Nga nghiên cứu những virus tiền sử trong lớp băng vĩnh cửu

17/02/2021 09:00 GMT+7

Các nhà khoa học Nga lần đầu tiên nghiên cứu virus trong xác các động vật lưu giữ trong lớp băng vĩnh cữu tại vùng Yakutia bị tan chảy do nhiệt độ toàn cầu tăng.

Tờ The Guardian ngày 17.2 đưa tin phòng thí nghiệm Vektor ở Nga thông báo đang nghiên cứu các virus tiền sử bằng cách phân tích xác các động vật lộ ra từ lớp băng vĩnh cửu tan chảy.
Phòng thí nghiệm có trụ sở tại Siberia ra thông cáo cho hay mục tiêu của dự án là nhận diện các virus tiền sử và nghiên cứu sâu hơn về quá trình tiến hóa của virus.
Nghiên cứu với sự phối hợp của Đại học Yakutsk bắt đầu bằng việc phân tích các mô lấy từ xác một con ngựa đã qua ít nhất 4.500 năm.
Vektor cho biết xác con ngựa này được phát hiện vào năm 2009 tại vùng Yakutia, nơi nhiều động vật tiền sử như voi ma mút từng được phát hiện. Các chuyên gia cho hay họ cũng sẽ nghiên cứu xác của voi ma mút, nai sừng tấm, chó, gà gô, thỏ rừng, động vật gặm nhấm và các động vật tiền sử khác.

Phục hồi đoạn ADN lâu đời nhất từ răng voi ma mút Siberia

Giới khoa học cho biết Bắc Cực đang ấm lên gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu, gây nguy hiểm cho động vật hoang dã bản địa cũng như phóng thích ra carbon lưu trữ trong các lớp băng vĩnh cửu tan chảy.
Ông Maxim Cheprasov phụ trách phòng thí nghiệm Bảo tàng Voi ma mút tại Đại học Yakutsk cho biết các xác động vật từng là chủ đề của các nghiên cứu về vi khuẩn. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên họ nghiên cứu về virus từ các mẫu vật đó.
Từng là trung tâm phát triển vũ khí sinh học của Liên Xô, phòng thí nghiệm Vektor ở vùng Novosibirsk là một trong 2 cơ sở duy nhất trên thế giới lưu trữ virus đậu mùa.
Vektor đã phát triển vắc xin ngừa Covid-19, có tên là EpiVacCorona và được cấp giấy chứng nhận ở Nga vào tháng 10.2020, với kế hoạch tiêm chủng đại trà trong tháng này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.