Hôm 3.10, Bộ Ngoại giao Nga triệu tập Đại sứ Hà Lan tại nước này, đáp lại cuộc triệu tập tương tự của Hà Lan đối với Đại sứ Nga hồi tuần trước. Moscow vẫn giữ quan điểm và lập trường của mình về cuộc điều tra cũng như về Nhóm điều tra quốc tế (JIT) do Hà Lan dẫn đầu.
"Nga chủ yếu cáo buộc về tính thiếu khách quan và minh bạch của cuộc điều tra do JIT tiến hành. Dù chỉ trích, Nga nói sẵn sàng cung cấp thêm thông tin cho JIT. Những thông tin này sẽ được xem xét trong những tuần tới”, Bộ Ngoại giao Hà Lan cho hay trong một thông báo đưa ra sau cuộc gặp kéo dài 30 phút giữa Đại sứ Hà Lan Renee Jones-Bos và giới chức Nga.
Tuy nhiên, trong tuyên bố Bộ Ngoại giao Hà Lan nói rằng: "Không thể chấp nhận (khi Nga) đặt nghi vấn về tính chuyên nghiệp và tính liêm chính của các công tố viên trong cuộc điều tra và làm mất uy tín của JIT", Tân Hoa xã cho hay hôm nay 4.10.
Bộ Ngoại giao Hà Lan còn cho biết trong cuộc gặp giới chức Nga, Đại sứ Hà Lan Jones-Bos nhấn mạnh rằng: "Chính phủ Hà Lan xem việc tìm ra thủ phạm và đưa ra công lý để xét xử (những kẻ có liên quan trong vụ bắn hạ máy bay MH17) có ý nghĩa quan trọng nhất trong cuộc điều tra này”.
Chưa rõ phản ứng của Moscow về tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hà Lan. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova nói rằng Moscow triệu tập Đại sứ Hà Lan vì muốn giải thích rõ hơn lý do vì sao không chấp nhận kết quả điều tra của JIT, theo TASS. Moscow cũng muốn thể hiện sự bất bình khi yêu cầu tham gia vào cuộc điều tra JIT và cả thông tin giới chức Nga cung cấp cho nhóm điều tra quốc tế này đều bị từ chối.
Quan điểm trên của Nga đã được Đại sứ Nga tại Hà Lan, ông Alexander Shulgin hôm 30.9 đề cập trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Bert Koenders. Bộ trưởng Hà Lan sau đó tuyên bố "những cáo buộc của Nga là không thể chấp nhận".
JIT bao gồm nhà điều tra của các nước có liên quan hoặc có công dân là nạn nhân trong vụ thảm hoạ hàng không MH17 hồi năm 2014. Tất cả 298 người trên máy bay của hàng không Malaysia Airlines trong hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) đi Kuala Lumpur (Malaysia) thiệt mạng khi máy bay Boeing 777 (chuyến bay MH17) bị bắn rơi ở miền đông Ukraine ngày 17.7.2014.
Kết quả sơ bộ của JIT cho biết tên lửa phòng không BUK (do Nga sản xuất) đã bắn rơi MH17 trên bầu trời miền đông Ukraine, nơi thuộc kiểm soát của lực lượng nổi dậy do Nga ủng hộ. Tên lửa BUK được đưa từ Nga vào Ukraine và sau đó được đưa trở lại Nga sau khi hoàn thành “nhiệm vụ”, theo JIT.
Moscow phản đối kết quả điều tra, nói rằng nghi ngờ tính trung thực của JIT và cuộc điều tra “có động cơ chính trị”. Trước đó, Moscow cáo buộc lực lượng quân đội Ukraine mới là thủ phạm bắn hạ MH17.
Bình luận (0)