Nga đang bị cấm vận ra sao vì xung đột ở Ukraine?

02/04/2022 07:29 GMT+7

Từ khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga đã bị nhiều nước áp đặt đồng loạt lệnh cấm vận.

Lệnh cấm vận là gì?

Lệnh cấm vận là các hình phạt do nước này áp lên nước khác để ngăn chặn nước đó gây hấn hoặc vi phạm luật pháp quốc tế. Đây là một trong những hành động khắt khe nhất mà các nước có thể thực hiện, chỉ chưa đến mức chiến tranh.

Nga đang chịu những lệnh cấm vận nào?

Hàng hóa quân sự

Anh, EU và Mỹ đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng - những mặt hàng có mục đích dân sự và quân sự, chẳng hạn như phụ tùng xe. Điều này được cho là có tác động đến một số nhà sản xuất Nga. Ukraine nói rằng nhà máy sản xuất xe bọc thép chính của Nga đã hết các bộ phận để chế tạo và sửa chữa xe tăng.

Ukraine cũng nói rằng một nhà máy máy kéo đã ngừng sản xuất vì thiếu các linh kiện do nước ngoài sản xuất.

Anh cũng đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tập đoàn Wagner - một công ty quân sự tư nhân của Nga.

Hàng không

Tất cả các chuyến bay của Nga đã bị cấm trên không phận Mỹ, Anh, EU và Canada. Anh cũng đã cấm máy bay phản lực tư nhân do người Nga thuê.

Hàng cao cấp

Anh cho biết sẽ cấm xuất khẩu các mặt hàng cao cấp sang Nga, bao gồm xe cộ, thời trang cao cấp và tác phẩm nghệ thuật. EU cũng đã áp đặt lệnh cấm. Anh sẽ đánh thuế 35% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Nga, bao gồm cả rượu vodka.

Trừng phạt cá nhân

Mỹ, EU và Anh đã đồng loạt áp lệnh cấm vận lên hơn 1.000 cá nhân và doanh nghiệp Nga, bao gồm các lãnh đạo doanh nghiệp giàu có được coi là giới tài phiệt, những người được coi là thân cận với Điện Kremlin.

Dầu và khí đốt

Mỹ đang cấm mọi hoạt động nhập khẩu và khí đốt của Nga. Anh cũng sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022.

EU, nơi tiêu thụ 1/4 lượng dầu và 40% khí đốt từ Nga, cho biết họ sẽ chuyển sang các nguồn cung cấp khác và nỗ lực để EU không phụ thuộc năng lượng của Nga trước năm 2030.

Đức đã tạm dừng cho phép mở đường ống dẫn khí Nord Stream 2 từ Nga.

Các biện pháp tài chính

Các nước phương Tây đã phong tỏa tài sản của ngân hàng trung ương Nga để ngăn ngân hàng này sử dụng 630 tỉ USD dự trữ ngoại tệ. Động thái này đã khiến giá trị đồng rúp giảm 22% kể từ đầu năm. Chính điều đó đã đẩy giá hàng hóa nhập khẩu lên cao và khiến tỷ lệ lạm phát của Nga tăng 14%.

Một số ngân hàng Nga đang bị xóa khỏi hệ thống SWIFT, được sử dụng để chuyển tiền xuyên biên giới. Điều này sẽ làm trì hoãn các khoản thanh toán cho Nga để xuất khẩu năng lượng.

Bên cạnh đó, Anh còn có một số biện pháp cấm vận như:

- "Xóa sổ" các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống tài chính của Anh

- Đóng băng tài sản của tất cả ngân hàng Nga

- Chính phủ Nga và nhiều công ty không được phép huy động tài chính và vay tiền ở Anh

- Giới hạn các khoản tiền gửi mà người Nga thực hiện tại các ngân hàng của Anh

EU cũng cho biết họ sẽ nhắm tới 70% thị trường ngân hàng Nga và các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt.

Động thái của các công ty nước ngoài ở Nga

Ngày càng nhiều công ty quốc tế bao gồm McDonald's, Coca-Cola và Starbucks đã ngừng kinh doanh tại Nga.

Sau khi vấp phải chỉ trích dữ dội vì vẫn tiếp tục hoạt động tại Nga, Nestle đã rút một số thương hiệu của mình bao gồm KitKat và Nesquik, nhưng vẫn sẽ bán "thực phẩm thiết yếu".

Tuy nhiên, một số thương hiệu phương Tây khác bao gồm Marks and Spencer, Burger King, và các tập đoàn khách sạn Marriott và Accor cho biết họ không thể rút khỏi Nga vì các doanh nghiệp của họ ở đó hoạt động theo các thỏa thuận nhượng quyền phức tạp.

Nga đã phản ứng như thế nào trước các lệnh trừng phạt?

Trước các lệnh trừng phạt trên, chính phủ Nga cũng đã đưa ra một loạt phản ứng. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẽ khiến các quốc gia "không thân thiện" phải trả tiền nhập khẩu khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Điều này sẽ đẩy giá trị của đồng tiền này lên cao hơn.

Nga đã cấm xuất khẩu hơn 200 sản phẩm cho đến cuối năm 2022, bao gồm viễn thông, y tế, xe cộ, nông nghiệp, thiết bị điện và gỗ.

Ngoài ra, Nga cũng đang chặn các khoản thanh toán lãi suất cho các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trái phiếu chính phủ và cấm các công ty Nga trả tiền cho các cổ đông ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Nga đã ngăn các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ hàng tỉ USD cổ phiếu và trái phiếu của Nga bán số tài sản này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.