Đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức hồi tháng 3 |
reuters |
Theo Reuters, Ý và Slovakia cho biết hai nước này đã chỉ được chưa đầy một nửa lượng khí đốt thường ngày qua đường ống Nord Stream 1, vốn đi từ Nga đến Đức qua biển Baltic và chiếm khoảng 40% lượng khí đốt qua đường ống của Nga đến Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, Pháp cho biết từ ngày 15.6 đến nay, nước này không nhận được khí đốt của Nga chuyển qua từ Đức. Công ty Uniper của Đức cho biết họ được Nga giao lượng khí đốt ít hơn 60% so với thỏa thuận, nhưng công ty vẫn có thể bù đắp sự thiếu hụt ở nơi khác.
Cơ quan quản lý năng lượng của Đức cho biết tình hình khá căng thẳng, nhưng nguồn cung cấp khí đốt của Đức hiện vẫn ổn định.
Nga vẫn "thắng đậm" từ xuất khẩu dầu khí bất chấp cấm vận từ phương Tây |
Việc EU phụ thuộc vào khí đốt của Nga và nguy cơ Moscow có thể cắt giảm nguồn cung để trả đũa các lệnh trừng phạt kinh tế đang là vấn đề đau đầu đối với khối này. Vì vậy, EU đang tìm cách tích trữ năng lượng và tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Một đợt nắng nóng sớm bất thường trên khắp Tây Ban Nha và Pháp đã làm tăng thêm lo ngại. Thời tiết nắng nóng dẫn đến việc các nước mua khí đốt nhiều hơn vì nhu cầu dùng điện cho điều hòa không khí tăng đột biến.
Giá khí đốt bán buôn của Hà Lan, mức tiêu chuẩn ở châu Âu, đã tăng vọt và giá các hợp đồng cung cấp điện cũng tăng trên toàn châu Âu.
Công ty khí đốt Eni của Ý ngày 17.6 cho biết họ chỉ nhận được một nửa trong số 63 triệu m3 khí đốt mỗi ngày mà họ đã yêu cầu từ công ty Gazprom của Nga. Hai ngày trước đó, Eni cũng gặp phải tình trạng thiếu hụt khí đốt.
Thủ tướng Ý Mario Draghi đã cáo buộc Moscow sử dụng khí đốt cho mục đích chính trị. Tuy nhiên, Nga cho biết đường ống Nord Stream 1 đang cung cấp ít khí đốt hơn cho châu Âu do các thiết bị mà Siemens Energy của Đức sản xuất đã được gửi đến Canada để bảo trì, nhưng chưa quay lại. Moscow phải chờ xem công ty Siemens Energy và Canada sẽ giải quyết sự chậm trễ như thế nào, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết ngày 17.6.
Trước đó, Canada cho biết nước này đang đàm phán với Đức để giải quyết vấn đề.
Hai nguồn tin chính phủ cho biết Ý có thể ban bố tình trạng cảnh báo về khí đốt vào tuần tới nếu Nga tiếp tục hạn chế nguồn cung. Điều này đồng nghĩa với việc giảm tiêu thụ khí đốt, ưu tiên phân bổ khí đốt hoạt động công nghiệp và tăng cường sản xuất điện than.
Công ty Gazprom có thể tăng dòng khí đốt qua Ukraine để bù đắp cho sự thiếu hụt của đường ống Nordstream 1. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy công ty này sẽ làm như vậy. Bên cạnh đó, dòng khí đốt qua đường ống Yamal-Châu Âu đã chảy về hướng đông trong vài tháng qua chứ không phải theo hướng tây đến Đức như thông thường.
Xem nhanh: Ngày 114 chiến dịch của Nga, Ukraine được châu Âu chào đón, Mỹ không ép nhượng bộ |
Nord Stream 1 cũng sẽ được bảo trì thường niên từ ngày 11.7 đến ngày 21.7. Để làm điều này, toàn bộ khí đốt qua đường ống sẽ tạm thời bị ngừng lại.
Bình luận (0)