Nga mất kiểm soát kính viễn vọng không gian duy nhất

15/01/2019 08:28 GMT+7

Nga vừa mất khả năng kiểm soát kính viễn vọng vô tuyến không gian duy nhất của nước này, song giới chức đang nỗ lực thiết lập lại liên lạc.

Theo Reuters, cơ quan không gian của Nga (Roscosmos) đưa thông tin hôm 14.1. Vụ việc là thất bại mới nhất trong ngành công nghiệp vũ trụ gánh nợ lớn của Nga. Những năm gần đây, ngành vũ trụ Nga vướng nhiều trắc trở, chẳng hạn như bị mất tàu vũ trụ, vệ tinh và thất bại trong một đợt phóng có phi hành gia.
Roscosmos cho biết một đài quan sát của Mỹ phát hiện tín hiệu từ kính viễn vọng Spektr-R, hay RadioAstron khổng lồ của Nga. Kính đã ngừng phản ứng với lệnh từ Trái đất vào ngày 10.1. Roscosmos nói rằng điều này có nghĩa là những hệ thống trên kính viễn vọng vẫn hoạt động một cách độc lập.
Kính Spektr-R được phóng lên quỹ đạo vào năm 2011 để nghiên cứu lỗ đen, sao neutron, từ trường Trái đất và nhiều đối tượng khác. Hoàn thiện với đài quan sát trên mặt đất và ăng-ten dài 10 mét, RadioAstron là một trong các kính thiên văn lớn nhất từng được chế tạo.
Nỗ lực mới để tái kiểm soát RadioAstron được Nga thực hiện vào chiều 14.1, theo Roscosmos. Nhiều nỗ lực liên lạc với kính viễn vọng trước đó không thành công. Ông Yuri Kovalev, người đứng đầu dự án RadioAstron, từ chối nói rằng Nga đã mất kính này mãi mãi.
“Tôi không thể chôn vùi một vệ tinh chắc chắn là còn sống. Nó giống như yêu cầu bình luận về một người bệnh trong khi các bác sĩ nỗ lực cứu sống người ấy”, Kovalev cho hay. Ông là nhà vật lý thuộc Viện Vật lý Lebedev của Viện Hàn lâm Khoa học Nga ở Moscow.
Năm nay, Nga có kế hoạch phóng một kính viễn vọng khác lên không gian là Spektr-RG. Nó có nhiệm vụ “hoàn thiện bản đồ vũ trụ”. Spektr-R ban đầu chỉ được kỳ vọng phục vụ đến năm 2014 song tuổi thọ được kéo dài thêm. Một số chuyên gia cho rằng kính viễn vọng Spektr-R là một trong số các dự án không gian thành công của Nga.
Tháng 10.2018, tên lửa Soyuz mang theo phi hành gia Nga Aleksey Ovchinin và phi hành gia Mỹ Nick Hague thất bại chỉ sau vài phút phóng, buộc hai phi hành gia phải hạ cánh khẩn cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.