đảo về số lượng binh sĩ lẫn vũ khí. Ông cũng cho biết máy bay Nga đã thực hiện hơn 300 phi vụ trong 24 giờ qua, chủ yếu là bắn tên lửa không đối đất vào các mục tiêu Ukraine. Đáp lại, Kyiv cũng tăng cường hoạt động của không quân để phủ nhận việc Nga chiếm ưu thế trên bầu trời Ukraine.
Tại một sự kiện ngày 21.3, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói việc Nga đưa ra cáo buộc sai lệch rằng Kyiv có vũ khí sinh học và hóa học ngược lại cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cân nhắc việc sử dụng chúng. Đáp lại, TASS đưa tin Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 22.3 phủ nhận thông tin trên và khẳng định cáo buộc của Mỹ là lời bóng gió ác ý.
Nỗ lực kêu gọi đàm phán
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky liên tục kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Putin. Cuối ngày 21.3, ông Zelensky tuyên bố sẵn sàng gặp người đồng cấp Nga dưới bất kỳ hình thức nào và nói rằng hai nước không thể đàm phán về thỏa thuận hòa bình nếu hội nghị thượng đỉnh không diễn ra. Ông Zelensky cũng cho biết mình sẵn sàng thảo luận với Nga về vấn đề bán đảo Crimea và tình trạng của hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine nếu Kyiv được đảm bảo an ninh.
Tổng thống Zelénky nói người dân Ukraine sẽ quyết định các thoả thuận với Nga |
Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 22.3 cho biết Nga muốn có các cuộc đàm phán tích cực và thực chất hơn với Ukraine. Ông Peskov cũng nói Nga không có ý định công khai các yêu cầu chi tiết của mình đối với Ukraine. Từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đến nay, Nga và Ukraine đã có ít nhất 4 cuộc đàm phán, nhưng không đạt được kết quả như mong đợi.
Nga dừng đàm phán về hiệp ước hòa bình với Nhật
Bộ Ngoại giao Nga ngày 21.3 thông báo nước này sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán với Nhật Bản về một hiệp ước hòa bình để đáp trả lệnh cấm vận của Nhật liên quan chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, theo báo Nikkei Asia. Ngoài ra, Moscow sẽ chấm dứt chế độ đi lại miễn thị thực ở nhóm đảo có tranh chấp giữa hai bên là Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương bắc. Bộ Ngoại giao Nga nói rằng Nhật đang làm tổn hại các lợi ích của Nga bằng cách có lập trường “không thân thiện một cách rõ ràng” đối với Moscow.
Đáp lại, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida hôm qua nói rằng “tình hình mới nhất xảy ra là do Nga có hành động đối với Ukraine và ý đồ của Nga chuyển vấn đề này sang quan hệ Nhật - Nga là cực kỳ phi lý và hoàn toàn không thể chấp nhận”, theo AFP. Ông Kishida tuyên bố Nhật “phản đối mạnh mẽ” việc Nga rút khỏi các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình, nhấn mạnh: “Lập trường của Nhật về việc giải quyết vấn đề Vùng lãnh thổ phương bắc để ký một hiệp ước hòa bình là không thay đổi”.Văn Khoa
Bình luận (0)