Nga nỗ lực xoay chuyển thế trận phản công của Ukraine

15/06/2023 06:33 GMT+7

Nga tăng cường lực lượng tại mặt trận phía đông nam Ukraine nhằm ngăn chặn đà phản công của Kyiv.

Tờ The New York Times ngày 14.6 đưa tin lực lượng Nga đang tập trung tấn công những khu vực làng nơi Ukraine trước đó tuyên bố đã giành được sau một tuần thực hiện chiến dịch phản công. Quân đội Ukraine cho hay phía Nga tấn công bằng không lực và pháo binh trong cuộc giao tranh khiến làng Makarivka ở phía tây vùng Donetsk trở thành đống đổ nát.

Nga nỗ lực xoay chuyển thế trận phản công của Ukraine   - Ảnh 1.

Các binh sĩ Ukraine trên xe chiến đấu bộ binh BMP-1 trong chiến dịch phản công

Reuters

Giao tranh khốc liệt

Lực lượng Ukraine được cho là đã tiến lên tại ít nhất 2 khu vực phía nam nhưng chưa có dấu hiệu phá vỡ phòng tuyến dày đặc của Nga, bao gồm các bãi mìn, chiến hào và hàng rào bê tông chặn xe tăng. Mưa và bùn lầy đang cản trở nỗ lực của cả hai phía. Khi tiến lên, các binh sĩ Ukraine rời chiến hào và xa tầm bảo vệ của các hệ thống phòng không. Trong khi các tên lửa phòng không vác vai có thể nhanh chóng được đưa đến cứ điểm mới, những hệ thống phức tạp hơn lại khó di chuyển khiến lực lượng này dễ bị pháo binh Nga tấn công.

Tổng thống Putin tuyên bố tổn thất ở Ukraine là ‘thảm khốc’

Nga chưa thừa nhận việc mất kiểm soát khu vực nào kể từ khi Ukraine tiến hành phản công đến nay. Hãng TASS ngày 14.6 đưa tin Bộ Quốc phòng Nga cho hay các binh sĩ nước này đã đẩy lùi mọi nỗ lực tiến lên của phía Ukraine tại vùng Zaporizhzhia và khiến đối phương chịu thiệt hại nặng nề. Bộ Quốc phòng Nga đưa ra một đoạn phim cho thấy những khẩu pháo tự hành Giatsint-S 152 mm của Nga phá hủy vũ khí và cứ điểm ngụy trang của Ukraine gần hướng Vremevsky. Một sĩ quan Nga cho biết các binh sĩ Ukraine tại đó chủ yếu sử dụng pháo M777, HIMARS và các vũ khí do phương Tây sản xuất. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Ukraine tổn thất gấp 10 lần Nga trong đợt phản công, dù chưa đưa ra con số cụ thể. Phát biểu với báo giới, nhà lãnh đạo còn cho biết ông đang tự hỏi liệu lực lượng Nga có nên quay lại Kyiv hay không.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valery Zaluzhny khẳng định lực lượng nước này nhờ sự hỗ trợ của phương Tây về vũ khí và huấn luyện đã đạt "những thành quả nhất định, thực hiện các kế hoạch của chúng tôi và tiến lên phía trước". Ông cho biết giao tranh khốc liệt đang diễn ra tại đông và nam Ukraine. 

Nga phá hủy xe tăng rà phá mìn chuyên dụng Leopard 2 của Ukraine

Báo cáo tình báo của Anh hôm qua cho rằng không quân Nga tăng cường các chuyến bay nhằm hỗ trợ lực lượng mặt đất tại miền nam Ukraine. Diễn biến tại đông nam Ukraine khiến Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 14.6 phải hoãn chuyến đi đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia "cho đến khi có thể đến nơi một cách an toàn". Ngoài ra, phía Ukraine cho biết các tên lửa Nga đã tấn công một số khu vực ở vùng Odessa và Donetsk khiến ít nhất 9 người thiệt mạng. Nga lâu nay luôn bác bỏ việc nhằm vào dân thường trong chiến sự.

Nga - phương Tây thêm căng thẳng

Sau khi Mỹ công bố viện trợ quân sự thêm 325 triệu USD cho Ukraine, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 14.6 chỉ trích rằng hành động đó đẩy Washington sâu hơn vào "vực thẳm xung đột". Song song đó, ông cho rằng những chiến lược gia ở Mỹ chưa hiểu rằng không có lượng vũ khí hay sự tham gia của lực lượng lính đánh thuê nào có thể thay đổi tình thế chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Tổng thống Belarus vì sao muốn Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở nước mình?

Vũ khí hạt nhân Nga bắt đầu đến Belarus

Reuters ngày 14.6 dẫn lời Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho hay nước này vừa bắt đầu tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga. Vũ khí được ông mô tả là mạnh gấp 3 lần các quả bom nguyên tử Mỹ từng thả xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản vào năm 1945. Đây là lần đầu tiên Nga đưa vũ khí nói trên ra nước ngoài kể từ khi Liên Xô tan rã. "Chúng tôi có tên lửa và bom nhận từ Nga", lãnh đạo Belarus phát biểu khi đứng trên một con đường trong rừng với các xe quân sự đậu gần đó. Ông Lukashenko cho biết thêm Belarus có nhiều kho lưu trữ hạt nhân từ thời Liên Xô và đã phục hồi 5 kho. Belarus có biên giới với 3 nước NATO gồm Lithuania, Latvia và Ba Lan.

Liên quan các vụ nổ đường ống dẫn khí ở biển Baltic hồi tháng 9.2022, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 14.6 tuyên bố không còn bất cứ "giới hạn đạo đức" nào ngăn Moscow phá hủy các tuyến cáp quang biển khi cáo buộc phương Tây "đồng lõa" trong vụ nổ đường ống Nord Stream. Truyền thông Mỹ loan tin có khả năng Mỹ hay biết về một kế hoạch của Ukraine nhằm cho nổ các đường ống nhưng cả Kyiv lẫn Washington đều bác bỏ mọi cáo buộc.

Tổng thư ký NATO ca ngợi tiến bộ của Ukraine trên chiến trường

Trong diễn biến liên quan, công tố viên Mats Ljungqvist dẫn đầu cuộc điều tra từ phía Thụy Điển cho hay ông hy vọng có thể kết luận trước cuối tháng 8 về thủ phạm phá hoại đường ống. Ông cho biết đã gặp và phối hợp với công tố viên phía Đức. Các vụ nổ đường ống dẫn khí kết nối Nga và Đức xảy ra ở vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển, Đan Mạch và 2 nước này đều cho rằng đó là hành động cố ý phá hoại, dù chưa tìm ra thủ phạm. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.