Tình hình Syria có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp sau khi Nga thông báo muốn mở rộng khu vực không kích ở nước này.
Chiến đấu cơ Nga tham gia chiến dịch không kích ở Syria - Ảnh: Komsomolskaya Pravda |
AFP ngày 4.10 dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Trong vòng 24 giờ từ ngày 3.10, các chiến đấu cơ SU-34, SU-24M, SU-25 đã 20 lần xuất phát, tấn công 10 cứ điểm của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS)”. Theo thông cáo, lực lượng Nga sẽ phối hợp với quân đội Syria để mở rộng khu vực không kích ở các tỉnh Idlib và Raqa.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các đợt tấn công nói trên đã phá hủy ít nhất 3 kho vũ khí, 1 trại huấn luyện, 1 xưởng sản xuất thuốc nổ và 4 trạm chỉ huy của IS. Còn theo tổ chức nhân đạo SOHR, máy bay Nga ngày 4.10 đã không kích tại các thành phố Talbiseh và Hama cùng thuộc tây bắc Syria. Nhiều nhóm vũ trang thuộc lực lượng nổi dậy Quân đội Syria tự do (FSA), vốn được phương Tây ủng hộ, đang đóng tại Talbiseh. Tại Hama, SOHR xác nhận các đợt tấn công của máy bay Nga chủ yếu ở khu vực phía đông, vốn tập trung nhiều căn cứ của IS.
Hôm qua 4.10, Nga tiếp tục bác bỏ các cáo buộc từ phương Tây rằng nước này “chỉ tập trung tấn công” các nhóm nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad. “Những thông tin sớm nhất về việc Nga tấn công sai mục tiêu xuất hiện trước cả khi máy bay của chúng tôi chuẩn bị cất cánh. Nhiều nước nhấn mạnh mục tiêu của Nga không phải IS mà là lực lượng nổi dậy được gọi là ôn hòa. Nhưng thật ra, cho đến giờ, khó có ai có thể thật sự định nghĩa “nổi dậy ôn hòa” ở Syria là thế nào”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Tình hình càng thêm phức tạp khi tờ The Washington Post dẫn nguồn tin cấp cao tiết lộ ít nhất 2 nhóm vũ trang Syria đã đề nghị Mỹ cung cấp tên lửa vác vai để đối phó máy bay của Nga. Lầu Năm Góc lập tức khẳng định đến nay vẫn chưa cung cấp loại vũ khí này cho lực lượng nào ở Syria.
Các nước trong khu vực ngày 4.10 tiếp tục có phản ứng trái chiều về sự hiện diện của Nga ở Syria. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Choukry tuyên bố: “Với sức mạnh quân sự của Nga thì sự góp mặt của họ có thể giúp tăng khả năng đẩy lùi khủng bố ở Syria”, trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ trích chiến dịch của Nga tại Syria là “không thể chấp nhận được” và là “sai lầm nghiêm trọng”, theo AFP.
Bình luận (0)