Nga giữa tình thế bao vây cấm vận

25/02/2023 07:06 GMT+7

Phía sau chiến dịch tại Ukraine còn có một "trận chiến" không kém phần quyết liệt, tác động đến khả năng thành công hay thất bại của Nga.


Hãng Reuters vừa đưa tin G7 và Liên minh Châu Âu (EU) đang siết cấm vận đối với Nga, nhằm ngăn chặn hơn nữa nguồn tài chính cung cấp cho chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine. Qua 1 năm chiến dịch, Nga đã chịu vô số lệnh cấm vận từ nhiều bên, nhưng hàng loạt nỗ lực đã giúp nền kinh tế không thiệt hại như phương Tây mong đợi.

Nga giữa tình thế bao vây cấm vận - Ảnh 1.

Tàu NS Power tại cảng nhiên liệu ở Vladivostok ở vùng Viễn Đông Nga

Reuters

Cấm vận chưa từng thấy

Từ ngày 22.2.2022, Mỹ và các đồng minh bắt đầu đợt cấm vận mới đối với Nga, một ngày sau khi Moscow công nhận độc lập đối với 2 vùng ly khai phía đông Ukraine và 2 ngày trước khi chiến sự bùng nổ. Theo thống kê về cấm vận trên trang Castellum, từ đó đến nay, ít nhất 11.327 cá nhân và thực thể của Nga đã bị cấm vận, với 9.117 cá nhân, 2.090 thực thể, 96 tàu và 24 máy bay.

Tác động kinh tế toàn cầu

Chiến sự tại Ukraine cũng như hàng loạt lệnh cấm vận của các bên đã tác động nhiều đến nền kinh tế toàn cầu. Nguồn cung ngũ cốc, phân bón và năng lượng bị cạn kiệt cùng với tình trạng lạm phát gia tăng và sự bất ổn về kinh tế kéo dài. Theo AP, một điều đáng khích lệ là các nước phát triển đã tỏ ra kiên cường một cách bất ngờ và tránh được viễn cảnh suy thoái tồi tệ nhất, nhưng các nền kinh tế mới nổi chịu ảnh hưởng nhiều hơn. IMF cho biết giá tiêu dùng tăng 7,3% tại các nước giàu nhất trong năm ngoái và 9,9% ở các nước khác. Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm nay, mức thấp thứ 3 trong gần 3 thập niên.

Bên cạnh Mỹ, trong số các bên cấm vận còn có Anh, Canada, Nhật Bản, Pháp, Thụy Sĩ, Úc và Liên minh Châu Âu (EU). Nội dung cấm vận nhằm phong tỏa tài sản, cấm nhập cảnh đối với cá nhân, cô lập kinh tế Nga, chặn nguồn tài chính cho chiến dịch của Moscow.

Xem nhanh: đã qua 365 ngày, xung đột sẽ còn nóng hơn, lan rộng?

Các chuyên gia kinh tế cho rằng Nga là nước bị cấm vận nhiều nhất trong lịch sử. Theo Đài RT dẫn lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, việc thảo luận những lệnh cấm vận mới đối với Nga đang ngày càng thách thức, do EU đã áp đặt những lệnh cấm vận lớn và "không còn lại gì nhiều" để cấm vận thêm. Theo ông, mỗi gói cấm vận mới giờ đây chỉ nhằm "siết chặt các lỗ hổng và ngăn chặn nỗ lực lách luật". Ông thừa nhận rằng việc đàm phán về cấm vận thêm đối với Nga đang ngày càng phức tạp vì những mục tiêu ngày càng ít.

Thiệt hại ít hơn mong đợi ?

Theo dõi sự cấm vận rầm rộ đối với Nga, Viện Tài chính quốc tế (Mỹ) từng dự báo GDP của Nga sẽ sụt giảm 15% trong năm 2022. Ngân hàng JP Morgan dự báo mức sụt giảm 12% còn giới chuyên môn Nga cảnh báo riêng với Tổng thống Vladimir Putin rằng mức sụt giảm có thể lên đến 30%.

Theo tờ The Guardian, thực tế lại phản ánh điều mà giới phân tích cho là sự tự tin thái quá ở phương Tây về tốc độ gây tổn hại từ các lệnh cấm vận phối hợp chưa từng có. Cơ quan Thống kê liên bang Nga (Rosstat) hôm 20.2 cho biết nền kinh tế Nga sụt giảm 2,1% trong năm ngoái. Lĩnh vực xây dựng tăng trưởng đáng kể dù ngành công nghiệp ô tô và điện tử bị ảnh hưởng, trong khi một vụ mùa bội thu thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng.

Ông Putin sẽ củng cố bộ ba hạt nhân với tên lửa, vũ khí bội siêu thanh, tàu ngầm mới

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga tăng trưởng nhanh hơn Anh trong năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, những người bảo vệ quan điểm cấm vận cho rằng GDP có thể không phản ánh đúng thực tế. Cựu Thứ trưởng Năng lượng Nga Vladimir Milov hiện sống ở nước ngoài cho rằng sẽ chính xác hơn nếu theo dõi hàng chục "chỉ dấu mềm" như doanh số bán rượu, tỷ lệ ly hôn, trộm cắp ở cửa hàng, chi tiêu cho thực phẩm, thăm dò ý kiến, tâm lý khách hàng ngân hàng hoặc doanh thu thuế. Chuyên gia Agathe Demarais của Tập đoàn truyền thông The Economist (Anh) cho rằng đây là cuộc đua marathon chứ không phải chạy nước rút, và nguồn tài chính cho chiến sự của Nga đang ngày càng gặp khó. Ngoài ra, cánh cổng đến châu Âu của giới tài phiệt Nga đã bị khóa, kèm theo số tài sản khủng của Nga ở nước ngoài bị phong tỏa mà phương Tây chưa xác định con số cụ thể.

Nga giữa tình thế bao vây cấm vận - Ảnh 3.

Một cửa hàng McDonald ở Moscow tháo biển hiệu vào tháng 6.2022

AFP

Nhiều biện pháp đối phó

Đối phó cấm vận, theo Bloomberg, nhiều công ty ở Nga đã bỏ tiền thay thế thiết bị, phần mềm nước ngoài hoặc chuyển dòng tiền vào việc xây dựng những chuỗi cung ứng mới, nhằm tiếp cận các thị trường thay thế. Trái với dự báo ban đầu về việc giảm tới 20% chi tiêu vốn, Nga đã tăng 6% vào năm 2022. Ngân hàng Trung ương Nga cho biết hầu hết doanh nghiệp tăng mức đầu tư hoặc giữ nguyên trong năm ngoái.

Chiến sự qua năm thứ 2, Nga và Ukraine đều nói sẽ thắng

Reuters ngày 24.2 đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ chiến thắng Nga trong năm nay, khi phát biểu đánh dấu tròn một năm chiến sự. Trong đoạn phim với tựa đề "năm bất bại", nhà lãnh đạo còn khen ngợi người Ukraine góp sức đối phó Nga. "Chúng ta đã sống sót, không bị đánh bại và sẽ làm mọi thứ để chiến thắng trong năm nay", nhà lãnh đạo tuyên bố.

Về phía Nga, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev tuyên bố Moscow sẽ chiến thắng và sẵn sàng tiến sâu hơn. "Chiến thắng sẽ đạt được. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là cần đạt mọi mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt, nhằm đẩy lùi biên giới của những mối đe dọa đối với đất nước chúng ta càng xa càng tốt, thậm chí đến biên giới Ba Lan", ông tuyên bố. Trong khi đó, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết mới kêu gọi chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Cùng ngày 24.2, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan thông báo Mỹ sẽ viện trợ thêm 2 tỉ USD về an ninh cho Ukraine, còn Anh ra lệnh cấm vận nhằm vào 92 cá nhân và tổ chức Nga, trong đó có lãnh đạo các ngân hàng, công ty điện hạt nhân và công ty quốc phòng.

Cũng vào dịp này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra 12 quan điểm chính trị cho rằng đối thoại, đàm phán là cách khả dĩ duy nhất nhằm giải quyết khủng hoảng Ukraine. Bắc Kinh còn kêu gọi các bên tránh ảnh hưởng sự phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời cho biết sẵn sàng hỗ trợ tái thiết hậu xung đột.

Liên quan chiến sự, CNN ngày 24.2 dẫn lời ông Yevgeny Prigozhin đứng đầu lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga cho hay lực lượng này đã kiểm soát hoàn toàn làng Berkhivka phía tây bắc Bakhmut ở Donetsk. Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.

Cuối năm 2022, tờ The Wall Street Journal đưa tin việc "động viên, cấm vận và giá năng lượng giảm" đang gây thiệt hại nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, báo Kommersant đưa tin phân nửa số công ty Nga bị ảnh hưởng đã nhanh chóng thích ứng. Những "biểu tượng" của phương Tây như McDonald có thể đã rút khỏi Nga, nhưng đã được thay thế khi được mua lại và đổi tên thành Vkusno i tochka, với thức ăn hầu như không thay đổi. Số liệu của Rosstat cho thấy sản lượng công nghiệp của Nga trong tháng 10.2022 chỉ giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước đó và cải thiện so với mức sụt giảm 3,1% trong tháng 9.2022. Nhu cầu trang bị cho những binh sĩ được động viên và việc gia tăng chi tiêu cho chiến dịch đã giúp lĩnh vực sản xuất công nghiệp tại Nga vượt qua những thách thức về kinh tế tốt hơn mong đợi.

Người Việt ở Ukraine lạc quan mong ngày hòa bình

Nga còn cùng Iran đầu tư 20 tỉ USD nhằm xây dựng tuyến thương mại xuyên lục địa mới từ rìa đông của châu Âu đến Ấn Độ Dương, tăng tốc lưu lượng hàng hóa đường sông và đường sắt kết nối bởi biển Caspian. Riêng về lĩnh vực năng lượng, Nga đã đẩy mạnh xuất khẩu dầu mỏ sang các nước "thân thiện" không áp trần giá dầu do phương Tây đưa ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.